Tin bão Số 2 ngày 16/7: Tính toán phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển Đông

author 07:28 16/07/2014

Ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết: bão Rammasun là cơn bão rất mạnh.

Sự kiện:

Dự kiến trưa và chiều ngày 16-7, bão số 2 Rammasun sau khi tràn qua Philippines sẽ đổ bộ vào biển Đông. Khi vào biển Đông bão sẽ giảm 1-2 cấp, chỉ còn cấp 10, cấp 11. Theo ông Cương nhận định, cơn bão này có nhiều điểm rất giống với cơn bão số 2 năm 1983 (bão Vera). Tức là khi vào biển Đông sẽ giảm 1-2 cấp, nhưng sau đó do ảnh hưởng của vùng nóng trên biển, nó sẽ “lấy năng lượng vùng biển nóng”, và sẽ tăng cấp trở lại khi dự kiến nó sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam, với cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, trong 24 giờ tới, bão Rammasun chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Ông Cường nhận định: Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), và khi đó từ ngày 20-23/7 khu vực vịnh bắc bộ và vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ có gió cấp 9-10.

Bão Rammasun rất mạnh

Về sóng biển và mưa, ông Cường cho biết các mô hình dự báo sóng đều cho thấy khi bão qua khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ có sóng cao trên 7 mét ở gần tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, trong ba ngày tới, lượng mưa không nhiều ở vùng núi phía bắc. Nhưng từ 18-20/7 diện mưa tăng dần lên ở vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, từ 20-23/7 thì lượng mưa sẽ tăng với lượng mưa ước chừng đạt 200-300 mm, tập trung ở vùng đông bắc, và đồng bằng sông Hồng. Nhiều nơi vùng giáp ranh như vùng trung du phía bắc có thể mưa to hơn. Các tỉnh miền núi biên giới phía bắc, vùng Tây Bắc cần đặc biệt lưu ý vì nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết BCĐ PCLB TƯ cùng các cơ quan liên quan đã rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, lao động và thông báo tình hình cơn bão Rammansun đến các tàu thuyền đánh cá đang hoạt động trên biển. Cụ thể đã thông báo 58.400 tàu, với 235.000 người. Tại khu vực biển Hoàng Sa có 79 tàu, với 781 lao động. Khu vực giữa biển Đông, vùng biển Trường Sa có 719 tàu, với 8.311 lao động. …

Theo ông Diệu, trọng tâm của BCĐ trong 1-2 ngày tới là thông báo, hướng dẫn tàu thuyền tránh khu vực nguy hiểm. Ông Diệu khuyến cáo: bão sẽ gây mưa vùng Đông Bắc và Việt Bắc cho nên các địa phương rà soát và lên các phương án đối phó với lũ quét, sạt lở đất, di chuyển dân đến vùng an toàn. Đặc biệt, khu vực thủ đô Hà Nội cũng sẽ có mưa to trong những ngày từ 20-23/7, nên cần có phương án chống úng ngập. 

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chỉ đạo: bão đầu mùa thường đi lên phía Bắc nên các tỉnh miền núi, biên giới cần theo sát thông tin, chủ động đối phó, đề phòng mưa lũ, sạt lở đất.

Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT cần tính toán có phương án đảm bảo an toàn cho lực lượng và tàu thuyền của kiểm ngư, cảnh sát biển đang hoạt động chấp pháp ở Hoàng Sa. Với các tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động các phương án bốn tại chỗ trong phòng, chống bão, mưa lũ. Cần khẩn trương thông báo và hướng dẫn các tàu thuyền trên biển vào bờ, hoặc di chuyển xuống vùng biển phía Nam. Các giàn khoan dầu khí cần rà soát, kiểm tra và phải có phương án chống bão,  đảm bảo an toàn và trang thiết bị.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, đây là cơn bão đầu mùa nên người dân cũng cần chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa chứ không nên đợi đến từng cơn bão mới chằng chống. Các địa phương rà soát khả năng đe dọa đến người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Theo TTO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang