Tiki - Sendo ‘hủy kèo’ sát nhập: Bài học của những cuộc chơi 'đốt tiền'

author 17:24 21/07/2020

(VietQ.vn) - Tiki và Sendo không sáp nhập sau thông tin cho rằng cả hai sẽ "về chung một nhà". Đây là thông tin đáng chú ý liên quan đến "cuộc chơi" của các ông lớn sàn thương mại điện tử.

Các nguồn tin xung quanh cho rằng, nguyên nhân đến từ dịch bệnh Covid-19, các nhà đầu tư không đi tới thống nhất, thỏa thuận chung. Trước đó, thông tin về sự hợp nhất giữa Tiki và Sendo khiến cộng đồng khởi nghiệp không khỏi chờ đợi trong năm qua. Nếu vụ việc thất bại, việc gọi vốn cho các vòng tiếp theo có thể sẽ khó khăn hơn do qui mô của doanh nghiệp Việt nhỏ hơn so với các đối thủ lớn trong khu vực.

 Tiki và Sendo đã có quyết định sẽ không sáp nhập.

Cuộc chơi "đốt tiền"

Vài năm trở lại đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam nổi lên với hàng loạt tên tuổi như: Tiki, Lazada, Sendo, Vuivui.com, Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn… với cuộc chiến “đốt tiền” cho quảng cáo. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, nhiều cái tên đã phải dừng lại như: Vuivui.com của Thế giới Di động, Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn...

Nhiều người vẫn nói, đầu tư vào các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay được xem là “ngồi trên lưng cọp” và chấp nhận cái bẫy không thể rút ra được. Bởi nếu muốn rút ra trong khi sàn vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được.

Sau những năm “chinh chiến” trong “đấu trường” thương mại điện tử khốc liệt của Việt Nam, không ít người đã rút ra bài học là không thể nằm trong tốp dẫn đầu nếu không “đốt tiền”. Thế nên, sau Vuivui.com của Thế giới Di động, Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Dù tiềm lực tài chính mạnh là vậy, mà Tiki, Sendo… cũng phải nghĩ tới phương án sáp nhập. Tuy nhiên, sau thương thảo, cả hai bên không thể đi tới thống nhất “về chung một nhà” bởi những lợi ích của đôi bên.

Câu hỏi đặt ra là Tiki, Sendo có trụ được khi đứng một mình? Đây là vấn đề nhiều người đặt dấu chấm hỏi, nếu cả hai không thể sáp nhập với nhau. Bởi cuộc chiến sàn thương mại điện tử sẽ không dừng ở đó! Tài chính dần cạn kiệt, chưa kể chất lượng, hệ thống quản lý sản phẩm trên sàn có đảm bảo uy tín cho khách hàng? Bởi thực tế, nó chỉ giống như một cái chợ, với nhiều thương gia, người mua hàng khác nhau. Và chất lượng sản phẩm, hàng hóa khó được kiểm tra kĩ càng.

Bài học về quản trị doanh nghiệp

Nói về sàn thương mại điện tử với những cuộc cạnh tranh khốc liệt liên quan đến tài chính, ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: "Không ai biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi nhưng chắc chắn cuộc chiến 'đốt tiền' giữa các công ty vẫn sẽ tiếp diễn”.

Vì thế, ông Trần Trọng Tuyến cho rằng, để giúp một trang thương mại điện tử phát triển, ngoài tài chính dồi dào, thế lực đứng đằng sau (nhà đầu tư) cũng là một trong những yếu tố quyết định. “Dòng tiền có thể ví như dòng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngoài ra, để làm nên kỳ tích cần có chiến lược đủ dài, đủ rộng để bỏ xa các đối thủ”, ông Tuyến nói.

Theo ông Jeff Bezos - CEO của Amazon, bài học trong quản trị, quản lý sàn thương mại điện tử chính là việc tập trung vào khách hàng, chứ không phải tìm mọi cách vượt qua đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, chú trọng tạo ra "bánh đà tăng trưởng". Những ưu điểm cạnh tranh như giá thấp nhất, lựa chọn ưu thế và giao hàng nhanh nhất làm khách hàng liên tục quay lại.

Càng nhiều giao dịch được thực hiện, đối tác và các nhà cung cấp càng nhiều, nhờ đó tăng ưu thế cạnh tranh: giá cả thấp hơn, lựa chọn đa dạng hơn và tốc độ giao hàng nhanh hơn – từ đó càng thu hút nhiều khách hàng... Cuối cùng là sự chấp nhận thay đổi. Bởi mỗi một ngày, sẽ có nhiều sàn thương mại mọc lên, nếu không có sự tìm hiểu, thích nghi thì hoạt động kinh doanh sẽ gặp khó khăn, thậm chí thụt lùi.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Tiki, sendo, sáp nhập, covid-19

tin liên quan

video hot

Về đầu trang