Tiêu hủy 4 tấn cá Tầm: "Ông nói gà, bà nói vịt"

author 10:22 01/08/2013

Sau hơn 1 tháng từ khi 4 tấn cá tầm bị UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ, tiêu hủy, đại diện chủ lô hàng đã làm đơn khiếu nại. Ngay cả quyết định tiêu hủy số cá tầm, chủ lô hàng cũng không được nhận.

Tá hỏa khi biết 4 tấn cá tầm đã bị tiêu hủy

Vụ lùm xùm liên quan đến việc bắt giữ và tiêu hủy 4 tần cá tầm (ước tính trị giá khoảng 700 triệu đồng) nghi nhập lậu của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn (QLTT) đang gây xôn xao dư luận, bởi sau khi số cá tầm bị UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) phối hợp cùng lực lượng QLTT tiêu hủy, chủ lô hàng đã gửi đơn khiếu nại, cho rằng lô cá của mình đẩy đủ giấy tờ hợp lệ và bị các cơ quan chức năng gây khó dễ trong quá trình giải quyết, dẫn đến cá chết phải tiêu hủy.
 
Vụ tiêu hủy 4 tấn cá tầm nghi lậu: Hé lộ nhiều uẩn khúc bất thường

Buổi làm việc giữa Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn và đại diện chủ lô cá tầm 4 tấn bị tiêu hủy về đơn khiếu nại.

 
Sự việc bắt đầu từ ngày 27/6, Đội QLTT số 11 Tràng Định đã bắt giữ một xe tải chở 4 tấn cá tầm của ông Nguyễn Văn Nghiêm. Theo phía lực lượng QLTT, do chủ hàng không xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết, đến ngày 1/7, UBND huyện Tràng Định đã họp các cơ quan liên quan và quyết định tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên.
 
Ngày 9/7, sau khi lô cá tầm này bị tiêu hủy, phía chủ hàng đã cử đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình lên Lạng Sơn gửi đơn khiếu nại Đội QLTT số 11 về việc tiêu hủy 4 tấn cá tầm mà không thông báo cho chủ lô hàng biết. Ông Nghiêm cũng yêu cầu Chi cục QLTT Lạng Sơn phải bồi thường số cá tầm đã bị tiêu hủy (ước tính 700 triệu đồng).
 
Ngày 29/7, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã mời ông Nguyễn Văn Nghiêm lên để làm rõ các vấn đề khiếu nại, tuy nhiên ông Nghiêm không có mặt mà ủy quyền cho ông Phạm Văn Long là chủ xe vận chuyển số cá tầm bị bắt làm việc với Chi cục QLTT Lạng Sơn.
 
Chiều ngày 29/7, tại trụ sở Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, ông Long cho biết: "Lô hàng 4 tấn cá tầm của chúng tôi còn đang trong tiến trình giải quyết bởi chúng tôi đã xuất trình tất cả những giấy tờ xác định nguồn gốc số cá này tới Đội QLTT số 11 Tràng Định. Thế nhưng, trong lúc đang đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì chúng tôi tá hỏa biết toàn bộ số cá tầm của chúng tôi đã bị UBND huyện Tràng Định và lực lượng QLTT tỉnh Ljang Sơn tiêu hủy mất. Là chủ lô hàng, chúng tôi không nhận được bất cứ một thông báo nào về việc tiêu hủy số cá tầm đến 4 tấn".
 
Vụ tiêu hủy 4 tấn cá tầm nghi lậu: Hé lộ nhiều uẩn khúc bất thường

Ông Phạm Văn Long đại diện chủ lô cá tầm cho biết không nhận được bất cứ một thông báo nào về việc số cá tầm của ông bị tiêu hủy.

 
Theo ông Long, ngay sau khi xe chở cá tầm bị đội QLTT số 11 huyện Tràng Định bắt vào đêm 27/6, phía chủ hàng đã xuất trình các giấy tờ cần thiết, trong đó có cả bản xác nhận nguồn gốc cá tầm được nuôi tại xã Long Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) nhưng vẫn bị lập biên bản và cả xe lẫn cá đều bị tạm giữ. Sau đó 4 tấn cá tầm trên đã bị tiêu hủy. “Việc tiêu hủy số cá tầm của chúng tôi trong khi sự việc còn chưa rõ trắng đen, chưa có kết luận là việc làm khiến chúng tôi hết sức bức xúc”, ông Long nói.
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả chính giấy tờ xác nhận nguồn gốc lô cá tầm bị bắt giữ cũng có nhiều điểm bất thường. Tấm giấy thông hành của lô cá này được xác định nguồn gốc bởi UBND xã Long Sơn do ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn  ký tên và đóng dấu chứng thực. Tuy nhiên, nội dung chứng thực trong đó có số liệu 80 triệu con cá tầm thương phẩm được nuôi tại hồ Khe Chảo của ông Bùi Thanh Vân là người bán cá tầm cho ông Nghiêm. Số liệu 80 triệu con cá tầm được nuôi tại xã Long Sơn là con số “trên trời”. Chính ông Lệ cũng khẳng định trong lúc trao đổi thì ông Vân nói xác nhận 8 vạn con, đến lúc đưa giấy đến thì tôi cứ ký thôi, chứ cũng không để ý kỹ con số là 80 triệu con.
 
Về phía ông Bùi Thanh Vân cho biết ông chỉ có khoảng 8 vạn con giống ở hồ Khe Chảo. Còn bản xác nhận 80 triệu con cá tầm là từ chỗ Nghiêm. Ông Vân cho biết, ông Nghiêm soạn giấy xác nhận và hợp đồng kinh tế rồi đưa cho ông Vân ký... Ông Vân bán cá cho ông Nghiêm vào ngày 24/6 với số lượng trên 5 tấn cá với giá hơn 900 triệu đồng. Đến ngày 27/6, lô hàng của ông Nghiêm bị bắt ở Lạng Sơn. “Số lượng cá của Nghiêm bị bắt (4 tấn) khác với số lượng tôi bán cho Nghiêm. Số cá Nghiêm bị bắt có những con lên tới 6kg, còn cá tôi bán không lớn như thế”, ông Vân nói.
 
Vụ tiêu hủy 4 tấn cá tầm nghi lậu: Hé lộ nhiều uẩn khúc bất thường

Trong Quyết định tạm giữ của Đội QLTT số 11 huyện Tràng Định ghi rõ có giữ cả giấy xác nhận nguồn gốc lô cá tầm bị bắt giữ.

 
Trước những bất thường của tờ giấy thông hàng cho lô cá tầm, khi phóng viên hỏi ông Long không hề trả lời được. Việc xã xác nhận xuất xứ nguồn gốc cá tầm có đúng thẩm quyền không? Thông tin 80 triệu con cá tầm trong bản xác nhận là như thế nào? Và một bộ giấy tờ chuẩn khi mua bán cá tầm gồm những giấy tờ gì là đầy đủ? Ông Long cho biết: “Cần những giấy tờ hợp pháp gì để cá tầm có thể buôn bán bình thường thì tôi không thể biết được, tôi không liên quan đến chuyện buôn bán cá tầm của Nghiêm, tôi chỉ vận chuyển chúng thôi. Những chuyện giấy tờ hợp lệ các anh hỏi Nghiêm. Bình thường khi vận chuyển các chuyến trước, tôi thấy chỉ cần có biên bản xác nhận và hợp đồng kinh tế như thế này là có thể tiêu thụ được”. 
 
Vụ việc vượt tầm sở Công Thương?
 
Tại buổi làm việc với PV ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Sau khi chủ hàng gửi đơn khiếu nại, Chi cục QLTT đã báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn về sự việc trên, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Công Thương và các ban ngành liên quan vào cuộc làm rõ sự việc. Đến thời điểm này cơ quan công an đang tiến hành điều tra. Nhưng sự việc đang trong quá trình điều tra nên lúc này chúng tôi không thể trả lời một cách rõ ràng được”.
 
Vụ tiêu hủy 4 tấn cá tầm nghi lậu: Hé lộ nhiều uẩn khúc bất thường
Xử lý vụ việc tiêu hủy 4 tấn cá tầm nghi lậu đã vượt khỏi thẩm quyền của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn?
 
Phóng viên đề nghị ông Lợi cung cấp cho báo chí công văn chỉ đạo của tỉnh, biên bản tạm giữ xe và 4 tấn cá tầm tuy nhiên ông Lợi từ chối và cho biết: “Tất cả những thông tin giấy tờ liên quan đến vụ việc này đang thuộc diện thông tin mật của ngành Công Thương”. Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp, phóng viên đã có được một số văn bản trên từ phía ông Phạm Văn Long cung cấp trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chi cục QLTT Lạng Sơn.
 
Khi chúng tôi đề cập đến việc tiêu hủy 4 tấn cá tầm trong khi sự việc đang được xác minh và việc tiêu hủy mà không có thông báo cho chủ lô hàng, ông Lợi cho biết việc ra quyết định và chịu trách nhiệm chính trong việc này là Chủ tịch UBND huyện Tràng Định. Đơn vị QLTT chỉ là phối hợp.
 
Ông Lợi cũng cho biết Chi cục QLTT cũng đang gặp khó vì sự việc đã vượt tầm của QLTT và đang được lãnh đạo tỉnh giao cho Công an tỉnh điều tra. “Công an họ đang điều tra nên tôi cũng không thể trả lời gì được. Tuy nhiên tôi có thể nói rằng khi bắt giữ lô hàng trên, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cơ sở nhiều nguồn tin khẳng định số cá tầm trên có vấn đề, hiện nay chúng tôi đang gấp rút củng cố thông tin, chứng cứ”. 
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc bất thường này.
 
Anh Thế/DT
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang