Tiêu chuẩn thử vàng mới có gì thay đổi?

author 15:34 03/06/2014

(VietQ.vn) - Sau Thông tư 22, tiêu chuẩn mới về phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng mới cũng đã được phê duyệt

Cụ thể Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7055:2014 Vàng và hợp kim vàng- phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng sẽ thay thế cho TCVN 7055:2002.

Theo ThS Đỗ Quang Long, cán bộ Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tiêu chuẩn TCVN 7055:2014 về phương pháp xác định hàm lượng vàng mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc đồng thuận không chỉ của cơ quan quản lý, các tổ chức thử nghiệm mà còn cả các công ty sản xuất và hiệp hội kinh doanh mặt hàng này.

Sau Thông tư 22, chất lượng vàng trang sức sẽ bị siết chặt

Trước thông tin cho rằng khâu kiểm soát chất lượng vàng trong một thời gian dài lâu nay bị “thả nổi”, về điều này, ông Long cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có khoản 4 điều 17 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.  Sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN.


Tuy nhiên, trong Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường và chất lượng vàng lại đang sử dụng Tiêu chuẩn TCVN 7055:2002, đề cập phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng mà không phá hủy mẫu. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn mỹ nghệ TP.HCM cho biết, chuẩn này quy định phương pháp xác định tuổi vàng trên bề mặt các mẫu vàng thương phẩm có hàm lượng vàng không thấp hơn 88% (tức vàng 21K trở lên), trong khi vàng trang sức được cho phép lưu hành trên thị trường đến 90% có hàm lượng từ 8K (33,3%) đến 20K (83,3%). “Vừa qua chúng tôi cũng thử nấu một cây vàng nguyên liệu, làm đúng quy trình hướng dẫn không phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp huỳnh quang tia X, kết quả là bốn đơn vị thử cho bốn kết quả khác nhau. Vì thế, phương pháp này không phù hợp để áp dụng đo lường vàng nữ trang”, vị chủ tịch cho biết.

Về vấn đề này, ông Long cho biết: Theo khoản 1 Điều 20 của Thông tư 22, có quy định rõ: "Trường hợp các tiêu chuẩn được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn mới". Điều này có nghĩa là sau khi TCVN 7055:2014 được công bố, sẽ áp dụng TCVN 7055:2014 thay thế cho TCVN 7055:2002 để xác định hàm lượng vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X với phạm vi xác định hàm lượng vàng được mở rộng.

Vị chuyên gia cũng cho biết theo quy định của Thông tư 22, có ba phương pháp xác định hàm lượng vàng (tuổi vàng). Một là không phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp huỳnh quang tia X đo bề mặt để xác định nhanh hàm lượng vàng; hai là phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp cupen hóa (hỏa luyện) quy định trong TCVN 9875:2013 (ISO 11426:1997); ba là phương pháp hiệu số sử dụng quang phổ phát xạ quang học plasma cảm ứng (ICP-OES) quy định trong TCVN 9876:2013 (ISO 15093:2008).

“Hai TCVN về phương pháp phá hủy mẫu để xác định hàm lượng vàng trên đều là tiêu chuẩn hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO. Độ chính xác của kết quả phân tích phụ thuộc vào máy móc thiết bị và quy trình phân tích và trình độ của người thử nghiệm”, ông Long nói.

So sánh giữa Tiêu chuẩn phương pháp xác định hàm lượng vàng từ 2002 với tiêu chuẩn mới TCVN 7055:2014 sắp được công bố, vị chuyên gia nhận định: Tiêu chuẩn mới có sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật cho phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay và đã mở rộng phạm vi xác định hàm lượng vàng. “Về cơ bản, chắc chắn tiêu chuẩn mới sẽ được các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vàng đón nhận và áp dụng phổ biến”, ông Đỗ Quang Long khẳng định.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang