Tiêu chuẩn ISO 22000: Áp dụng đúng, hiệu quả tức thì

author 13:13 11/02/2020

(VietQ.vn) - Áp dụng mô hình hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 giúp Công ty CP NosaFood quản lý chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó còn tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 tại một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần NosaFood – doanh nghiệp sản xuất tương ớt, tương cà, nước tương, viên gia vị, các loại sốt (sốt chua ngọt, sốt lẩu thái…), sốt mì spaghetti, tương đen, sate, sate tôm, nước mắm, nước mắm chay, muối tiêu, tiêu đen xay, tiêu sọ xay… 

Sản phẩm của đơn vị hiện đang được phân phối tại siêu thị, đại lý trong nước và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới. 

 

 

Đánh giá về quá trình triển khai ISO 22000 tại Công ty NosaFood, ông Phạm Quốc Bình – Chuyên gia đánh giá Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT cho hay, áp dụng ISO 22000 đem lại hiệu quả về thời gian, chi phí cho các cuộc đánh giá, xem xét.

Ông Bình phân tích: “Ban lãnh đạo công ty rất quan tâm đến hệ thống quản lý nên khi xây dựng các cán bộ trong ban ISO được trả thêm 1.5 triệu/ cán bộ. Khi chưa thực hiện hoạt động tích hợp mỗi ban ISO của công ty có 10 người, như vậy tổng số cán bộ là 20 x 1.5 = 30 triệu đồng/tháng, tương đương một năm là 360 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi thực hiện ban lãnh đạo thống nhất tích hợp hai ban ISO thành 1 và số lượng giảm đi 1/2 còn 10 cán bộ nên chi phí cùng giảm đi đáng kể, bởi sau khi tích hợp ban lãnh đạo trả cho 10 cán bộ trung bình 2 triệu/cán bộ, như vậy một tháng công ty chi trả thêm 20 triệu đồng, tương đương một năm là 240 triệu, tiết kiệm được khoảng 120 triệu đồng".

Về tiết giảm thời gian đánh giá, ông Bình chỉ ra: “Theo yêu cầu của tiêu chuẩn, hoạt động đánh giá nội bộ phải được thực hiện định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Vì vậy khi công ty áp dụng hai hệ thống Ban ISO đã thực hiện hai lần đánh giá nội bộ toàn diện tại các phòng ban bộ phận. Hoạt động đánh giá được các chuyên gia của công ty thực hiện 4 ngày/một đợt, như vậy một năm công ty mất 8 ngày cho hoạt động này. Tuy nhiên sau khi thực hiện tích hợp hoạt động đánh giá được tiến hành đồng thời hai tiêu chuẩn nên số lượng ngày đánh giá giảm xuống còn 4 ngày, giảm được 1/2  so với khi chưa thực hiện hoạt động tích hợp".

Cùng với đó, đối với cán bộ vận hành trực tiếp hệ thống thì việc ghi chép hồ sơ sách giảm rất nhiều tuy nhiên vẫn kiểm soát được các công việc một cách hiệu quả; Hệ thống tài liệu cũng giảm đi 1/2 nên việc tìm hiểu hệ thống quy định cũng thực hiện một cách dễ dàng; Hệ thống tài liệu tích hợp được thiết kế một cách trình tự thống nhất, bắt đầu từ các yêu cầu bắt buộc của hệ thống có sự lôgic các vấn đề với nhau.

Đối với cán bộ quản lý, khi thực hiện hoạt động tích hợp đã giải quyết được việc chồng chéo trong công tác quản lý bới việc thực hiện kiểm soát được quy về một mối; Hệ thống được tinh giảm và sát với thực tế công ty nên người lao động không thực hiện công việc mang tính đối phó, nên người quản lý có nhiều thời gian tập trung vào được các vấn đề trọng điểm khác của công ty; Do hệ thống tích hợp áp dung trong công ty đã chỉ rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ phận nên sự phối hợp của các cán bộ quản lý thuận lợi vì mọi công việc được xác định và làm rõ từ đầu.

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 đem đến niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Ảnh: Nhà máy NosaFood.

Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh, triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 giúp doanh nghiệp được nhìn nhận là đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Bình cũng đưa ra một số khuyến nghị: Việc triển khai xây dựng hệ thống quản lý tích hợp cần xuất phát từ thực tế của đơn vị nhiều hơn nữa, một số thủ tục/quy trình xây dựng còn lan man chưa đi vào trọng tâm cũng như thực tế của đơn vị; Khi xây dựng hệ thống tài liệu cần gắn trách nhiệm của các cá nhân và bộ phận nhiều hơn nữa; Cần chú ý đến các yêu cầu mang tính chất đặc thù của các tiêu chuẩn tương ứng như: PRP; CCP hay kế hoạch HACCP trong ISO 22000. “Hiện, công ty đang có kế hoạch xây dựng tiếp hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn BRC kiến nghị công ty đưa vào trong hệ thống tích hợp mà công ty đang áp dụng và duy trì”, ông Bình cho hay.

Nhiệm vụ "Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) vào các doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT chủ trì thực hiện nhằm thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 tại doanh nghiệp và hình thành các mô hình điểm áp dụng thực hành làm cơ sở cho việc nhân rộng. Dự án nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian nhờ áp dụng 52 quy trình chuẩn ISO 22000(VietQ.vn) - Áp dụng 52 quy trình, hướng dẫn theo chuẩn ISO 22000, Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ triển khai thành công hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm, từ đó giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm ra thị trường.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang