Tin tức bão số 3 mới nhất: Toàn cảnh diễn biến cơn bão số 3 năm 2016

author 19:01 19/08/2016

(VietQ.vn) - Tin bão số 3 mới nhất, do ảnh hưởng bão số 3, huyện Mường Lát - Thanh Hóa xuất hiện 4 điểm sạt lở, Sơn La 1 người thiệt mạng, Hà Nội cho học sinh nghỉ học sớm vào trưa 19/8

Đến 16 giờ chiều nay, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) một số khu vực trong đã xảy ra ngập úng cục bộ như: phường Hà Trung, Hà Tu. Đối với các tuyến đường quốc lộ, một số nơi đã bị ngập nước khoảng 10 cm. -Thông tin trên báo Gia đình & Xã hội.

Do lượng mưa từ các khu dân cư đổ xuống dồn dập làm cho một số cửa cống nhỏ lưu thông không kịp nên thoát nước, ứ đọng lớn khiến cho các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này gặp khó khăn.

Hiện tại: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.

Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.

Sau đây là toàn cảnh về cơn bão số 3:

Quảng Ninh: Mưa gió lớn, nguy cơ ngập lụt cao

Theo thông tin trên báo Quanh Ninh, sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  trực tiếp chỉ đạo chống bão tại Quảng Ninh

Trực tiếp kiểm tra khu vực đê xung yếu ở km28 đê Hà Nam thuộc địa phận phường Yên Hải, TX Quảng Yên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh, nhất là TX Quảng Yên theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến của cơn bão để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ. Đồng chí yêu cầu quán triệt phương châm 4 tại chỗ, chủ động, tích cực nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; tiếp tục kiểm đếm kỹ, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền ở ngoài khơi. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng thường trực tại chỗ có phương án kịp thời di dân ở vùng đê xung yếu, nhất là tuyến đê chưa được gia cố cũng như ở các chòi, lồng bè đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, triển khai phương án bảo đảm tiêu thoát nước chống ngập úng đối với hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Các công tác phòng chống bão đã sẵn sàng . Ảnh: Báo Quảng Ninh

Kiểm tra, chỉ đạo phương án phòng chống mưa bão tại khu vực thi công cầu Sông Chanh, phường Phong Hải, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến cơn bão để có phương án đảm bảo an toàn cho người và các thiết bị máy móc, hạng mục công trình công trình.

Đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra đê Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh

 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng 19/8 khu vực các huyện miền Đông của tỉnh gồm các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên có mưa kéo dài kèm gió mạnh. Đặc biệt một số xã ven biển thuộc huyện Tiên Yên có gió cấp 8, giật cấp 9 – 10 đã khiến nhiều cây xanh, cột điện và một số công trình hư hại.

Nhiều cây xanh bị đổ do gió lớn. Ảnh: Báo Quảng Ninh 

Cụ thể, đến 11h ngày 19-8, theo thống kê ban đầu của huyện Tiên Yên đã có 2 nhà bị tốc mái (xã Đồng Rui, xã Phong Dụ), đổ 1 trạm biến áp, 3 cột điện viễn thông kết hợp chiếu sáng công cộng, nhiều cây xanh và hoa mầu bị đổ, thiệt hại… Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên đang có nhiều vị trí đê xung yếu, trường hợp mưa lũ lớn, cường độ mạnh có nguy cơ vỡ đê.

 Gió lớn khiến một số biển quảng cáo đổ gẫy. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Để đảm bảo tuyết đối an toàn cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản, huyện Tiên Yên đã tổ chức di dời khẩn cấp 37 hộ dân với 137 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn, yêu cầu chủ các đầm nuôi thủy sản, chủ các phương tiện thủy sơ tán người lên bờ. Cùng với đó là tích cực vận động, tuyên truyền đến người dân triển khai các biện pháp chủ động đối phó với bão số 3 như chằng chống nhà cửa, di chuyển đàn gia súc đến nới tránh trú, neo đậu tàu thuyền đúng hướng dẫn về vị trí, khoảng cách để đảm bảo an toàn.

Hải Phòng: Quận Kiến An khẩn trương di dời dân trước khi bão đổ bộ

Cập nhật thông tin từ báo Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 18-8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng. Cùng đi có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, đại diện một số ban ngành thành phố và quận Đồ Sơn..

Sau khi kiểm tra thực địa tại khu vực đê biển 1 và bến cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), đoàn công tác làm việc với thành phố tại trụ sở UBND quận Đồ Sơn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố báo cáo công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 của thành phố Hải Phòng. Theo đó, tính đến chiều 18-8, thành phố kêu gọi và đưa hơn 3.200 phương tiện về nơi tránh trú an toàn, không còn tàu thuyền nào ngoài khơi. Hiện còn hơn 100 phương tiện đánh bắt ven bờ đang trên đường vào nơi tránh trú. Thành phố cũng lên phương án và triển khai các biện pháp bảo vệ 5.000 ha nuôi trồng thủy sản, tập trung rút nước, hoành triệt từ chiều tối đến đêm 18, rạng 19-8 khi nước rút. Đối với 32 điểm xung yếu, thành phố tổ chức lực lượng thường trực cắm chốt 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời. Cùng với lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 18-8, trong buổi tối cùng ngày, thành phố tổ chức di chuyển nhân dân tại những khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn…

Đồng chí Lê Khắc Nam- Phó chủ tịch UBND Thành phố đi vận động người dân di dời về nơi an toàn. Ảnh: Báo Hải Phòng

 

Theo lãnh đạo UBND quận Kiến An, trên địa bàn quận có nhiều khu vực xung yếu như núi Thiên Văn tại phường Trần Thành Ngọ, Văn Đẩu; xóm chài Ngọc Sơn, Đồng Hòa; khu chung cư 4 tầng phường Quán Trữ; khu chung cư 3 tầng phường Văn Đẩu, phường Trần Thành Ngọ... tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và đổ sập nếu bão đổ bộ vào.

 Nhiều hộ dân đã tập trung tại nơi tránh bão an toàn. Ảnh: Báo Hải Phòng

 Tính đến 13 giờ 30 phút ngày 19-8, quận di dời 131 hộ với 437 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, vùng xung yếu, nhà cũ đến nơi tránh trú an toàn. Quận đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền bằng xe lưu động về diễn biến của bão để nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống bão…

Ninh Bình: Đề phòng sạt lở đất đá vùng núi

Sáng 19/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Kim Sơn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh bảo đảm an toàn cho người dân, kiên quyết không để người dân còn ở lại những khu vực nguy hiểm khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền; chuẩn bị các phương án ứng phó mưa lũ do hoàn lưu sau bão.

Tình Ninh Bình tiến hành tỉa cây để tránh bão. Ảnh: Báo Ninh Bình

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 khu vực tỉnh Ninh Bình có gió mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11; vùng  gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 – 13; có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa do bão số 3 gây ra khoảng từ 100 – 200mm, có nơi trên 200mm.

Trạm bơm Cầu Đằng, xã Yên Đồng bơm cạn nước đệm, chủ động tiêu úng. Ảnh: Báo Ninh Bình

 

Cần đề phòng sạt lở đất, đá ở vùng núi; ngập úng ở vùng trũng và đô thị; đổ sập nhà cửa, gẫy đổ cột điện và cây cối; nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 4 mét ở vùng ven biển; lũ trên Sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng từ báo động I – báo động II; lũ trên Sông Đáy tại Ninh Bình ở  mức xấp xỉ báo động I. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Thanh Hóa: Xuất hiện 4 điểm sạt lở, huyện Mường Lát lại bị chia cắt

Ngày 19-8, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo chống bão tại Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Thông tin từ báo Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm 18 đến sáng 19-8, trên địa bàn huyện Mường Lát đã có mưa lớn, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng với 4 điểm trên Quốc lộ 15c và 16, khiến huyện Mường Lát tiếp tục rơi vào tình trạng bị chia cắt.

Tại các điểm bị sạt lở nói trên, do khối lượng đất đá sạt xuống lớn đã khiến giao thông trên các tuyến Quốc lộ 15c và 16, mới thông sau đợt mưa lũ trước đã bị ngưng trệ hoàn toàn. Ngoài ra, trên hai tuyến đường trên còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác tại địa bàn các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Mường Lý, Tam Chung, khiến  ô tô không thể lưu thông. Huyện Mường Lát tiếp tục bị chia cắt.

Máy múc tới giải tỏa điểm sạt lở trên Quốc lộ 16, đầu cầu Mường Lát, thuộc xã Tam Chung. Ảnh: Báo Thanh Hóa 

Trước tình hình đó, huyện Mường Lát đã huy động máy múc tới khu vực sạt lở tại bản Táo, xã Trung Lý trên tuyến Quốc lộ 16 để giải tỏa. Đến 14h giờ chiều 19-8, điểm ách tắc này đã cơ bản được giải tỏa. Tuy nhiên, giao thông vẫn còn ách tắc do xuất hiện điểm sạt lở mới ngay đầu cầu Mường Lát, đoạn qua xã Tam Chung. Huyện đã huy động máy móc, phương tiện tới điểm này để giải tỏa ách tắc, tuy vậy, khu vực này tiếp tục có mưa lớn từ đầu giờ chiều 19-8, công tác giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn do đất đá tiếp tục sạt lở thêm.

Đối với hai điểm sạt lở còn lại trên Quốc lộ 15C đoạn qua bản Khằm 1 xã Trung Lý và bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn đang được huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị thi công tuyến đường, huy động máy móc, phương tiện tới giải tỏa ách tắc, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể.

Do ảnh hưởng của bão số 3, hiện huyện Mường Lát đã quyết liệt triển khai công tác di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tới nơi an toàn, cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường giao thông, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn. Huyện cũng yêu cầu UBND các xã cử cán bộ trực 24/24, liên tục cập nhật, báo cáo tình hình mưa bão để có phương án xử lý kịp thời, nhất là thời điểm bão số 3 đổ bộ.

Sơn La: Mưa lũ làm 1 người chết, nhiều tuyến đường bị ách tắc.

Tờ Vietnamplus cho hay, do ảnh hưởng của bão số 3, từ 19 giờ ngày 18/8 trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa tại Mộc Châu là 129 mm, Yên Châu 53 mm, Bắc Yên 70 mm, Chiềng Mai (Mai Sơn) 44 mm, Km46 là 91 mm; xảy ra lũ cấp báo động III trên suối Nậm Pàn huyện Mai Sơn, lũ cấp báo động I trên suối Nậm La, thành phố Sơn La.

Mưa lũ đã khiến một người chết là ông Mùa Bả Súa, sinh năm 1968, Bí thư Chi bộ bản Phá Thóng, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.

Hiện, nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Cụ thể tại Quốc lộ 4G do sụt khối lượng lớn tại 2 điểm km40+800 và km108+350 khiến giao thông ách tắc; ách tắc tại km 102+950, Quốc lộ 43 do bị sụt ta luy dương; tuyến Quốc lộ 6 (Hà Nội-Sơn La-Điện Biên) bị tắc nhiều đoạn, ở đoạn qua huyện Yên Châu bị ách tắc từ rạng sáng 19/8, hiện chưa thông tuyến, các phương tiện không thể di chuyển được. Ngoài ra trên các tuyến Quốc lộ 279, 4G, 37, đường tỉnh 105, 112...cũng có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở.

Hiện, các đơn vị quản lý đường bộ đã huy động phương tiện thực hiện san gạt đất tại các điểm ách tắc để đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, phân công cán bộ kiểm tra, rà soát trên các tuyến giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.

Hà Nội: Cho học sinh nghỉ sớm tránh bão

Xe buýt xếp trong sân trường Merie Curie Hà Nội để đón học sinh cho khỏi ướt. Ảnh: Zing

 

 Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, Hà Nội có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 200 mm. Từ 19/8, gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8. Sở GD&ĐT yên cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp, theo dõi diễn biến mưa bão; Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên khi xảy ra mưa bão.
Đầu giờ chiều 19/8, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

 Ảnh: Zing

Khoảng 11h35 ngày 19/8, một cây xà cừ lâu năm bất ngờ đổ sập xuống khu vực sân bãi đỗ xe tòa nhà Tháp Hà Nội, số 49 Hai Bà Trưng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo lực lượng chức năng, cây đổ đè lên ôtô KIA, vắt ngang nóc xe làm móp toàn bộ phần khung trên.

Một CSGT cho biết, tài xế vừa ra khỏi xe được vài phút thì cây xà cừ đổ xuống, gây tiếng động mạnh. Một chiếc KIA khác đỗ bên cạnh không bị ảnh hưởng. Do cây đổ vào phía trong sảnh tòa nhà, không tràn ra đường nên các phương tiện khác lưu thông bình thường.

Sau đó, công ty cây xanh và công an phường sở tại có mặt, phối hợp cùng chủ phương tiện giải quyết.

Nghệ An: 100 % tàu thuyền của Nghệ An đã trú ẩn tránh bão

Chia sẻ với Zing.vn, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm Phó ban Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Nghệ An cho biết, đến thời điểm hiện tại 100% tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã tìm nơi trú ẩn tránh bão an toàn.

Ảnh: Zing 

Toàn tỉnh có 625 hồ đập, trong đó có 2 hồ lớn (Đôn Hùng, Kẻ Sắt thuộc huyện Yên Thành) và một số hồ nhỏ nằm trong diện thuộc điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở; 450 km đê biển trong đó có 247 km đê có nguy cơ sạt lở. Tỉnh cũng đã gửi công điện cho tất cả các huyện, thị trên địa bàn chủ động phòng chống cơn bão số 3.

 

 Hòa Dương (T/H)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang