Tìm giải pháp đổi mới tăng cường năng suất trong cuộc CMCN 4.0

author 16:12 10/05/2019

(VietQ.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) hay còn gọi là l 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và các tổ chức, trong đó nổi bật là những lợi ích từ việc phát triển sản xuất thông minh đã đem lại nhiều kết quả đáng kể.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Với sự chuyển đổi của thị trường công nghiệp sang thị trường số và sản xuất thông minh, đổi mới là điều kiện bắt buộc và đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội từ cuộc các mạng này mang lại, đồng thời tăng cường năng suất và tính cạnh tranh, bắt kịp với các xu hướng mới của thế giới.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: "Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất thông minh là rất lớn".

Hội thảo Đào tạo kỹ thuật và CMCN 4.0: Các giải pháp đổi mới nhằm tăng cường năng suất trong tương lai được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Trung tâm Năng suất Hàn Quốc tổ chức diễn ra sáng nay (10/5) tại Hà Nội đã mang đến cho các doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức đào tạo góc nhìn mới về cơ hội từ 4.0 mang lại.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Noh Kyoo Sung, Chủ tịch và giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất Hàn Quốc đã giới thiệu các yếu tố chính và xu hướng mới trong I 4.0 và đào tạo kỹ thuật, tìm hiểu các cơ hội và thách thức đối với các trường đạo học và các tổ chức đào tạo trong kỷ nguyên I 4.0.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, TS. Noh Kyoo Sung cho biết, trong cuộc cách mạng I 4.0, Hàn Quốc rất coi trọng kỹ thuật và công nghệ, do đó theo TS. Noh để tiếp cận thành công phải có cơ sở hạ tầng để phát triển.

TS. Noh Kyoo Sung, Chủ tịch và giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất Hàn Quốc chia sẻ thực tiễn về I 4.0 tại Hàn Quốc. 

"Chúng tôi đã xây dựng chiến lược đổi mới sản xuất chế tạo và chiến lược ICT. Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ICT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, do đó Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng đổi mới và phát triển kĩnh vực này", TS. Noh chia sẻ.

Chủ tịch và giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cũng cho biết, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều thế mạnh về sản xuất chế tạo thông minh và bài học thành công ở quốc gia này chính là sự liên kết giữa nhà nước, địa phương và doanh nghiệp để triển khai xây dựng nhà máy thông minh. "Nhà máy thông minh đã giúp cho doanh nghiệp Hàn Quốc tăng 30% năng suất và giảm đáng kể tỷ lệ lỗi sản phẩm", TS.Noh cho biết.

Toàn cảnh hội thảo.

Chia sẻ về sản xuất thông minh tại Việt Nam, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, hiện Việt Nam đã có nền tảng khung về tiêu chuẩn sản xuất thông minh.

“Hiện có khoảng 500 TCVN liên quan tới lĩnh vực sản xuất thông minh tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin (hạ tầng CNTT, IoT…), an ninh mạng, an toàn thông tin, tự động hóa, đô thị thông minh, giao thông thông minh, kiểm soát chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường...”, ông Hiệp thông tin.

Ông Hiệp cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn về phát triển sản xuất thông minh. Thứ nhất, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0. Đặc biệt, mức độ hội nhập quốc tế cao về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại, đầu tư ở Việt Nam được thể hiện rất rõ ở nhiều mặt.

Tại hội thảo các chuyên gia Hàn Quốc cũng chia sẻ các thực hành tốt, chương trình và chiến lược đổi mới trong đào tạo kỹ thuật của Hàn Quốc. Đồng thời hỗ trợ xây dựng chính sách và chiến lược liên quan thông qua việc so sánh kinh nghiệm giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Sự kiện được ghi nhận là cơ hội tốt để Việt Nam – Hàn Quốc trao đổi kiến thức, mở rộng và xác định các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực mới như I 4.0 và sản xuất thông minh cũng như tìm ra các giải pháp đổi mới phù hợp nhằm tăng cường năng suất trong tương lai.

Cách mạng 4.0 và vai trò quan trọng của tiêu chuẩn hóa(VietQ.vn) - Sáng nay 10/10/2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới.

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang