Tin mới nhất tìm xác chị Huyền ngày 10/4 Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố tội danh hợp lý?

author 08:47 10/04/2014

Theo luật sư Phạm Thanh Bình, nếu chứng minh được chị Huyền vẫn còn sống khi bị vứt xuống nước thì bác sỹ Tường sẽ bị truy cứu về tội Giết người.

Sự kiện:

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về hai tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Các luật sư đã có những phân tích xác đáng quanh những vấn đề pháp lý liên quan đến bác sỹ Tường. Báo Trí Thức Trẻ xin gửi tới độc giả loạt bài: “Xét xử Bác sỹ Tường khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền - những điểm cần làm rõ”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc- Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vụ việc.

PV: Luật sư có cho rằng việc truy tố 2 tội như vậy với bác sỹ Tường khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền đã thật hợp lý?

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Tôi cho rằng việc truy tố bác sỹ Tường về hai tội danh nêu trên của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội là hợp lý dù chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền. Bởi vì, “hành vi phạm tội” là cơ sở để khởi tố, truy tố bị can. Rõ ràng, trong vụ án này, cái dễ nhận biết, dễ chứng minh nhất là hành vi cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa đầy đủ thủ tục cấp phép và hành vi xúc phạm thi thể - “vứt xác” chị Huyền xuống sông Hồng.

Các hành vi phạm tội được chứng minh bằng rất nhiều chứng cứ vật chất khác như: lời khai của Bác sỹ Tường, của Khánh, của các nhân viên ở TMV, cô gái đến sửa mũi,...; các bằng chứng như phiếu thu, chứng từ, hóa đơn thu giữ ở thẩm mỹ viện, những dấu vết để lại trên ô tô chở xác nạn nhân (chất dịch, sợi tóc,...),... Sự phù hợp giữa những chứng cứ khách quan này là cơ sở vững chắc để cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và xét xử hành vi phạm tội của bị can theo 2 tội danh nêu trên.

Tuy nhiên, nếu để truy tố bác sỹ Tường về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS thì việc tìm thấy thi thể nạn nhân lại là yếu tố bắt buộc. Bởi vì, chỉ có tìm thấy xác nạn nhân mới có thể khám nghiệm tử thi để chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi bị vứt xuống nước. Lúc này, cơ quan tiến hành tố tụng mới đủ cơ sở để truy tố và xét xử bác sỹ Tường về tội giết người.

Việc trước mắt chỉ truy tố và xét xử Bác sỹ Tường về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” không có nghĩa là bác sỹ Tường sẽ thoát tội giết người, nếu sau này tìm được xác chị Huyền và chứng minh được chị Huyền vẫn còn sống khi bị vứt xuống nước. Trong trường hợp xảy ra tình huống này thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố, truy tố bổ sung và tòa án sẽ tiến hành xét xử bác sỹ Tường bằng một phiên tòa mới và tổng hợp hình phạt của hai bản án theo quy định tại Điều 51 BLHS.

PV: Có ý kiến cho rằng VKS cáo buộc Tường phạm tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS là không đúng mà phải là tội "Che giấu tội phạm". Ý kiến của LS như thế nào trong trường hợp này, thưa luật sư?

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại Điều 313 BLHS thì che giấu tội phạm là hành vi của “người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây...”. Theo đó, che giấu tội phạm là hành vi của một người che giấu hành vi phạm tội của người khác chứ không phải là hành vi phạm tội của chính mình. Mặt khác, chỉ che giấu các tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 313 BLHS mới bị coi là che giấu tội phạm. Trong khi đó, Điều 242 BLHS lại không được liệt kê trong nội dung Điều 313 BLHS. Do vậy, không thể quy kết hành vi vứt xác nạn nhân xuống sông của Bác sỹ Tường là che giấu tội phạm.

Theo quy định tại Điều 246 BLHS thì xâm phạm thi thể là hành vi của một người cố ý dùng bất cứ hành vi nào nhằm tác động đến thi thể, như: đánh tráo thi thể, chiếm đoạt thi thể, ... Trong vụ án này, bác sỹ Tường đã thực hiện hành vi vứt thi thể nạn nhân xuống sông nhằm phi tang nên đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm thi thể theo quy định tại Điều 246 BLHS.

Tuy nhiên, việc truy tố Tường về tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” thì đã rõ nhưng truy tố về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS thì dường như có phần gượng ép và chưa thỏa đáng. Nếu cơ quan tố tụng truy tố Tường về tội này thì đã mặc nhiên coi chị Huyền đã chết khi Tường ném chị Huyền xuống sông vì chết thì mới gọi là thi thể. Mà điều này hiện nay mới chỉ dựa vào lời khai của Tường chứ chưa được làm rõ và có cơ sở nào để chứng minh.

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Vẫn “bỏ ngỏ” khả năng quy kết bác sỹ Tường tội Giết người

PV: Theo quan điểm cá nhân của luật sư, các nhà chức trách có nên tìm bằng được thi thể chị Huyền và làm rõ những điểm “chưa rõ” như báo chí đã nêu rồi mới đưa bác sỹ Tường ra xét xử hay không?

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Trước tiên phải khẳng định rằng việc tìm thấy thi thể của chị Huyền là rất cần thiết cả về mặt pháp lý lẫn đạo lý. Tuy nhiên, không phải vì việc chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền mà chưa xét xử. Vì thứ nhất, thời hạn giải quyết vụ án hình sự có giới hạn nhất định. Giả sử, nhiều năm nữa mà không tìm thấy thi thể của chị Huyền thì chẳng lẽ không đưa Tường ra xét xử? Điều đó là không được. Việc đưa ra xét xử là rất cần thiết và nếu sau này tìm thấy thi thể chị Huyền, giả sử chứng minh được chị Huyền khi bị ném xuống sông mà chưa chết thì có thể khởi tố bổ sung tội Giết người đối với Tường.

PV: Theo LS, yếu tố “gây hoang mang, bất bình trong dư luận về hành vi ném xác của BS Tường xuống sông Hồng” sẽ được “tính” vào mức án khi HĐXX ra bản án đối với các hành vi của BS Tường như thế nào?

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo điều 48 Bộ Luật Hình sự, chỉ những tình tiết được pháp luật quy định trong điều này mới được coi là tình tiết tăng nặng.

Việc bác sỹ Tường ném xác xuống sông dù gây hoang mang và bất bình trong dư luận nhưng đó không phải là một tình tiết tăng nặng. Theo tôi, có thể vận dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 48 BLHS " Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm" là một tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo (nhưng vẫn trong khung hình phạt)

PV: Trong các vụ trọng án được dư luận quan tâm đặc biệt, những luật sư bào chữa cho bị cáo chính trong vụ án thường phải chịu áp lực lớn từ phía gia đình và người thân của nạn nhân khi phải có lời bào chữa nhằm gỡ tội cho bị cáo. Ở vụ án này, hẳn luật sư bào chữa cho bác sỹ Tường cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Luật sư đã ở vào tình thế nào tương tự chưa? Và với phiên xử sắp tới, luật sư muốn chia sẻ điều gì với vị luật sư bào chữa cho bác sỹ Tường?

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình: Với bất cứ phiên tòa xét xử vụ án hình sự nào, luật sư của bị cáo chính cũng luôn phải gánh chịu những áp lực. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo chính trong các vụ trọng án thường phải chịu những áp lực lớn hơn rất nhiều từ phía gia đình, người thân của nạn thân và xã hội. Trong các phiên xử này đỏi hỏi luật sư bào chữa cho bị cáo phải có bản lĩnh, có kinh nghiệm để xử lý những tình huống phát sinh tại phiên tòa cũng như thuyết phục hội đồng xét xử, đồng thời tránh gây ra những căng thẳng, gay gắt tại phiên tòa.

Trong quá trình gần 20 năm hành nghề  luật sư, tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình người bị hại khi nhận bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, đây cũng là một yếu tố “đặc thù” của nghề Luật sư vì trên hết, nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ công lý mà kẻ phạm tội - dù nghiêm trọng đến đâu- cũng có “quyền được bảo vệ” theo quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ trong những trường hợp đó, người luật sư cần phải có bản lĩnh, có kinh nghiệm, có thái độ xử sự đúng mực, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ hoàn thành được nhiệm vụ bào chữa cũng như tránh được những áp lực từ phía bên kia.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!


Theo Soha news

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang