Tiêu hủy gần 300 lọ thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không nguồn gốc

author 07:30 15/09/2017

(VietQ.vn) - Biên phòng Tây Ninh vừa tiêu hủy gần 300 lọ thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc vận chuyển trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Đồn Biên phòng Kà Tum, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh vừa tiêu hủy gần 300 lọ thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc vận chuyển trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Số thuốc tân dược và thực phẩm chức năng trên là tang vật do Đồn Biên phòng Kà Tum phát hiện và thu giữ ngày 13/7/2017 tại khu vực điểm cảnh giới Tầm Phô, thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, trong lúc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, tổ công tác của đồn đã phát hiện 3 đối tượng người Việt Nam và Campuchia vận chuyển trái phép số thuốc nói trên từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ. Buổi tiêu hủy diễn ra ngày 14/9 trước sự chứng kiến của đại diện đại diện Sở Công Thương và Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh.

Trước đó, chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện, thu giữ và tiêu hủy lượng lớn tân dược, thực phẩm chức năng giả, không có nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Điển hình còn có vụ bắt giữ hai đối tượng Mai Thành Hoàng (39 tuổi, quận Tân Phú) cùng Khưu Tuấn Cường (47 tuổi, quận 6) làm giả thuốc Ibuparavic (trị đau nhức). Hoàng khai nhận đã mua thuốc giả tại chợ thuốc tây quận 10, không có chứng từ, đưa về nhà để bóc bỏ vỉ, sau đó giao cho Cường dập vỉ mác thuốc ngoại để bán. Công an còn phát hiện nhiều thuốc giả nhãn hiệu Pharmaton và Di-Ansel.

Cường khai số thuốc này sẽ được giao cho đầu mối ở một số tỉnh bán ra các nhà thuốc. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một đường dây khác ở huyện Bình Chánh, sản xuất năm loại thuốc giả gồm: Neo-Codion, Fugacar, Alpha Chymotrypsine Choay, Laroscorbine, Neo-Tergynan.

Cơ quan chức năng Tây Ninh tổ chức tiêu hủy thuốc tân dược và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Ảnh: báo Biên phòng

Các mẫu thuốc giả nêu trên đều được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đem về đóng gói tại các địa điểm ở huyện Bình Chánh, quận 6. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trung bình một vỉ thuốc tây làm giả sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ hai đến ba nghìn đồng.

Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Tiến sĩ Huỳnh Hiền Trung cho biết, ngay cả với thuốc thật, nhiều loại thuốc đặc trị cũng gây tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người nếu không dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng phải thuốc giả thì sự nguy hiểm rất khó lường. Theo quy định, thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải kiểm tra, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được Bộ Y tế cho phép lưu hành, sử dụng. Nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc.

Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc được tiến hành tiền kiểm và hậu kiểm bởi hai hệ thống: Phòng kiểm nghiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc của Nhà nước với 63 trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện. Các mẫu thuốc giả có nhãn, bao bì đóng gói giống tới 99% mẫu nhãn, bao bì của thuốc thật, không có dấu hiệu rõ ràng để phân biệt.

Mặt khác, theo các chuyên gia về Luật Sở hữu trí tuệ, mức phạt từ năm đến 20 triệu đồng (tái phạm phạt 100 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe các cơ sở làm thuốc giả, bởi lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn. Ngoài ra, vì lo ngại thông tin về thuốc giả ảnh hưởng tới uy tín của mình, một số chủ sở hữu số đăng ký đã không chủ động thông báo cho cơ quan quản lý hay cảnh báo cho người dân khi sản phẩm của mình bị làm giả...

Phong Lâm (T/h)

400 kg thuốc tân dược lậu cất giấu gần cửa khẩuLô thuốc tây được khai quá cảnh ở Tân Sơn Nhất để qua Campuchia nhưng chỉ mới tới cửa khẩu, hàng được tháo dỡ quay về nội địa.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang