Tiêu chuẩn thịt sạch: Người tiêu dùng biết ‘vịn' vào đâu?

author 15:42 16/05/2017

(VietQ.vn) - Thịt sạch được quảng cáo và bán với giá cao hơn thịt thông thường nhưng thực tế bao nhiêu trong số đó đảm bảo được tiêu chuẩn "sạch"?

Nhu cầu sử dụng thịt sạch của người tiêu dùng luôn ở mức cao

Cứ "sạch" là được giá, hút người mua

Thời gian qua, thị trường thịt tại Việt Nam đã ghi nhận một giai đoạn khủng hoảng “thừa” khi lượng thịt lợn sản xuất ra vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng. Thực trạng này khiến cho những người nông dân buộc phải bán thịt lợn với giá rất thấp và ngay lập tức, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã tham gia vào cuộc chiến “giải cứu lợn”.

Tuy nhiên, mặc cho giá thịt lợn chung trên thị trường rớt thê thảm, vẫn có những loại thịt lợn được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn bởi thịt lợn là được quảng cáo chất lượng, đảm bảo an toàn cũng như quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn “thịt sạch”.

Trên thị trường, giá của các loại thịt lợn sạch thường cao hơn nhiều so với các loại thịt thông thường mà người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng ngày. Một kilogam thịt lợn sạch hiện có giá từ 120 – 200 nghìn đồng tùy loại, cao hơn giá thịt thông thường từ 20-25%.

Chính nhu cầu sử dụng thịt sạch tăng lên đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều cơ sở, địa điểm kinh doanh buôn bán loại thực phẩm này. Trong đó, có rất nhiều những loại thịt được quảng cáo là “sạch” và chất lượng do được nuôi ở quê và không cho ăn cám công nghiệp.

Sự bùng nổ của các cơ sở kinh doanh thịt sạch khiến người tiêu dùng vui mừng vì giờ đây họ có thêm nhiều lựa chọn để mua các loại thịt sạch. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ băn khoăn không biết cơ sở nào có thịt sạch thực sự và tiêu chuẩn nào để biết được đâu mới là thịt sạch được bày bán trên thị trường.

Không nhiều cơ sở kinh doanh quảng cáo thịt sạch có đủ thông tin chứng minh sản phẩm của mình "sạch thật"

Tù mù về thịt sạch

Thực tế cho thấy, lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn cho rằng, các loại thực phẩm từ động vật được chăn thả tự do trong môi trường tự nhiên là “sạch”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT cho biết: Hình thức chăn nuôi thả rông mang nặng tính tự cung tự cấp, rất khó phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường, không bảo đảm đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng thịt không phụ thuộc vào hình thức chăn nuôi thả rông mà phụ thuộc vào thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Chất lượng nông sản - Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nguyễn Văn Thuận (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng: Hiện đang có 2 loại chứng nhận thịt "sạch" phổ biến là chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn hữu cơ. Dấu hiệu để nhận biết thực phẩm sạch đó là, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có đủ thông tin về nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn.

Thế nhưng theo chị Vũ Hương Thu (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), việc gán cho thực phẩm chữ "sạch" chưa bao giờ dễ như hiện nay. "Người ta cứ quảng cáo thịt sạch là người tiêu dùng tin, thậm chí chấp nhận bỏ tiền cao hơn để mua sản phẩm sạch mà không có cơ sở để so sánh, lựa chọn bởi nhiều nơi bán thực phẩm sạch nhưng không có thông tin gì về sản phẩm".

Cùng quan điểm với chị Thu, bà Trần Thị Thảo ( Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, người tiêu dùng không biết căn cứ vào đâu để nhận biết thế nào là thịt sạch. " Người bán nói là sạch nhưng trên sản phẩm không có gì chứng minh điều đó. Điều này gây khó cho người tiêu dùng khi chọn thực phẩm", bà Thảo nói.

Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, hiện nay thực phẩm gắn mác "thịt sạch" được bán tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn đều có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Còn tại chợ truyền thống và chợ online, các tiểu thương quảng cáo thịt sạch nhưng không có cơ sở nào để giúp người tiêu dùng nhận biết.

Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm TS.Nguyễn Duy Thịnh, hiện khái niệm thịt sạch vẫn còn khá mơ hồ, ngoài chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ được sản xuất quy trình theo chuỗi rát khắt khe thì trên thực tế phần lớn thịt lưu thông trên thị trường là thịt đủ điều kiện ATVSTP chứ không phải là thịt sạch.

"Thịt sạch là thịt phải đảm bảo được ba tiêu chuẩn là sạch về mặt lý học, hoá học và sinh học. Đó là thịt không có các chất tồn dư của thuốc kháng sinh, hoá chất mà con vật ăn vào. Không có lẫn những vật nào ngoài thành phần của thịt. Không có ký sinh trùng và vi trùng đặc biệt là giun sán. Thịt sạch cũng phải đảm bảo không có các loại vi khuẩn nguy hiểm có khả năng gây ngộ độc cao cho con người", TS.Thịnh cho biết.

Theo TS.Nguyễn Duy Thịnh, sản phẩm thịt được sản xuất theo quy trình của VietGap có thể được coi là thịt sạch và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng thì các cơ sở kinh doanh gắn mác "thịt sạch" cần minh bạch thông tin trên nhãn mác tránh tình trạng lập lờ, đội giá sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt tài chính khi mua thực phẩm không đúng với chất lượng.

"Chúng ta cần có riêng tiêu chuẩn cho từng nhóm thực phẩm vì hiện nay, nếu không có tiêu chuẩn thì không có căn cứ để quản lý, nếu không có căn cứ thì phát hiện sai phạm đâu có xử lý nổi", TS.Thịnh đặt vấn đề.

Đề cập về vấn đề tiêu chuẩn, bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN), cho biết hiện nay tại Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn TCVN 7046: 2009 về thịt tươi trong đó quy định về các chỉ tiêu như: Chỉ tiêu lý - hóa; Các chất nhiễm bẩn, trong đó có hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng hoocmon; Các chỉ tiêu vi sinh vật; các chỉ tiêu ký sinh trùng...

"Tiêu chuẩn TCVN 7046: 2009 về thịt tươi có thể sử dụng kiểm tra chất lượng thịt để biết thịt có đảm bảo "sạch" hay không", bà Hà cho biết.

Cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch (VietQ.vn) - Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm gắn mác thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, đó là thực phẩm hữu cơ hay chỉ là thực phẩm sạch thì không phải ai cũng biết.

Bảo Bình

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang