Tiêu chuẩn phải trở thành vấn đề tự thân của doanh nghiệp

author 06:29 24/09/2018

(VietQ.vn) - Sự phối hợp giữa Bộ KH&CN và Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao được triển khai thời gian gần đây đã tạo ra nhận thức mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho hàng hóa.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tại tọa đàm “Nâng cao tiêu chuẩn cho hàng Việt” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) và Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao vừa ký kết “Thoả thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và DN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.

 Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh: Tiêu chuẩn là yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Uyên

Với mục tiêu giúp các DN nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích của quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn trong việc lựa chọn tiêu chuẩn nào để áp dụng cho phù hợp với sản phẩm hàng hóa của mình, từ đó xây dựng các đội ngũ chuyên gia, đội ngũ tư vấn để tổ chức đào tạo huấn luyện cho các DN Việt Nam để tiếp cận tiêu chuẩn.

Việc các DN chủ động, tích cực tham gia vào công tác xây dựng tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình và giúp cho cộng đồng, người tiêu dùng và các bên liên quan nhận thức được giá trị của các DN khi xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn này. Đồng thời, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của các nước nhập khẩu.

Ông Linh cho biết, nhằm hỗ trợ DN Việt Nam, Bộ KH&CN đã và đang triển khai mạnh Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020 (Chương trình 712), trong đó có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn phù hợp.

“Ví dụ như trong nông sản, hiện nay người tiêu dùng không chỉ chú trọng đến chất lượng cuối cùng mà còn quan tâm đến cả chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn. Vậy ở khâu trồng trọt thì áp dụng tiêu chuẩn nào, khâu quản lý trong quá trình sản xuất thì áp dụng tiêu chuẩn nào hay đối với một số thị trường thì việc yêu cầu hàng hóa nhập khẩu đòi hỏi các tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện mới có thể tiêu thụ rộng rãi ở các siêu thị của các thị trường khó tính”, ông Linh dẫn chứng.

Ông Linh cũng cho biết, Chương trình 712 cũng tìm kiếm các công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các công cụ cụ thể giúp cho doanh nghiệp tự hoàn thiện mình hơn, ngày càng tự cải thiện được chất lượng sản phẩm và năng suất của mình ngày càng được tăng lên.

Theo ông Linh, qua kết quả khảo sát của Bộ KH&CN đối với các DN trước và sau khi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến hay áp dụng tiêu chuẩn thì năng suất có những doanh nghiệp tăng đến 50% so với trước khi áp dụng. Hay doanh thu tăng lên gấp hàng chục lần. Những mô hình thành công như vậy nên được nhân rộng lên và thông qua Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước và là cầu nối gắn kết với cộng đồng DN để giúp lan quả các thành công này. Từ đó giúp cho các DN tiếp cận tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN mình từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tọa đàm "Nâng cao tiêu chuẩn cho hàng Việt"  Ảnh: Thanh Uyên

Đánh giá về sự phối hợp với Bộ KH&CN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, sau thời gian đã hợp tác với Bộ KH&CN để hỗ trợ cho DN, hai bên đi sâu vào hỗ trợ xây dựng tốt các tiêu chuẩn cho phù hợp, các tiêu chuẩn này thể hiện sự cam kết, bảo đảm sự tuân thủ nhất quán các tiêu chuẩn tạo nên niềm tin với khách hàng, từ đó nó tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Bà Hạnh cho rằng, trên thực tế là có một số DN sản xuất hàng hóa đợt đầu thì rất là tốt lần sau thì chất lượng bị giảm đi.

“Nếu chúng ta tuân thủ các tiêu chuẩn thì sẽ đảm bảo chất lượng đồng đều cho hàng hóa, hơn nữa càng đi sâu vào làm việc với DN, tôi thấy có tình trạng DN nghĩ tiêu chuẩn giống như một thủ tục để xuất khẩu hoặc hợp tác do đó đôi khi các DN còn đối phó, làm tiêu chuẩn rất hình thức”, bà Hạnh nói.

Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, vấn đề đặt ra là để làm sao tiêu chuẩn trở thành nhu cầu tự thân của DN thì sẽ giúp cho sản phẩm hàng hóa của DN có chất lượng bền vững thì cạnh tranh mới lâu bền.

“Sự hợp tác giữa Bộ KH&CN với Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao là sự hợp tác lâu dài và được kỳ vọng không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn thay đổi hành vi, thay đổi cảm nhận của xã hội về những nỗ lực của DN và cuối cùng là làm sao giúp cho sản phẩm của DN đã có tiêu chuẩn có thể thương mại hóa một cách hiệu quả”, bà Hạnh nói.

Những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững, đó là: Phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ. Tuy nhiên, cũng phải lưu tâm đến vai trò của tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

 

Bộ KH&CN hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm(VietQ.vn) - Đây là nội dung nằm trong “Thoả thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm” vừa được Bộ KH&CN và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao ký kết.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang