Tìm giải pháp lành mạnh hóa hệ thống tài chính

author 09:45 19/12/2013

Ngày 18-12, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo quốc tế về tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tới dự và phát biểu khai mạc.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh sau hơn 2 năm nước ta tiến hành tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, nhằm tăng cường việc giám sát và góp phần làm cho hệ thống tài chính lành mạnh, minh bạch.

Trong lĩnh vực này, hơn 2 năm qua, Việt Nam không chỉ khắc phục hậu quả của nợ xấu, nâng cao tính thanh khoản… mà còn tạo được những thay đổi căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường và tư duy chính sách để tạo dựng nền tảng tài chính vững mạnh, đảm đương được vai trò phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính để phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, qua 2 năm triển khai đề án tái cấu trúc thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng đã đi vào ổn định, thanh khoản được kiểm soát, nguy cơ bị đổ vỡ được đẩy lùi, thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng mạnh trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc gia tăng nợ xấu còn nhiều rủi ro, rủi ro phát sinh từ sở hữu chéo vẫn đang là thách thức lớn.

Để thị trường tài chính phát triển lành mạnh, Phó Thủ tướng cho rằng, các cơ quan quản lý còn nhiều việc cần lưu ý. Đó là: các quy định mới để đảm bảo an toàn hệ thống vẫn còn khoảng cách với chuẩn mực của quốc tế; gia tăng nợ xấu được kiểm soát nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn cao; tình trạng sở hữu chéo ở các khu vực ngân hàng, doanh nghiệp, chứng khoán đã làm “lệch lạc” dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế hay nói cách khác là việc phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả…

Đánh giá những tác động của lĩnh vực tài chính đối với sự phát triển bền vững, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh và cho đến nay vẫn chưa thực sự phục hồi vững chắc.

Năm 2012, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 3,3%, thấp hơn mức 3,7% năm 2011. Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn so với thập kỷ vừa qua và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giai đoạn 2013-2016, dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 3,5% đến 3,6%.

Trong bối cảnh và xu hướng phát triển đó, Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững.

                                                   Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Sau gần 30 năm Đổi mới, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nền tài chính quốc gia cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập như: chính sách tài chính trong một số lĩnh vực còn chậm được ban hành và triển khai một cách đồng bộ; cơ chế huy động các nguồn lực còn có một số điểm nghẽn; cơ chế phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia thiên về phát triển chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp,…

Ông Vương Đình Huệ đưa ra 9 giải pháp tài chính để hỗ trợ quốc gia đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra trong giai đoạn tới.

Đó là: tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Đồng thuận với ý kiến này, bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam đánh giá cao nhiều công cụ tài chính mới của Việt Nam trong thập kỷ vừa qua.

Bà Kwakwa nhận thấy, nền tài chính lành mạnh chính là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, dù đã có những tiến bộ, song, Việt Nam vẫn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn chuyển đổi này để tránh tụt hậu.

Nhìn lại khủng hoảng tài chính thời gian qua, rõ ràng Nhà nước phải có vai trò quan trọng trong quá trình ổn định nền kinh tế. Những kinh nghiệm có được từ khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu, quá trình hồi phục sau đó cho thấy phải đảm bảo các nền kinh tế duy trì tăng trưởng và đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính và sự mạnh mẽ đúng đắn của Nhà nước.

Bà Kwakwa nhấn mạnh, để hệ thống tài chính có khả năng chống chọi cao với những biến động của thị trường, Nhà nước cần nâng cao vai trò của mình hơn nữa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng đưa ra quan điểm và thảo luận về các giải pháp tăng cường nền tảng tài chính, nâng cao hiệu quả giám sát tài chính, tái cấu trúc thị trường tài chính trong thời gian tới.

Theo Hải quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang