Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư như thế nào?

author 14:19 01/03/2018

(VietQ.vn) - Dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư, phó giáo sư đã có nhiều điểm mới so với trước đây

Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư

Theo Dự thảo, tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư: Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác. Thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 (một phần hai) thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp.

Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư như thế nào?. Ảnh minh họa

Hiệu trưởng nhận xét, đánh giá về các nhiệm vụ giao cho giảng viên, trong đó ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận, nhận xét về kết quả đào tạo của giảng viên.

Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong chuyên môn.

Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Quyết định này đối với chức danh giáo sư và khoản 9 Điều 8 Quyết định nàyđối với chức danh phó giáo sư.

Cũng theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học. Nhóm ngành khoa học xã hội yêu cầu thấp hơn. Ứng viên phó giáo sư chỉ cần ít nhất một bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

Viết sách không còn là tiêu chuẩn "cứng" với GS, PGS

Một trong điểm mới của dự thảo đang được lấy ý kiến lần này là quy định cho phép các ứng viên giáo sư thay thế tiêu chuẩn viết sách bằng bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (thuộc danh mục ISI và Scopus).

Cụ thể tại khoản 5, Điều 7 quy định về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, dự thảo mới bổ sung quy định: "Ứng viên không có sách phục vụ đào tạo thì được bù bằng điểm công trình khoa học quy đổi của các bài báo khoa học do ứng viên là tác giả chính tương ứng với điểm của các cuốn sách được thay thế".

Các bài báo khoa học dùng để thay thế cho sách phụ vụ đào tạo là các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín sau khi có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh giáo sư) hoặc sau khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh phó giáo sư).

Trước đó, viết sách là một trong những tiêu chuẩn "cứng" mà các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng khi nộp hồ sơ. Điều này được cho là không phù hợp đặc biệt là với các ứng viên làm việc tại các cơ quan nghiên cứu.

Ngoài ra, dự thảo mới cũng quy định, ngoài việc ứng viên phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ thì phải giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh.

Các quy định khác về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được giữ nguyên như dự thảo lần thứ nhất công bố hồi đầu năm 2017.
Đối với nội dung quy định điểm công trình khoa học quy đổi, dự thảo mới đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là quy định điểm quy đổi công trình khoa học thành các điều của chương 2 (Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư) và phương án 2 là đưa thành phụ lục, trong đó có bảng quy đổi điểm và danh mục các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng điều chỉnh một số quy định để phù hợp với các ứng viên ở một số ngành đặc thù.

Cụ thể thể dự thảo quy định quy đổi điểm công trình khoa học đối với các tác phẩm nghệ thuật, thành tích thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia tối đa 1,5 điểm, đạt giải quốc tế tối đa 2,0 điểm.

Dự thảo cũng không quy định cứng đối tượng bổ nhiệm giáo sưphó giáo sư giảng viên cơ hữu nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thu hút giảng viên có tài năng vào các vị trí đảm nhiệm công tác đào tạo của nhà trường.

Việc bổ nhiệm chức danh giáo sưphó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học sẽ do hiệu trưởng chịu trách nhiệm quy định cụ thể cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo sưphó giáo sư. Quy định này theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là thực hiện chủ trương tự chủ đại học.

Ngày 31/1 và 1/2, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019 họp lần thứ VII, xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sưphó giáo sư năm 2017. Ngay sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố, danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sưphó giáo sư năm 2017 ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhiều người lo ngại về tiêu cực trong quá trình xét duyệt, cũng như chất lượng đội ngũ giáo sưphó giáo sư mới khi số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn năm nay tăng đột biến, tương đương số lượng của hai năm 2015, 2016 cộng lại.

Cụ thể, số lượng giáo sư được công nhận năm nay là 85 người, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Tổng ứng viên đủ tiêu chuẩn là 1.226. Con số này gấp 1,74 lần so với năm 2016 (703 người), gấp 2,35 lần so với năm 2015 (522 người), thậm chí nhiều hơn tổng số ứng viên năm 2015, 2016 cộng lại.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang