Tìm cơ hội xuất khẩu trái nhãn qua giao thương trực tuyến

author 07:12 14/08/2020

(VietQ.vn) - 70 nhà nhập khẩu nông sản quốc tế đã tham gia giao dịch trực tuyến với các hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn của Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đưa trái nhãn và sản phẩm nhãn Việt xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giao dịch trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm. Nhiều thương nhân, nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam trực tiếp giao dịch với các nhà vườn trồng nhãn của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh Hưng Yên, Sơn La cùng một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020” ngày 13/8/2020 tại Hà Nội.

Hội nghị giao thương trực tuyến đã thu hút trên 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn Việt Nam 

Hội nghị đã thu hút trên 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, gồm Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…, giao dịch trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.

Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông...

Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ..., đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng. Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm giá trị gia tăng từ quả nhãn tươi Việt Nam như nhãn sấy khô, long nhãn... cũng đang ngày càng được nâng cao.

Điều đó cho thấy, quả nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đễ hỗ trợ sản phẩm nhãn Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường quốc tế, với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, để củng cố và mở rộng thị trường nông sản nói chung và trái nhãn nói riêng nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, các ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế cùng hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường. Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào những hệ thống phân phối đa dạng cả trong nước và quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm. Nhiều thương nhân, nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam trực tiếp giao dịch với các nhà vườn trồng nhãn của Việt Nam. Do đó, ngay từ khi chưa vào vụ nhãn, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến Thương mại lồng ghép nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng nhãn trong các chương trình giao thương trực tuyến chuyên đề nông sản, thực phẩm với một số thị trường nước ngoài…

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương áp dụng các mô hình trồng nhãn chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhãn nghiên cứu - áp dụng công nghệ bảo quản, duy trì chất lượng phẩm cấp và quả nhãn được lâu hơn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nhãn như: nhãn tươi đóng hộp, nhãn khô, các loại đồ uống nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người tiêu dùng nước ngoài.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nhãn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm- Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, hợp tác thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển trong thời gian qua nhưng vẫn còn khiêm tốn so với con số thương mại về mặt hàng nông sản giữa Trung Quốc với thế giới. Do đó, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn và sản phẩm nhãn tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Còn theo ông Moon Ki Bong- Chủ tịch Trung tâm Kinh doanh ASEAN tại Hàn Quốc, để thâm nhập thành công thị trường Hàn Quốc, quả nhãn cần có độ tươi tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, Việt Nam cũng nên sử dụng công nghệ sinh học để đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ nhãn, từ đó đáp ứng phong phú nhu cầu tiêu dùng của người Hàn Quốc.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang