Tàu thăm dò sao Chổi bất ngờ "tỉnh giấc" sau nhiều tháng ngủ đông

author 17:03 16/06/2015

(VietQ.vn) - "Hello ESA Rosetta! Tôi tỉnh rồi! Tôi ngủ trong bao lâu thế." Đây chính là tin khoa học đáng vui mừng khi tàu thăm dò sao Chổi Philae bất ngờ "tỉnh giấc" sau 7 tháng ngủ đông.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Tin tức trên VnExpress, Robot thăm dò Philae vừa đột ngột liên lạc trở lại với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sau 7 tháng mất tín hiệu, mang lại niềm phấn khích tột bậc về tin khoa học cho các nhà nghiên cứu. Tháng 11 năm ngoái, Philae hạ cánh trên sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và hoạt động trong 60 giờ, liên lạc và truyền thông tin về mặt đất. Tuy nhiên sau đó nó bị kẹt trong một vách đá, không thu đủ năng lượng và "ngủ đông".

Các nhà khoa học đã cố gắng xác định vị trí của nó nhưng thất bại. Tuy nhiên, tối ngày 13/6, trụ sở ESA ở Đức bất ngờ nhận được tín hiệu từ Philae, với hơn 300 gói dữ liệu truyền về trung tâm. Các nhà khoa học gọi đó là "lời chào từ vũ trụ."

"Hello ESA Rosetta! Tôi tỉnh rồi! Tôi ngủ trong bao lâu thế?", tín hiệu từ Philae gọi Rosetta, tàu vũ trụ đã được thả xuống sao Chổi. "Ồ, ESA Rosetta, đó quả là quãng thời gian dài, đã đến lúc tôi trở lại làm việc rồi."

Sau khi robot Philae bất ngờ 'ngủ đông' thì lần 'tình giấc' này là tin khoa học đáng mong chờ nhất

Sau khi robot Philae bất ngờ 'ngủ đông' thì lần 'tỉnh giấc' này là tin khoa học đáng mong chờ nhất. Ảnh ESA

Tàu vũ trụ Rosetta đi vào quỹ đạo sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko (sao Chổi 67P) từ tháng 8/2014 sau hành trình dài hơn 6 tỷ km trong 10 năm từ Trái Đất. Thông tin này đã được Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia (CNES) của Pháp Jean-Yves Le Gall thông báo ngày 14/6.

Ông Gall tuyên bố: "Chúng tôi đã nhận được các tín hiệu mới từ Philae trong thời gian 2 phút, cũng như thu được 40 giây dữ liệu." Philae là robot thăm dò trên tàu vũ trụ Rosetta. Robot Philae nặng 100kg đã được thả xuống bề mặt sao chổi Chury hối tháng 11 năm ngoái sau khi rời khỏi tàu vũ trụ Rosetta vốn bay trong không gian suốt 10 năm.

Tuy nhiên, do cú tiếp đất không nhẹ nhàng, robot Philea bị nẩy lên hai lần trước khi bị mắc kẹt ở dưới một vách đá. Philae chỉ mang theo năng lượng đủ để thực hiện các cuộc nghiên cứu trong 60 giờ. Robot này đã gửi về Trái Đất rất nhiều dữ liệu có giá trị trước khi rơi vào “trạng thái ngủ đông” do hết năng lượng, ghi nhận trên Vietnam+.

Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko chụp từ tàu vũ trụ Rosetta hôm 3/5. Ảnh ESA

Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko chụp từ tàu vũ trụ Rosetta hôm 3/5. Ảnh ESA

Nhiều tháng sau khi Philae mất tín hiệu, kỹ sư hệ thống đổ bộ Laurence O'Rourke cho biết, nó cần khoảng 6 watt điện để tái khởi động, 9 watt để nhận thông tin và 19 watt để kết nối hai chiều với tàu thăm dò khác. Các nhà khoa học ESA hy vọng rằng, nếu hứng đủ ánh sáng Mặt Trời, Philae sẽ hồi sinh.

"Chúng tôi vô cùng mừng rỡ, Philae đã sống sót qua mùa đông dài," O'Rouker nói. Các nhà khoa học đang háo hức chờ Philae truyền dữ liệu xuống. Bộ nhớ của nó có thể chứa đến 8.000 gói dữ liệu và việc phân tích dữ liệu sẽ cho họ biết chuyện xảy ra trên sao Chổi 67P.

Việc robot thăm dò Philae đáp xuống sao chổi 67P được coi là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và là bước đột phá khoa học lớn nhất của năm 2014. Các nhà khoa học hy vọng những dữ liệu thu nhận được sẽ giúp con người khám phá nhiều hơn về hệ mặt trời và vũ trụ.

Bích Phượng (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang