Tìm lời giải bài toán quản lý chất lượng pin năng lượng mặt trời

author 14:32 30/12/2020

(VietQ.vn) - Trước thực trạng pin năng lượng mặt trời đang được sử dụng ngày càng phổ biến nhưng chưa có cơ chế kiểm soát về chất lượng, chuyên gia cho rằng cần sớm có tiêu chuẩn để quản lý sản phẩm này.

Bùng nổ điện mặt trời, chất lượng pin khó kiểm soát

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Công thương, đầu tư điện mặt trời đã bùng nổ tăng theo cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu điện mặt trời đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến giữa năm 2020, tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch đã lên đến 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm gần 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện. Như vậy, công suất điện mặt trời đang vận hành hiện tại đã vượt chỉ tiêu của quy hoạch năm 2020 gấp 6 lần và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025.

Theo các chuyên gia, việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp cực kỳ hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, chi phí vận hành và bảo trì thấp. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, huy động và khuyến khích được các thành phần trong xã hội tham gia vào đầu tư cung ứng điện.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter (bộ đổi điện) nối lưới và một điện kế 2 chiều. Khi hệ thống điện mặt trời tạo ra nhiều điện năng hơn mức đang sử dụng thì tải ưu tiên dùng năng lượng mặt trời, phần công suất thừa từ pin mặt trời bán lại cho ngành điện qua công tơ điện 2 chiều. 

Những năm qua, hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh (EVN) chia sẻ, thời gian qua, điện mặt trời mái nhà đã tạo ra nhiều lượng điện năng phát lên lưới. EVN cũng đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung - cầu năng lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện áp mái còn hạn chế; nhiều khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị. Đồng thời, chi phí thiết bị và lắp đặt còn cao, chưa có chính sách khuyến khích khách hàng là các hộ gia đình đầu tư, lắp đặt; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện áp mái.

Không chỉ vấn đề chất lượng, việc xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn ra sao hiện cũng đang gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bởi theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong các tấm pin quang điện có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than.

Các tấm panel tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án điện mặt trời cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời

Để đẩy mạnh các dự án điện mặt trời áp mái, ông Trần Viết Nguyên kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành,... từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt, ông Nguyên đánh giá, sau cơ chế giá điện cố định theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2) đến năm 2021 cần có cơ chế chính sách mới.

“Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách gối đầu tiếp phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Để đạt được kỳ vọng đến năm 2035, Việt Nam đạt 30.000 MWp công suất điện mặt trời mái nhà thì câu chuyện chính sách hết sức quan trọng. Bộ Công Thương, Bộ KH&CN sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn về điện mặt trời mái nhà, pin năng lượng mặt trời", ông Trần Viết Nguyên đề xuất.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà.

 

Liên quan tới vấn đề trên, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà cho hay, hiện nay có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời kém chất lượng và bày tỏ lo ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.

“Tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời hiện đang chờ Bộ KH&CN chính thức ban hành. Chúng tôi được biết, trên thực tế, cũng đã có tiêu chuẩn về các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng việc kiểm tra rất khó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thể đánh giá được hết các sản phẩm mà phải có tiêu chuẩn cụ thể. Các nhà nhập khẩu cũng phải có tiêu chí rõ ràng để kiểm tra. Có những sản phẩm pin năng lượng mặt trời bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng biết đâu các mặt hàng đó lại quay về Việt Nam”, ông Tân nói.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà nhận định, nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng và 5-7 năm sau chưa biết xử lý các tấm pin hỏng nan giải như thế nào.

Để phát triển năng lượng mặt trời, đại diện Tập đoàn Sơn Hà lấy ví dụ, các nước trên thế giới phát triển điện mặt trời áp mái không phải vì kinh tế mà còn vì danh dự. Nên khuyến khích các doanh nghiệp có lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại công ty, công sở. Đối với người dân, cần tuyên truyền để họ biết được công năng và tiến tới lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

“Công dân các nước châu Âu hay các nước phát triển họ sử dụng pin năng lượng mặt trời và thấy tự hào. Ở Việt Nam cần phải tuyên truyền cho người dân sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời giống như tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa", ông Tân đề xuất.

 Bảo Linh

Hà Nội tương lai - Thành phố của bê tông hay thành phố xanh?(VietQ.vn) - Trải qua một năm 2020 đầy sóng gió của dịch bệnh và những bất thường của biến đổi khí hậu, chúng ta càng thấu hiểu rằng, phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Và hơn bao giờ hết, các nhà phát triển bất động sản chính là những người có trách nhiệm đồng hành trong hành trình kiến tạo đô thị xanh, bền vững.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang