Tin tức cảnh báo nổi bật: Có thể tai biến chết người khi bơm hút mỡ

author 19:58 19/12/2016

(VietQ.vn) - Tin cảnh báo nổi bật: Dùng hóa chất độc hại làm tươi nấm; Có thể tai biến chết người khi bơm hút mỡ; Đủ loại hàng gian, hàng giả….

Dùng hóa chất độc hại làm tươi nấm ở Trung Quốc

Theo Straitstimes ngày 17/12, các phóng viên Trung Quốc đã bí mật điều tra và phát hiện các nhà cung cấp nấm ở Tây An, Thiểm Tây (Tây Bắc - Trung Quốc) đã ngâm nấm trong một chất lỏng màu trắng có mùi hăng. Điều tra cho thấy hóa chất độc hại ngâm nấm là hỗn hợp gồm chất khử clo, canxi clorua khan, natri sulfit cùng nhiều hóa chất phụ gia khác và chất bảo quản. Mục đích của nhà cung cấp là làm nấm trông như tươi mới. Sau đó, họ trộn ít đất vào để nấm trông “tự nhiên” hơn. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, những hóa chất độc hại này có thể làm suy thận và thậm chí gây chết người khi ăn vào.

Số lượng nấm được ngâm hóa chất độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ

Số lượng nấm được ngâm hóa chất độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ

Có thể tai biến chết người khi bơm hút mỡ

Các trường hợp bơm hút mỡ tự thân để làm đẹp là một kỹ thuật đã có từ lâu trên thế giới. Những năm gần đây, với sự phát triển của các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc mỡ thì kỹ thuật này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong phẫu thuật thẩm mỹ vì được coi là khá an toàn nếu bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo chính quy và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.  

Về mặt kỹ thuật, một lượng mỡ cần theo yêu cầu sẽ được hút từ những nơi có chứa nhiều mỡ dư thừa như bụng, mông, đùi, sau đó được xử lý tinh lọc để bơm trở lại những vùng cơ thể cần tăng khối lượng vì mục đích làm đẹp như làm tăng kích thước vú, mông; bù đắp các khuyết lõm do sẹo; làm đầy các nếp nhăn ở mặt, chỉnh hình má môi cằm theo ý muốn...

Dù được sử dụng khá phổ biến, nhưng bơm hút mỡ không phải là một kỹ thuật đơn giản và vô hại, mà cũng có nhiều nguy cơ rủi ro cần phải hết sức lưu ý và thận trọng khi tiến hành như gây tai biến do phản ứng thuốc tê, thuốc mê (sốc phản vệ). Thuyên tắc mạch phổi do mỡ (pulmonary fat embolism). Thủng màng phổi do sai sót thao tác khi bơm mỡ nâng ngực.

Đó là 3 tai biến có thể gây chết người khi bơm hút mỡ. Ngoài ra còn có những tai biến và biến chứng khác nhưng thường ít nguy hiểm đến tính mạng mà chủ yếu là gây khó khăn, phức tạp cho quá trình điều trị và làm giảm hiệu quả thẩm mỹ như nhiễm trùng, hoại tử, biến dạng nơi hút mỡ hoặc nơi bơm mỡ...

Cảnh báo nổi bật: Thuốc của Johnson & Johnson bị kiện vì làm ngực đàn ông to như phụ nữ(VietQ.vn) - Tin cảnh báo nổi bật: Johnson & Johnson lại gặp rắc rối lớn vì thuốc Risperdal; Bắt xe khách vận chuyển thực phẩm chức năng…

Đủ loại hàng gian, hàng giả

Số liệu từ Chi Cục quản lý thị trường TPHCM, cho thấy, trong 11 tháng năm 2016 đã kiểm tra 587 vụ sản xuất, buôn bán, chứa trữ hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với kiểu dáng nhãn hiệu hàng hóa. Trong số các vụ bị phát hiện, kiểm tra đối với hàng giả, chủ yếu tập trung ở nhóm các mặt hàng như giày dép, túi xách, ví, bóp, dây nịt, đồng hồ đeo tay, máy sấy tóc, nồi cơm điện… Các thương hiệu bị làm giả, làm nhái nhiều nhất là Chanel, Louis Vuitton, Nike, Adidas, Lacoste, Converse, Hermes, Cross, Omega, Longines, Rado, Panasonic… Đó là chưa kể, số lượng các vụ việc bị phát hiện, kiểm tra từ việc phối hợp giữa các đội liên ngành đối với nhóm các mặt hàng như quần áo, phụ tùng xe, thuốc, phân bón…

Nhìn nhận về thực trạng kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, ngành quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, xu thế của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Có thể dễ dàng nhận thấy, bất kỳ hàng hoá nào bán chạy trên thị trường cũng đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng giả không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào trong nước để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp, với công nghệ sản xuất hiện đại. Hoặc hàng hóa sản xuất tại nước ngoài dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một số nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang