Tìm lời giải cho bài toán phát triển đô thị thông minh

author 06:30 15/07/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia mong muốn bài toán mô hình phát triển và công nghệ triển khai đô thị thông minh như: giao thông, môi trường, chiếu sáng, quản lý đô thị, quản lý dân cư… sẽ được giải quyết tốt trong thời gian tới.

Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á (Smart City Asia 2020) sắp được diễn ra. Đây là sự kiện để các doanh nghiệp trao đổi giải pháp về công nghệ chiếu sáng công cộng; Trang thiết bị xây dựng và quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống an ninh - an toàn trong hệ sinh thái thành phố thông minh; Quản lý sản xuất thông minh; Giải pháp xử lý môi trường thông minh; Hệ thống theo dõi cây xanh thông minh…

Xây dựng và phát triển các hạ tầng nền tảng cho đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của Việt Nam; An toàn và an ninh cho công dân trong đô thị thông minh; Công nghệ đột phá cho đô thị thông minh…

 Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh

Với mục đích tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh, tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, các địa phương đã được hướng dẫn triển khai kế hoạch phát triển đô thị thông minh, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Cục Tin học hóa mong muốn, thông qua các trao đổi của chuyên gia hàng đầu, bài toán mô hình phát triển và công nghệ triển khai đô thị thông minh như: giao thông, môi trường, chiếu sáng, quản lý đô thị, quản lý dân cư… sẽ được giải quyết tốt. Đồng thời, cũng là dịp để các cơ quan quản lý nắm bắt được xu hướng trên thế giới và nhu cầu thực tiễn để đưa ra chính sách phù hợp với sự phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.

Mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ban hành Khung tham chiếu ICT (công nghệ thông tin - truyền thông) phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0). Quyết định của Bộ TT&TT sẽ là căn cứ cho các địa phương tại Việt Nam tuân thủ nguyên tắc xây dựng, phát triển đô thị thông minh.

Bộ TT&TT nêu rõ, việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc chung. Cụ thể là lấy người dân làm trung tâm. Bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh; đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở.

Bảo đảm tính trung lập về công nghệ, chú trọng áp dụng công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh...

Dự thảo tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh:

ISO 37100:2016, Đô thị và cộng đồng bền vững – Từ vựng: Các thuật ngữ liên quan đến: Phát triển bền vững, khả năng phục hồi và sự thông minh; tổ chức, đô thị và cộng đồng; quản lý; chất lượng và sự phù hợp; chỉ số và chuẩn đo; hạ tầng và dịch vụ.

ISO 37104, Phát triển bền vững cho cộng động – Hướng dẫn thực hiện trong thực tiễn tại các đô thị: Hướng dẫn về áp dụng và duy trì hệ thống quản lý sự phát triển bền vững dựa trên các nguyên tắc của ISO 37101, kể cả ISO 37106 và ISO 37120; Thiết lập khuôn khổ phương pháp luận đánh giá có hệ thống về các thành tựu của sự phát triển bền vững ở các đô thị.

ISO 37106:2018, Đô thị và cộng đồng bền vững – Hướng dẫn thiết lập mô hình hoạt động của đô thị thông minh cho cộng đồng bền vững: Hướng dẫn cho các nhà lãnh đạo của các đô thị và cộng đồng thông minh về cách thức phát triển mô hình hoạt động mở, hợp tác, lấy người dân làm trung tâm và sử dụng kỹ thuật số cho đô thị của mình để đưa vào thực hiện tầm nhìn của đô thị cho tương lai bền vững;

Tập trung vào các quá trình cho phép sử dụng sáng tạo công nghệ và dữ liệu kết hợp với sự thay đổi về tổ chức để có thể giúp cho mỗi đô thị có được tầm nhìn cụ thể cho tương lai bền vững theo những cách thức có hiệu lực, hiệu quả và linh hoạt hơn.

Cung cấp công cụ mà các đô thị có thể triển khai khi thực hiện tầm nhìn, chiến lược và chương trình chính sách đã được các đô thị xây dựng sau khi áp dụng ISO 37101; Các đô thị chưa cam kết triển khai áp dụng hệ thống quản lý theo ISO 37101 cũng có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần nội dung quy định của tiêu chuẩn này.

ISO 37122, Phát triển bền vững cho cộng đồng – Các chỉ số đối với đô thị thông minh: ISO 37122 bổ sung cho ISO 37120 và thiết lập các chỉ số và định nghĩa về các chỉ số và các phương pháp luận để đo lường và xem xét các khía cạnh và thực hành nhằm giúp các đô thị cải thiện kết quả bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường.

PAS 183:2017 Đô thị thông minh – Hướng dẫn thiết lập khung ra quyết định để chia sẻ dữ liệu và dịch vụ thông tin: Hướng dẫn về việc thiết lập khung ra quyết định đối với việc chia sẻ dịch vụ dữ liệu và thông tin tại các đô thị thông minh; Hỗ trợ một cách tiếp cận minh bạch để đưa ra các quyết định và tạo lập thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cụ thể nhằm nhận thức đầy đủ về các lợi ích và giá trị của các dịch vụ dữ liệu và thông tin trong một đô thị.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang