Tin kinh tế tài chính hôm nay ngày 26/1/2015

author 14:58 26/01/2015

(VietQ.vn) - Tin kinh tế tài chính hôm nay đề cập đến Giá vàng trong nước đứng giá đầu tuần, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất sáp nhập ngân hàng trước tháng 6 tới, Kinh tế thế giới 2015 đứng trước nguy cơ địa chính trị bao trùm,...

Sự kiện:

Tin kinh tế tài chính hôm nay ngày 26/1/2015 trong nước

Đầu tuần, vàng trong nước đứng giá

Theo tin kinh tế tài chính hôm nay trên Báo Thanh Niên, đầu tuần ngày 26/1, trong khi giá vàng thế giới quay đầu tăng trở lại thì giá vàng trong nước đứng giá. Trên thị trường châu Á sáng nay, kim loại quý này dao động trong biên độ hẹp, có lúc giá vàng giảm về mức 1.293 USD/ounce. Sau đó, giá vàng tăng lên mức 1.298 USD/ounce, tăng 4 USD so với giá mở cửa đầu ngày.

Tin kinh tế tài chính hôm nay cho thấy vàng trong nước đứng giá vào đầu tuần

Tin kinh tế tài chính hôm nay cho thấy vàng trong nước đứng giá vào đầu tuần

Ở thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tại TP.HCM đến thời điểm 9 giờ (ngày 26.1) vẫn giữ nguyên so với mức giá cuối ngày 24.1, giá mua - bán ở mức 35,57 - 35,67 triệu đồng/lượng. Hiện khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức 2,2 triệu đồng/lượng. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.458 đồng/USD.

Tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 21.673 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.243 đồng/USD.Cùng ngày, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên so với cuối tuần qua. Cụ thể: Vietcombank là 21.320 - 21.380 đồng/USD; DongAbank 21.310 - 21.380 đồng/USD; TPbank 21.320 - 21.400 đồng/USD; Sacombank 21.300 - 21.380 đồng/USD…

Tp.HCM hoàn tất sáp nhập ngân hàng trước tháng 6 tới

Theo VnEconomy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM định hướng kế hoạch tái cơ cấu các ngân hàng trên địa bàn năm 2015. Sáng nay (26/1), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2015 trên địa bàn. Tại hội nghị, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nêu định hướng, dự kiến trước tháng 6/2015 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Các kế hoạch cụ thể hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, định hướng trên sẽ có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng để đảm bảo các tổ chức tín dụng sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động ổn định trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tiếp theo”, ông Lâm nói. Theo các thông tin công bố thời gian qua, tại Tp.HCM, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được xác định trong năm 2014. Dự kiến đây là kế hoạch sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015 như thông tin định hướng trên.

Tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tiếp tục có chuyển biến

Tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tiếp tục có chuyển biến

Ngoài ra, thời gian gần đây thị trường chú ý thông tin khả năng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thể sáp nhập Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank). Khả năng này cũng khớp với gợi mở trên từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM: “có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của nhà nước”. Cũng tại hội nghị trên, ông Tô Duy Lâm cho biết, so với cuối năm 2013, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tăng khá cao trong năm 2014; từ 4,69% lên khoảng 5,3%.

Nguyên nhân nợ xấu tăng chủ yếu mang tính kỹ thuật. Thứ nhất do thực hiện Thông tư 02 và Thông tư 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, theo đó việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Thứ hai việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng, nợ xấu tăng cao. Phần lớn nợ xấu trên địa bàn tăng trong thời gian gần đây, do phát sinh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng này.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM định hướng mục tiếp sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu nói trên xuống dưới 3%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng lên, nhưng theo báo cáo tại hội nghị, tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tiếp tục có chuyển biến: kết quả kinh doanh đạt 6.132 tỷ đồng, cao hơn con số 5.459 tỷ đồng năm 2013 và hơn 666 tỷ đồng năm 2012.

Vụ rau ‘bẩn’ vào siêu thị: Siêu thị tiếp tay lừa người tiêu dùng?

Theo Người Đưa Tin, nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua rau tại siêu thị với giá đắt hơn nhiều so với ở ngoài chợ bởi cho rằng, siêu thị hiện đại với các hệ thống kiểm tra sẽ đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hơn. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, chưa bao giờ niềm tin của người tiêu dùng lại mong manh đến thế. Thông tin trên báo Gia đình & Xã hôi, việc Công ty rau Ba Chữ cất rau bẩn sỉ ở chợ vào một số siêu thị lớn khiến người tiêu dùng thật sự sốc, niềm tin vào siêu thị thêm một lần nữa bị lung lay.
Không ít người từ bỏ thói quen vào siêu thị mua rau, thậm chí kiên quyết nói không với rau trong siêu thị.

Bà Hoàng Thị Bích (phố Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm) cũng cho biết: “Tôi khá bức xúc vì nhà tôi cũng thường nghiến răng để vào siêu thị mua rau ăn cho sạch, không ngờ siêu thị cũng bán rau bẩn. Điều đáng nói trong vấn đề này là sự làm ăn tác trách của các siêu thị. Chỉ làm việc với đơn vị cung cấp qua giấy tờ mà không thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn hàng. Điều này cho thấy họ không tôn, coi trọng khách hàng cũng như việc làm ăn lâu dài của mình. Nếu không được phát hiện thì không biết người tiêu dùng như tôi còn bị lừa đến bao giờ?”.

Bà Bích cho rằng, cảm giác bị lừa thêm lần nữa thật khó chịu vì trước đó đã có thông tin siêu thị bán rau nguồn gốc không rõ ràng. Siêu thị đã xin lỗi người tiêu dùng và hứa sẽ khắc phục triệt để nhưng bây giờ lại tái phạm. Tôi nghĩ họ không còn xứng đáng để người tiêu dùng đặt niềm tin nữa. Rau xanh món thường xuyên và thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày bây giờ người tiêu dung không biết đặt niềm tin ở đâu để có rau sạch để ăn khiến bà và nhiều người nội trợ thấy hoang mang.

Bà Trần Thị Thanh, phố Hồ Đắc Di, Hà Nội chia sẻ: “Nhà tôi cũng thường xuyên mua rau ở siêu thị nhưng không phải là một trong những siêu thị được xướng tên mua rau của công ty Ba Chữ nhưng khi nghe thông tin này cũng thấy giật mình. Vì rau tôi mua trong siêu thị quy cách sơ chế, đóng gói cũng rất đơn giản đó là chỉ đơn thuần là buộc một dây ni lông không khác gì rau của Ba Chữ.

 

Người tiêu dùng đã bắt đầu ngó lơ với rau siêu thị

Người tiêu dùng đã bắt đầu ngó lơ với rau siêu thị 

Theo lãnh đạo Cty RAT Ba Chữ, mỗi ngày cung cấp một lượng rau nhất định cho các siêu thị và có tem dán in dòng chữ RAT Ba Chữ. “Tuy nhiên, tại siêu thị Big C Thăng Long, Lotte Đống Đa, Metro có rất nhiều loại rau không có tên tuổi từ đơn vị sản xuất, nhưng khi thanh toán lại lấy mã từ rau Cty Ba Chữ. Rõ ràng, sự việc này cơ quan chức năng nên kiểm tra. Liệu có hay không, rau không nguồn gốc đội lốt dưới mác rau Ba Chữ. Chúng tôi thừa nhận chúng tôi có sai sót, nhưng siêu thị cũng đang làm những việc khuất tất”- Nguyễn Văn Hiệt, Phó Giám đốc Cty RAT Ba Chữ cho biết.

Trở lại loạt bài Tiền Phong phản ánh các siêu thị bán rau Ba Chữ không nguồn gốc giả danh RAT từ tháng 3/2014, đại diện siêu thị Big C lên tiếng khẳng định: Trong quá trình nhập hàng và bán, chúng tôi thực hiện các bước kiểm tra bắt buộc như kiểm tra cảm quan, chỉ tiêu kỹ thuật, định kỳ hằng tháng hoặc ngẫu nhiên khi có nghi ngờ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản bằng cách thực hiện test-kit nhanh hay gửi mẫu kiểm nghiệm…‘‘Ngoài những giấy tờ pháp lý của các cơ quan chức năng là cơ sở pháp lý để chúng tôi hợp tác với Cty Ba Chữ; nhà cung cấp này còn cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa được cung cấp”, đại diện siêu thị Big C nói. 

Siêu thị Metro, Lotte cũng cho rằng, quy trình nhập rau vào siêu thị ngặt nghèo và cho ngừng nhập rau từ đơn vị Ba Chữ ngay (lần trước, khi Tiền Phong phanh phui vụ việc, Metro cũng trả lời y chang, nhưng rồi vẫn nhập). Ông Hiệt cho rằng: “Nếu như không có công văn từ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu ngừng nhập rau Ba Chữ, các siêu thị vẫn cứ nhập bình thường”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Bảo Vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho biết: “Đã là rau vào siêu thị phải có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; ở Hà Nội còn có thêm tem nhận diện RAT. Với rau Ba Chữ, do vi phạm, nên lâu nay chúng tôi không cấp tem nhận diện RAT. Trong khi đó, siêu thị vẫn mua rau của họ. Rõ ràng, ở đây có sự tiếp tay của các siêu thị; lẫn lộn giữa rau có và không có giấy chứng nhận, nguồn gốc, tem nhãn. Vừa rồi, rau Ba Chữ đã vào Metro, Big C, Lotte, Co.op mart…”.

Theo ông Hồng, mới đây, chính ông cùng các cán bộ đã trinh sát “đường đi” của RAT Cty Ba Chữ từ chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến tận siêu thị Co.op mart Hà Đông. “Sau đó, chúng tôi vào siêu thị Co.op mart kiểm tra thì thấy tới 15 loại sản phẩm không có tem nhãn, buộc rơm; trong đó có 3 sản phẩm của Ba Chữ. Như thế rõ ràng, siêu thị cũng tiếp tay, gian lận thương mại, lừa người tiêu dùng”- ông Hồng nói.

Theo lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội, nếu các siêu thị vẫn lấy rau không rõ nguồn gốc, không tem nhãn rõ ràng để bán; người tiêu dùng thà vào chợ gần nhà mua rau có kiểm soát còn hơn. Hiện chế tài xử phạt còn vướng, nên cách phạt nặng nhất là tẩy chay sản phẩm vi phạm và đơn vị làm ăn gian dối, đồng thời tạo kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động.

Tin kinh tế tài chính mới nhất hôm nay ngày 26/1/2015 quốc tế

Mắc lừa ngân hàng giả mạo, khách hàng Trung Quốc mất 42 tỷ đồng

Theo Bizlive, hồi tháng 5/2014, một người đàn ông họ Wang đã gửi 12 triệu nhân dân tệ (42 tỷ đồng) vào một "ngân hàng" với lời hứa được trả lại như các ngân hàng khác và mức lãi hàng tuần ở mức 2%. Tuy nhiên, 4 tuần sau đó, Wang không được thanh toán số tiền như đã hứa và liên lạc với địa điểm trên thì bị từ chối trả lại số tiền tiết kiệm.

Khách hàng Trung Quốc mất oan 42 tỷ đồng vì mắc lừa ngân hàng giả mạo

Khách hàng Trung Quốc mất oan 42 tỷ đồng vì mắc lừa ngân hàng giả mạo

Ông Wangbáo cáo sự việc với cảnh sát ở Nam Kinh. Sau một cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở trên không được hoạt động như ngân hàng. Tuy nhiên, điều đáng nói là nội thất trong cơ sở trên bắt chước hoàn toàn các ngân hàng thương mại nhà nước với quầy giao dịch, bảng đèn LED, máy phát số thứ tự. Ngoài ra, các nhân viên ăn mặc đồng phục như những nhân viên ngân hàng. Cảnh sát đã bắt giữ người đứng đầu và 3 người phòng kinh doanh. Một giám đốc cấp cao là nữ bỏ trốn đã ra đầu thú.

Kinh tế thế giới 2015: Nguy cơ địa chính trị bao trùm

Theo Báo Hà Nội Mới, sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ) đã bế mạc cuối tuần qua với cảnh báo còn rất nhiều việc cần làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Có thể thấy được sức nóng của WEF lần thứ 45 này thông qua số lượng 2.500 đại biểu, từ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến đại diện doanh nghiệp, giới trí thức… nhằm tìm kiếm biện pháp tháo gỡ thách thức hiện nay và đưa ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới.

WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái. Cuộc khủng hoảng ở Châu Âu đã dịu bớt, nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm. Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, 6 năm sau cuộc đại khủng hoảng, "bức tranh" kinh tế thế giới dường như vẫn thiếu những gam màu sáng để xua đi không khí ảm đạm. 

Mặc dù được dự báo sẽ tiếp đà phục hồi, song kinh tế thế giới năm 2015 chưa thể khởi sắc. Ngay trước thềm WEF, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016; đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm bất chấp giá dầu sụt giảm và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ. Theo nhận định của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,5% trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 10-2014 do thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém, đặc biệt ở Eurozone và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống. 

Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45

Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu tụt dốc và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp (thậm chí tiến hành nới lỏng định lượng) sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ không đồng bộ như những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra WEF cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi. Chưa kể đến tác động phụ không mong muốn do các chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Tuy nhiên, nguy cơ được đề cập nhiều nhất và có khả năng tác động lớn nhất đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu là các rủi ro địa chính trị và an ninh. Không phải ngẫu nhiên, năm nay WEF lấy chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới". Trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự kết nối, những đổi thay nhanh chóng về môi trường địa chính trị ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Điều này chiếm tới 3 trong số 10 rủi ro hàng đầu có thể tác động tới quá trình phục hồi toàn cầu.

Trong khi đó, năm 2015, thế giới có khả năng tiếp tục phải chứng kiến những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khủng hoảng tại Ukraine ngày một leo thang khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và "cuộc chiến" giá dầu đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có những ràng buộc về lợi ích với Nga lao đao.

Một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mátxcơva có thể khiến các ngân hàng phương Tây đau đầu. Hiện tại, số nợ của Nga tại các ngân hàng thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong đó, các ngân hàng Pháp đã cho vay hơn 40 tỷ USD, Italia khoảng 7 tỷ USD, các ngân hàng Mỹ là hơn 25 tỷ USD.  Trước những thách thức đối với mục tiêu ổn định toàn cầu, thế giới cần một sự liên kết chung nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể. Tuy nhiên, những gì có thể mong đợi tại hội nghị lần này chỉ là sự trao đổi quan điểm giữa các nhà lãnh đạo với hy vọng sẽ đưa ra được những hành động cụ thể trong thời gian tới.

Trang Mạc 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang