Đường lỏng Trung Quốc giá rẻ có thể gây ung thư nhiều nước cấm, Việt Nam vẫn nhập ồ ạt

author 10:00 15/03/2018

(VietQ.vn) - Tình trạng đường lỏng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới ngành đường Việt Nam mà còn nguy cơ tới sức khỏe vì không biết chất lượng ra sao?

Đường lỏng Trung Quốc đang chiếm ưu thế, chất lượng ra sao?

Hiện sản phẩm đường trong nước đang bị tồn kho, giá giảm thì doanh nghiệp tỏ ra lo ngại trước thực trạng hàng trăm ngàn tấn đường lỏng (HFCS - High Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm.

Ước tính cho thấy năm 2016, loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng cho biết, đến thời điểm 2017, lượng đường trong nước tồn kho đã lên đến trên 750.000 tấn. Đây là mức tồn kho kỷ lục và có nguy cơ gây mất an toàn đối với ngành mía đường vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, theo VSSA, đã có hàng trăm ngàn tấn đường lỏng bắp (HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) từ Trung Quốc mà nhiều người còn gọi là đường mới hay đường “lạ” được nhập vào Việt Nam khiến ngành mía đường trong nước càng lao đao.

Đường lỏng Trung Quốc đang chiếm ưu thế người dân không nên dùng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ảnh: Người lao động

 Đường lỏng Trung Quốc đang chiếm ưu thế người dân không nên dùng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ảnh: Người lao động

Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP. HCM có giá khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước tùy loại. Đáng nói là đường lỏng từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0%, trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu mức thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 85%. Độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1 - 1,3 lần so với đường trắng trong nước. Loại đường này nhập từ Trung Quốc, chủ yếu để sử dụng sản xuất bánh kẹo, nước ngọt.

Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), bà Dương Thị Tô Châu, cho hay: “Hiện đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM giá khoảng 12.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000-17.900 đồng/kg tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loại đường lỏng gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho ở mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành mía đường từ trước đến nay”.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho rằng ở một số nước đã hạn chế sử dụng loại đường bắp này. Chính phủ Philippines đã cấm các hãng sản xuất nước ngọt sử dụng loại đường này do có nhiều tác hại.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho hay thực chất đường lỏng Trung Quốc là chất ngọt thay thế được các công ty bánh kẹo, nước giải khát sử dụng. Ông Doanh dẫn chứng: “Sức tiêu thụ đường trắng chỉ tăng 1%-2% trong khi đường lỏng tăng đến 3%-4%. Nguyên nhân do các công ty thực phẩm chuyển sang sử dụng đường lỏng để giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận nhiều hơn”.

Ham rẻ dùng hộp nhựa kém chất lượng đựng thức ăn nguy cơ thêm bệnh(VietQ.vn) - Hộp nhựa tuy rất tiện dụng nhưng cũng không nên lạm dụng, dùng không đúng cách có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ nhiễm độc.

Những tác hại của đường lỏng Trung Quốc tới sức khỏe

Theo giới chuyên môn, có sự khác biệt giữa đường làm từ mía và đường làm từ bắp gọi là đường bắp cao phân tử (High Fructose Corn Syrup - HFCS). Bắp qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất cho ra một hợp chất sinh học và hóa học có tên HFCS. Đây là loại đường dạng lỏng có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc.

Đường bắp hiện đang được một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực sử dụng khá nhiều do giá rẻ, độ ngọt cao gấp nhiều lần đường mía. Điều này đã tác động khá mạnh đến việc tiêu thụ đường mía trong nước. Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường bắp. Chính điều này dẫn đến nguy cơ béo phì gia tăng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đường HFCS là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp. HFCS có vị tương tự như đường nhưng có thể để được lâu hơn trong quá trình bảo quản thực phẩm.

Theo chuyên gia quản trị chất lượng - Ths Vũ Thế Thành, HFCS không bổ béo cho cơ thể mà lại có nguy cơ làm tăng béo phì bởi HFCS làm từ bột bắp. Bột bắp được thủy giải hết cỡ thành glucose, sau đó chuyển hóa một phần thành đường fructose. Do đó, HFCS là loại sirô hỗn hợp gồm có đường glucose và fructose, có hàm lượng fructose 42%, 55% hoặc 90% tùy loại.

Chuyên gia Thành cho biết, fructose trong trái cây dù sao cũng là dạng lành mạnh vì còn kết hợp với nhiều thành phần bổ dưỡng khác trong trái cây. Còn sirô HFCS thì khác, đường chỉ là đường. Ăn ngọt nhiều là điều chẳng nên vì đường này là thứ tạo calo rỗng, chẳng ích lợi gì mà có khi lại chuốc lấy rủi ro về sức khỏe, chủ yếu là tim mạch, tiểu đường type 2 và béo phì đang được báo động.

Thực tế, một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa. Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong đường HFCS, các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau, nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose ngọt hơn glucose. Fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo. Đây là lý do tại sao HFCS là nguyên nhân chính gây tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ.

Lượng fructose cao tạo ra lỗ thủng ở ruột, cho phép các sản phẩm phụ là vi khuẩn đường ruột độc hại và chất đạm từ thức ăn vừa được tiêu hóa một phần tiến thẳng vào máu, gây ra viêm nhiễm. Hóa chất sử dụng trong quá trình thủy phân bắp để tạo ra đường cũng có loại không an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, đường thuộc dạng lỏng sẽ khó bảo quản khi vận chuyển, lưu thông cũng như cất trữ, dễ nhiễm vi sinh vật. Nếu nhiệt độ không phù hợp cũng làm cho đường hỏng.

Với các phân tích trên, có thể thấy, HFCS vừa độc hại, vừa gây thất thoát doanh thu thuế cho nhà nước. Các quốc gia như Thái Lan, Philippines đánh thuế HFCS rất nặng, từ 25%-55% để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tránh sử dụng loại hàng độc hại này. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và có các biện pháp tự vệ chính thức đối với HFCS.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang