Tin mới nhất tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích ngày 13/4 từ các chuyên gia cứu hộ

author 06:30 13/04/2014

Các chuyên gia cứu hộ cho biết nhiệm vụ tìm xác máy bay MH370 dưới đáy Ấn Độ Dương là một thử thách cực lớn bởi vùng biển này quá sâu. Âm thanh dưới nước có thể khác hẳn với những gì người ta tưởng tượng.

Sự kiện:

Tìm một chiếc máy bay dưới đáy đại dương có khó không? Chúng ta hãy thử tưởng tượng mình đứng trên đỉnh núi cao vài nghìn mét và cố gắng quan sát để tìm một chiếc vali phía dưới chân núi. Chúng ta phải làm điều đó trong bóng tối hoàn toàn. Đó là những gì mà các đội tìm kiếm chuyến bay MH370 đang thực hiện suốt hơn một tháng qua.

Nghi ngờ lớn

Theo CNN, từ các tín hiệu có thể xuất phát từ hộp đen máy bay, các đội cứu hộ đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm tại một khu vực rộng 58.000km2 phía nam Ấn Độ Dương, rộng tương đương 45 lần diện tích thành phố Los Angeles.

Tín hiệu các tàu và máy bay Úc dò được xuất phát từ độ sâu 4,5km dưới đáy biển. 4,5km sâu đến mức nào? Nếu chồng tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (828m) lên nhau năm lần thì cũng chỉ được 4,26km, chưa đạt đến độ sâu mà các tín hiệu phát đi.

Ở độ sâu này dưới đáy đại dương, các sinh vật biển hết sức khác biệt. “Càng đi sâu vào đáy đại dương sự sống càng trở nên ít ỏi hơn - chuyên gia sinh học đại dương Paula Carlson cho biết - Các sinh vật phải có khả năng chịu lạnh cực tốt và có thể không có mắt. Chúng bị mù nhưng không cần mắt vì dưới đó không có ánh sáng”.

 

 

Áp lực ở độ sâu 4,5km là cực lớn và rất ít tàu ngầm có thể chịu được áp lực này. “Trên thế giới chỉ có khoảng sáu tàu ngầm có đủ khả năng lặn xuống độ sâu này. Các tàu ngầm thông thường ở độ sâu này sẽ bị áp lực cực lớn” - nhà hải dương học Sylvia Earle thuộc National Geographic cho biết.

Paul-Henry Nargeolet, người từng tới sát tàu Titanic ở một vị trí cách mặt nước biển 3.800m và tham gia vào cuộc tìm kiếm các mảnh vỡ của chuyến bay 447 của Hãng hàng không Air Frrance dưới đáy Đại Tây Dương, nói ông chỉ tin đội tìm kiếm định vị được MH370 khi có ai đó nhìn thấy mảnh vỡ của máy bay bằng mắt thường. 

Paul-Henry Nargeolet, người từng tới sát tàu Titanic ở một vị trí cách mặt nước biển 3.800m và tham gia vào cuộc tìm kiếm các mảnh vỡ của chuyến bay 447 của Hãng hàng không Air Frrance dưới đáy Đại Tây Dương, nói: “Tôi không tin lắm vào âm thanh dưới nước”. Sĩ quan hải quân Pháp nay đã nghỉ hưu từng tham gia cuộc tìm kiếm chiếc tàu đắm nổi tiếng Titanic để trục vớt các cổ vật với hàng chục lần lặn có thiết bị hỗ trợ. Sau khi định vị được tàu, Nargeolet và các cộng sự sẽ gắn thiết bị phát tiếng “ping” vào đó để sau này tìm lại dễ hơn.

“Hầu hết thời gian, chúng ta không bao giờ nghe thấy tiếng “ping”, ông nói. Nargeolet kể các tín hiệu được cho là tiếng “ping” ở Ấn Độ Dương cách những chiếc tàu bắt được tín hiệu khoảng 4.200m, nên ông chỉ tin rằng đội tìm kiếm đã định vị được MH370 khi nào có ai đó nhìn thấy mảnh vỡ của máy bay bằng mắt thường. 

Âm thanh trong nước hoàn toàn khác

Với con người, trong môi trường nước chúng ta gần như điếc hoàn toàn. Tai người được cấu tạo chỉ để nghe âm thanh trong không khí, theo các nhà nghiên cứu về âm học ở Cục Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ. Không còn không khí và chúng ta sẽ không còn nghe thấy gì. Khi nước tràn vào tai, màng nhĩ sẽ không thể hoạt động đúng cách, nhưng chúng ta không điếc hẳn trong nước vì con người còn có thể nghe qua xương, chủ yếu là qua xương sọ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho biết âm thanh được truyền dưới nước có tốc độ cao hơn hẳn so với trong không khí, gần 1.500m/giây, gấp bốn lần so với chỉ hơn 335m/giây. Một số nhà khoa học cũng tin rằng cá voi có thể giao tiếp với nhau bằng âm thanh trong khoảng cách hàng nghìn km dưới nước.

 

 

Còn có khả năng những âm thanh khác làm nhiễu tiếng “ping” từ hộp đen. Các nhà khoa học nghiên cứu cá voi nói họ ngày càng khó nghe thấy tiếng chúng vì đại dương giờ quá ồn ào. “Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương ngày càng tăng khi các đại dương đang bị “đô thị hóa” nhanh chóng do âm thanh phát ra từ các tàu vận tải, các hoạt động khoan thăm dò dầu khí, khí đốt và các hoạt động giao thông giải trí trên biển - các nhà nghiên cứu ở Đại học Cornell nói - Mỗi thập kỷ, tiếng ồn ở đại dương lại tăng gấp đôi”.

Các đội dò tìm máy bay đương nhiên không vục đầu xuống biển để nghe âm thanh từ MH370. Những thiết bị nghe dưới nước của họ rất tối tân và có thể phát hiện được những âm thanh dù là mờ nhạt giữa các con sóng. Các nhà khoa học lắng nghe đại dương để thu về những thông tin có thể làm bạn rất ngạc nhiên. Họ có thể ghi nhận âm thanh các trận động đất cách hàng nghìn km hay theo dõi sự biến động thời tiết thông qua âm thanh. Quân đội Mỹ thì có thể bằng âm thanh theo dõi sự chuyển động của tàu ngầm các nước khác.

Tuy nhiên, âm thanh dưới nước thường không được truyền theo đường thẳng và nhà chức trách Úc đã cảnh báo dư luận không nên quá phấn khích về những tiếng “ping” mà đội tìm kiếm đã xác định được. “Âm thanh truyền dưới nước bị tác động mạnh bởi nhiệt độ, áp lực nước và nồng độ muối - Peter Leavy, chỉ huy của lực lượng Mỹ tham gia cuộc tìm kiếm, giải thích - Điều đó ảnh hưởng tới cường độ và hướng truyền của sóng âm, đôi khi thay đổi tới 90 độ”. Sóng âm có thể truyền đi với những khoảng cách rất xa xuyên đại dương, nhưng lại không thể lên tới gần mặt biển để đội tìm kiếm có thể phát hiện được.

Đưa xác máy bay lên còn khó khăn gấp bội

Tìm máy bay ở dưới đáy đại dương là cực kỳ khó khăn nhưng đưa xác máy bay lên mặt nước thậm chí còn khó khăn gấp bội. Khi tàu Tinatic chìm ở Đại Tây Dương, phải mất 70 năm mới phát hiện xác con tàu. Và đến nay nó vẫn nằm ở độ sâu 3.800m so với mặt nước biển.

Khi chuyến bay 447 của Air France, chở theo 228 người, rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, nhà chức trách Pháp phải mất hai năm mới phát hiện được vị trí của xác máy bay. Khi đó nó nằm ở độ sâu gần 4.000m. Các tàu ngầm mini đã được triển khai để tìm hộp đen của máy bay. Nhà chức trách Pháp đã vớt được 154 thi thể và 74 thi thể còn lại vẫn nằm trong nấm mồ nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo TT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang