Tìm lối ra cho nông sản sạch, thực phẩm an toàn

author 06:07 23/12/2017

(VietQ.vn) - Từ lâu nay, việc giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản nói riêng và thực phẩm nói chung vẫn đang là vấn đề nan giải đối với nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Thiếu đầu ra, nhiều sản phẩm trong tình trạng “giải cứu”

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, thị trường thực phẩm trong nước đặc biệt là các loại nông sản những năm qua luôn phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong tìm kiếm đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc giải cứu liên tiếp nhau như chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi), khủng hoảng thừa thịt lợn lan rộng…

“Hiện tại, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận”, ông Hồ nói.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, trong quá trình tìm kiếm nguồn cung thực phẩm thường gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung-cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Nhiều mặt hàng nông sản nói riêng và thực phẩm nói chung còn khó khăn về đầu ra. Ảnh: CafeF 

Ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Việt chia sẻ, nhiều địa phương trên cả nước có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, song khâu tiêu thụ lại khó khăn. Về nguyên nhân, ông Nam cho rằng, rào cản đầu tiên chính là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu, khó đáp ứng những giấy tờ cần thiết mà yêu cầu, thủ tục đặt ra.

“Muốn đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng hiện đại, sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong quá trình làm việc, khi doanh nghiệp tiếp xúc với các hộ sản xuất, thậm chí có người còn không hiểu phải làm thủ tục, giấy tờ như thế nào nên không thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại. Không hẳn mọi sản phẩm đều cần tiêu chuẩn VietGAP. Người sản xuất hiểu khá mông lung về sản phẩm”, ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam cũng nhấn mạnh rằng, dù có sản phẩm tốt, song tại nhiều đơn vị sản xuất ở các địa phương, khâu tiếp thị rất kém. Hình ảnh sản phẩm được đưa tràn lan, chưa tạo sức hấp dẫn.

Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất thực phẩm sạch, an toàn

Theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất thực phẩm sạch, an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, chủ động, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt các Chương trình phối hợp mà Chính phủ đã ký kết với Mặt trận Tổ quốc và các Hội; tiếp tục và kiên trì các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thức ăn tại các chợ và an toàn thực phẩm tại lò mổ; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; quyết liệt ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh rượu giả, không rõ nguồn gốc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình sức khỏe Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, trong đó có nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ trì, thiết kế hệ thống thu nhận thông tin báo cáo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: VnMedia 

Về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP phải bảo đảm đồng thời cả 2 yêu cầu là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan, hiệp hội để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định, có quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm quản lý của từng ngành, từng cấp, phù hợp thông lệ quốc tế; quy định rất chi tiết về hậu kiểm, trong đó phải có hình thức xử lý nghiêm đối với các vi phạm.

Cân nhắc tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về việc ban hành danh mục chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; nghiên cứu ý kiến của Viện quản lý kinh tế trung ương về việc miễn công bố đối với sản phẩm  thực phẩm cùng loại đã công bố trước đó.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và dành thời lượng thỏa đáng để phát sóng các thông điệp về an toàn thực phẩm tại các chương trình quảng cáo trong các khung giờ có đông khán giả.

Phong Lâm

Nông sản Trung Quốc 'hóa thân' nhãn mác thành hàng Đà Lạt(VietQ.vn) - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Các thương lái thường chọn thời điểm hàng Đà Lạt hết mùa vụ nhập hàng Trung Quốc về, "dán mác" Đà Lạt rồi đưa đi tiêu thụ"
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang