Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

author 06:40 21/11/2020

(VietQ.vn) - Đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước hàng năm, ngành bia, rượu, nước giải khát đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và phải cạnh tranh với hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để ngành này vượt qua thách thức, phát triển bền vững là vấn đề đang được quan tâm.

Khó chồng khó

Tại Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát chiều 20/11/2020, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam- cho biết, ngành đang đảm nhận vai trò cung cấp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu; đồng thời tạo ra hàng trăm ngàn việc và tham gia đóng góp trên 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách hàng năm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát  

Tuy vậy, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể, trong đó doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt trung bình từ 20 đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ đồ uống 6 tháng năm 2020 chỉ bằng hơn 89% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng bia cả nước 6 tháng năm nay giảm gần 18% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn gặp khó do phải cạnh tranh với hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn của Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng xác nhận, các doanh nghiệp thuộc ngành nghiệp bia, rượu, nước giải khát đóng góp khá lớn cho ngân sách thông qua thực hiện các loại thuế trong năm 2019.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành rượu bia, nước giải khát, ông Phụng cho rằng, Nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tiềm năng về thị trường xuất khẩu của ngành rượu bia, nước giải khát khá lớn. Các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam với mức tiêu dùng thực phẩm, đồ uống tăng mạnh. Giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước, đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội xuất khẩu.

Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, sự phát triển của ngành bia, rượu, nước giải khát trong trung và dài hạn phụ thuộc vào sự hồi phục và phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong nước đang dần “ấm" hơn và tạo ra yếu tố tâm lý thuận lợi, nhất là dịp mua sắm cuối năm đối với người tiêu dùng; từ đó bù đắp một phần cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của ngành bia, rượu, nước giải khát.

Ngoài ra, doanh nghiệp và các cơ sở bán hàng nên chuyển mạnh từ bán cho khách dùng tại chỗ sang hình thức bán cho khách mang về nhà, vừa bán được hàng vừa bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn; đồng thời cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hướng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP- ông Long nêu ý kiến. 

Thay mặt các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát,  ông Nguyễn Văn Việt kiến nghị, Nhà nước cần duy trì sự ổn định về mặt chính sách đặc biệt là chính sách về thuế, phí; Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát; đặc biệt là không phân biệt các ngành kinh tế trong chính sách tháo gỡ khó khăn.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang