Tiết lộ hình ảnh hầm trú ẩn hạt nhân 'độc nhất vô nhị' của lãnh đạo Trung Quốc

author 10:20 08/01/2018

(VietQ.vn) - Trung Quốc đã cho xây dựng một hệ thống hầm trú ẩn cực kỳ kiên cố ẩn sâu dưới lòng đất. Đây được coi là một công trình “độc nhất vô nhị” của nước này.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Theo tờ South China Morning Post, Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp (JBCC) thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên được công bố rộng rãi hồi năm 2016 khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến nơi này.

 Bản đồ khu hệ thống hầm trú ẩn của Trung Quốc. Ảnh: Dân trí/News.china.com

 Bản đồ khu hệ thống hầm trú ẩn của Trung Quốc. Ảnh: Dân trí/News.china.com

Chưa có thông tin chính thức nào về thời điểm JBCC và hệ thống hầm trú ẩn bắt đầu được xây dựng, nhưng theo truyền thông Trung Quốc công trình khởi động từ nhiều thập niên trước và thường xuyên được nâng cấp. Lối vào hầm trú ẩn nằm tại địa điểm bí mật bên trong Công viên Rừng quốc gia Tây Sơn và cách Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước khoảng 20 km về phía tây.

Theo South China Morning Post, JBCC được xem là “bộ não” của quân đội Trung Quốc và là nơi mà mọi quyết định về quân sự được đưa ra. Hoạt động hằng ngày bao gồm phân tích thông tin tình báo, giám sát hoạt động của 5 đại quân khu trên toàn quốc và ra lệnh triển khai các chiến dịch trong lẫn ngoài nước. Vì thế, trong tình huống xảy ra biến cố hạt nhân, giới lãnh đạo cấp cao của nước này có thể nhanh chóng theo những tuyến đường bí mật di tản đến hầm trú ẩn và thông qua JBCC để tiếp tục điều hành đất nước cũng như chỉ huy lực lượng vũ trang ứng phó khủng hoảng.

 Bên trong hệ thống làm việc của hầm trú ẩn. Ảnh: Dân trí

 Bên trong hệ thống làm việc của hầm trú ẩn. Ảnh: Dân trí

So với những hầm trú ẩn hạt nhân quy mô lớn nổi tiếng như Tổ hợp Núi đá Raven của quân đội Mỹ ở Pennsylvania hay Bộ Chỉ huy Phòng vệ Vũ trụ Bắc Mỹ ở Núi Cheyenne tại Colorado, hầm trú ẩn hạt nhân của Trung Quốc ở Tây Sơn cũng có những ưu điểm “độc nhất vô nhị”.

Theo Qin Dajun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Địa chất và Địa Vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, các hầm trú ẩn Trung Quốc nằm sâu dưới lòng đất hơn 2km ở Tây Sơn. Như vậy hầm trú ẩn này có độ sâu ngang hàng với Krubera - hang động sâu nhất thế giới hiện nay tại Georgia.

Hầm trú ẩn hạt nhân Trung Quốc nằm trong những hang đá vôi từng trải qua hàng triệu năm bào mòn của địa chất. Tại Tây Sơn, những hang đá này nằm dưới nhiều lớp đá khác nhau như đá granite, một trong những vật liệu tự nhiên cứng nhất thế giới, với độ dày trung bình khoảng 1.000 m. Các chuyên gia hạt nhân cho biết một hầm trú ẩn thường chỉ cần lớp đệm đá dày hơn 100 m là đủ chống chọi với một vụ nổ hạt nhân.

“Đây có lẽ là hầm ngầm sâu nhất thế giới theo tôi biết”, chuyên gia Qin nhận định.

Các hẩm trú ẩn hạt nhân được thiết kế bên dưới các ngọn núi với những lớp đá cứng có chịu được các vụ nổ lớn. Hầm được thiết kế để có thể vận hành độc lập trong thời gian dài mà không cần tiếp viện từ bên ngoài. Ngoài ra, hầm cũng có hệ thống thông hơi đặc biệt để lọc bỏ các chất độc phóng xạ phóng ra từ bom nguyên tử. Quy mô của hầm trú ẩn rộng lớn và phức tạp tương đương một thành phố nhỏ với hệ thống thông tin liên lạc phức tạp, các đường hầm đủ rộng để chứa máy bay cũng như xe tăng, cùng không gian để chứa được hơn 1.000 người.

Lãnh đạo Trung Quốc tới thăm khu hầm bí ẩn. Ảnh: Người lao động

Lãnh đạo Trung Quốc tới thăm khu hầm bí ẩn. Ảnh: Người lao động 

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lo ngại về việc các chất phóng xạ phát sinh sau vụ nổ hạt nhân sẽ ngấm vào nguồn nước tại Tây Sơn. Do vậy, Trung Quốc cũng tính đến phương án xử lý các chất phóng xạ này trước khi sử dụng. Sau khi loại bỏ chất phóng xạ, nước sạch được cho là có thể lưu trữ trong hầm ngầm trong vòng nhiều năm.

“Trung Quốc đã phát triển các công nghệ và trang thiết bị tiên tiến để xử lý vấn đề này và hiện là nước đi đầu thế giới”, chuyên gia hạt nhân Liu Young tại Đại học Nam Trung Quốc ở Hồ Nam, người đứng đầu chương trình nghiên cứu xử lý chất thải phóng xạ do quân đội và ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc bảo trợ, cho biết.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang