Tiêu hủy lượng lớn khẩu trang và quần áo giả mạo nhãn hiệu Gucci, Zara, Nike

author 16:36 25/03/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành tiêu hủy lượng lớn khẩu trang và quần áo giả mạo nhãn hiệu Gucci, Zara, Nike.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian qua, Cục QLTT Ninh Bình đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ thể quyền các thương hiệu tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, từ đầu năm 2021 đến nay, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra và xử lý 12 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, phạt tiền trên 47 triệu đồng, tịch thu, buộc tiêu hàng hóa có trị giá 218 triệu đồng.

 Lượng lớn quần áo giả mạo nhãn hiệu bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Ninh Bình

Một vụ việc cụ thể mới đây nhất đó là đơn vị này đã ban hành quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh Bình Dung 20,5 triệu đồng đối với 02 hành vi: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời tịch thu và tiêu hủy 1.650 chiếc khẩu trang, trên 500 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, buộc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong 1 tháng.

Theo Cục QLTT Ninh Bình, trước đó, thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Ninh Bình phối hợp với phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, phòng Thanh tra Pháp chế Cục QLTT Ninh Bình và Công an huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra cửa hàng Bình Dung do ông Lê Thanh Bình làm chủ (chủ tài khoản Facebook: https://www.facebook.com/TranDung.ThoiTrang), địa chỉ: Phú Mỹ, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Tác hại khôn lường khi cắm sạc thiết bị điện tử liên tục (VietQ.vn) - Ngày nay, để tiện lợi sử dụng các thiết bị điện tử nhiều người thường cắm sạc liên tục vào ổ điện liên tục 24 giờ mỗi ngày. Theo các chuyên gia công nghệ, đây là thói quen tai hại cần từ bỏ.

Qua kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 562 sản phẩm quần áo GUCCI, ZAZA, NIKE có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.650 chiếc khẩu trang vải không có căn cứ để xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa. Đoàn Kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh các tình tiết của vụ việc theo quy định của pháp luật.

Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử lý thế nào?

Tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại điều 214 của Luật sở hữu trí tuệ, theo đó:

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền. (Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.)

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:

- Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

- Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

- Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang