Tiểu sử và cuộc đời ông Mai Thúc Lân

author 07:15 31/10/2014

Ông Mai Thúc Lân là một chính khách thẳng thắn, luôn trung thực với chủ kiến của mình, một con người pha trộn giữa tính cách quyết liệt của xứ Quảng với phong thái hào hoa của chốn Kinh Bắc.

Sáng 29/10, ông Mai Thúc Lân, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 79. Bài viết dưới đây của nhà báo Lê Thọ Bình như một nén nhang tiễn biệt ông, một người nặng lòng với nhân dân, đất nước.

Cuối cùng thì rồi ông cũng gục ngã. Gục ngã sau 10 năm trời, với một ý chí kiên cường, dũng cảm chống lại với căn bệnh ung thư quái ác.

Năm 2004, vừa rời chốn quan trường được một năm thì ông phát hiện ra căn bệnh ung thư. Đến nhà thăm ông, ông bảo: “Ban đầu mình cũng sốc nặng nhưng rồi trấn tĩnh lại thì thấy có buồn lo cũng chẳng ích gì. Không được buông xuôi mà phải “chiến đấu” với nó thôi!”. Nhìn vẻ lo lắng của chúng tôi, ông cười cười: “Chưa chết được đâu. Đạn của Pol Pot ở Campuchia còn không hạ gục được mình nữa là cái khối u bé tí này”.

Từng bị quăng lựu đạn vào nhà


Lâu nay, khi nhắc đến ông Mai Thúc Lân, người ta hay nghĩ tới một ông quan đầu tiên đã lên tiếng về việc cần thay đổi cách hành xử với dân bằng cách thay đổi mẫu đơn từ: Dân có việc thì chỉ cần viết “giấy yêu cầu” thay cho “đơn xin phép”. Ông cũng là người kiên trì “đòi” bầu cử lãnh đạo cấp cao phải có số dư; hay như phê phán kịch liệt thói chạy chức, chạy quyền, chạy tội; chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm...

Tuy nhiên, ông còn là một “anh thợ” trồng trọt tài ba, một lãnh đạo có những sáng kiến và xây dựng những mô hình hợp tác xã đầy lãng mạn một thời. Ông là người khởi xướng và xây dựng thành công “Mô hình hợp tác xã kiểu mới 4L” nổi tiếng một thời: Hợp tác xã Trung Hòa: Lúa - lang - lợn - lạc…

mai thúc lân, tiểu sử ông mai thúc lân, xứ quảng, chốn kinh bắc, nơi hay cãi

Đời thường của ông Mai Thúc Lân. 

40 năm sống và làm việc ở xứ Kinh Bắc đã cho ông rất nhiều. Đi lên từ anh cán bộ kỹ sư trồng trọt, trải qua nhiều cương vị, ông làm đến phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc. Cũng tại đây, ông đã yêu và kết hôn với một cô kỹ thuật viên áo gụ quần thâm tóc tết đuôi sam, da trắng hồng ở trại thí nghiệm lúa Hà Bắc. Bà gắn trọn đời mình với ông, sinh hạ cho ông bốn người con. Nhưng trên hết, chính cái chất lãng mạn, thấm đẫm tình yêu của người dân quan họ (trong đó đặc biệt là vợ ông) đã làm “mềm” đi rất nhiều cái tính “cương trực đến cực đoan” của chàng trai xứ Quảng Mai Thúc Lân.

Nhưng rồi cũng chính cái mảnh đất đầy chất thi ca này để lại trong lòng ông không ít day dứt. Có lần trong “lúc trà dư tửu hậu” ông kể: “Hồi đó có tay giám đốc công ty ngoại thương bị tố quan liêu, tham nhũng, gây bất bình trong dư luận. Đơn gửi đến mình, mình cho lập đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra làm việc xong không hiểu sao về báo cáo mọi chuyện tốt hết. Mình linh cảm có vấn đề nên quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra lại. Đến khi dùng tỉnh ủy tác động không được, tay đó quyết định tổ chức ném lựu đạn vào nhà mình”.

Lựu đạn nổ. Nhưng rất may là hôm ấy ông lại ở lại cơ quan xem bóng đá trên TV cùng mấy anh cán bộ văn phòng. Ông bảo: “Tính mình nó thế, không làm thì thôi chứ đã quyết thì phải thực hiện quyền của mình cho tới cùng chứ không chịu bị khuất phục”.

Về nơi “hay cãi”

Năm 1994, khi đang làm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội (QH), ông Lân được điều về làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. “Một hôm, tớ đang dự phiên họp thì văn phòng anh Mười (Tổng Bí thư Đỗ Mười - NV) gọi điện thoại bảo sang ngay anh Mười gặp. Vừa ngồi xuống ghế, anh Mười bảo: “Bộ Chính trị quyết định điều cậu về Quảng Nam-Đà Nẵng làm bí thư, cậu thấy thế nào?”. Tớ hơi ngỡ ngàng nhưng trả lời: “Thưa anh, Bộ Chính trị phân công gì thì tôi làm nấy”. 

Anh Mười cười: “Phức tạp lắm, ở đó đang mất đoàn kết nghiêm trọng”. Dừng hồi lâu, mời tớ uống trà, rồi anh Mười bảo: “Hôm trước ông Tùng (Đào Duy Tùng, Thường trực Bộ Chính trị - NV) vào làm việc với Tỉnh ủy, mấy “bố” bảo thẳng: “Chúng tôi nhận ông Lân là vì ông ấy người Quảng Nam thôi. Quảng Nam-Đà Nẵng chỉ có “xuất khẩu” lãnh đạo chứ không “nhập khẩu” đâu nhé!”. Cuối buổi, anh Mười hỏi: “Cậu có cần gì nữa không?”. Tớ nói: Anh và Bộ Chính trị cho phép tôi được sắp xếp lại bộ máy theo ý mình, đừng can thiệp”. Anh Mười cười, gật đầu: “Có can thiệp thì một người ngang như ông Lân đây có chịu không?”” - ông Mai Thúc Lân kể.

Sau Đại hội Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ 15 năm tháng thì Trung ương quyết định cho tách tỉnh. Ở tuổi 62, nặng chỉ còn 40 cân, ông lại phải gồng mình lên trong vai trò người cầm trịch chia và tách. Đồ đạc của vợ chồng ông chất lên không đầy chiến xe commăngca, rời TP Đà Nẵng sầm uất, lóc cóc 70 cây số về Tam Kỳ khi ấy vẫn còn là những đồi bạch đàn đất trắng xóa và khu dân cư thưa thớt để xây dựng thủ phủ Quảng Nam. Ngồi trên xe chạy xóc đến tung người, cái nắng cứ như táp vào mặt, vợ ông đã khóc nấc. “Đó là lần đầu tiên trong đời bà ấy khóc” - ông Lân kể.

Gian nan, vất vả rồi cũng qua đi. Ông làm bí thư Quảng Nam cho đến cuối năm 1997 thì được rút ra làm phó chủ tịch QH cho đến năm 2002 nghỉ hưu…

“Chuyện đời ấm lạnh buồn vui”


Vào một sáng đầu năm vừa qua chúng tôi đến thăm ông. Ông mệt và gầy hơn trước nhiều nhưng tinh thần thì vẫn rất thoải mái, minh mẫn. Hôm ấy ông nhắc nhiều đến tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Ông bảo “sắp đại hội rồi. Từ Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, Bộ Chính trị đã tổng kết năm loại chạy. Đó là chạy chức trước khi bầu cử, chạy quyền trước khi phân công công tác, chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota, chạy chỗ trước khi bổ nhiệm, chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Nay qua mấy kỳ đại hội nữa rồi mà các loại chạy này chưa có dấu hiệu thuyên giảm”.

Rồi ông nhắc tới căn bệnh đang hết sức nhức nhối - “lợi ích nhóm”. Ông thở dài: “Tôi nghe người ta bảo bây giờ trong công tác cán bộ thì “hậu duệ”, “tiền tệ” và “quan hệ” rồi mới đến “trí tuệ”. Chính những yếu tố này đã dẫn tới tình trạng người làm được thì lại không được bố trí, người không làm được thì lại cơ cấu”.

Ông gửi biếu chúng tôi cuốn hồi ký Chuyện đời ấm lạnh buồn vui xuất bản cuối năm 2010. Hôm nay, ngồi đọc lại cuốn hồi ký của ông, cộng với những gì mà tôi từng biết mới thấy cuộc đời ông đúng là đầy rẫy những chuyện vui-buồn, ấm-lạnh… Gấp lại cuốn sách cuộc đời ông, tuy rằng rất đau buồn, tôi thực sự cảm thấy ấm lòng trước một con người ngay thẳng, trung thực, nghĩa khí, thủy chung với mọi người và với những trọng trách mà ông từng nắm giữ.

Vĩnh biệt ông - nét hào hoa xứ Quảng!

Bầu cử phải có số dư

Có lẽ thời gian làm phó chủ tịch QH là thời gian mà người dân cả nước biết đến ông Mai Thúc Lân nhiều nhất. Tại các diễn đàn QH, trong quyền lực của mình, ông góp phần không nhỏ vào thúc đẩy dẫn đến những cải cách hoạt động của cơ quan lập pháp này: Từ chuyện tường thuật trực tiếp các phiên họp, thảo luận của QH… đến chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không ít lần ông lên tiếng về việc đưa ra QH bầu các nhân sự cấp cao phải có số dư. Ông kể: “Hồi QH khóa VIII, khi bầu Thủ tướng, Bộ Chính trị giới thiệu anh Đỗ Mười nhưng nhiều đoàn đại biểu QH, trong đó có đoàn TP.HCM lại giới thiệu anh Võ Văn Kiệt. Khi đó anh Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư mới quyết định đưa cả hai người cùng bầu, ai trúng cũng được. Khi đó anh Kiệt rất băn khoăn, vì Bộ Chính trị giới thiệu anh Mười rồi nhưng anh Linh bảo: Thôi cứ đưa ra. Kết quả là anh Mười được 67% số phiếu, anh Kiệt được 33%. Bầu xong tất cả đều vui vẻ… 

Đến QH khóa IX, Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu anh Vũ Đức Khiển ứng cử vào chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhưng khi đưa ra thì bất ngờ bà Ngô Bá Thành tự ứng cử, cuối cùng QH phải để hai người cùng ứng cử nhưng sau đó ông Khiển trúng. Vì vậy, không có lý do gì mình lại không giới thiệu ít nhất là hai người để bầu”. 

Theo VTC


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang