Tin mới nhất tìm xác chị Huyền ngày 27/2 đừng lừa gia đình họ nữa!

author 08:19 27/02/2014

TSKH Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phương pháp mà TS Bằng đang thể hiện trong vụ Cát Tường chỉ là trò “lừa bịp" và "đừng diễn trò nữa".

Sự kiện:

Sau nhiều cuộc tìm kiếm vô vọng của gia đình, cơ quan chức năng, từ vài tháng qua, TS Vũ Văn Bằng, thành viên Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng đã tham gia vào cuộc tìm kiếm thi thể chị Huyền, nạn nhân trong vụ Cát Tường bằng phương pháp dùng máy bức xạ từ (BXT). Tuy đã xác định được nhiều điểm có nghi vấn, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tung tích về thi thể chị Huyền vẫn... bặt tăm.

Trao đổi về phương pháp sử dụng máy bức xạ từ thứ cấp dò xác chị Huyền của tiến sĩ Vũ Văn Bằng, TSKH địa chất Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thẳng thắn phản bác về “cái gọi là máy” của ông Bằng.

"Từ khi vụ việc xảy ra tôi cũng liên tục theo dõi các thông tin về việc tìm kiếm. Tôi cũng đến khu vực cầu Thanh Trì để theo dõi gia đình tìm kiếm thi thể của nạn nhân. Tôi biết trong thời gian qua có nhiều "ngoại cảm" đưa ra thông tin để giúp gia đình tìm kiếm nhưng không đạt hiệu quả và TS Vũ Văn Bằng cũng đã nhận lời tham gia tìm kiếm.

Trong 3 ngày trên sông Hồng bằng máy BXT, TS Bằng cho rằng tín hiệu đã về máy chính xác 100% và xác định 50 điểm có xác chết. Không những thế, TS Bằng còn biểu diễn cảm ứng của máy với mẩu xương và cá sống ở trên bờ.

Những ngày tiếp theo họ tìm trên bờ, với tín hiệu máy quay họ đã xác định điểm cách cầu 300m và điểm 700m. Trong đó điểm thứ hai đã lặn kiểm tra nhưng không thành công. 


Theo quảng cáo, cái máy này là tuyệt vời nhất thế giới. Dưới mặt đất từ khoảng cách xa 3 đến 5km và trên không ở độ cao 12km máy có thể phát hiện được các dị thường trong lòng đất, như đứt gãy kiến tạo sâu, mỏ than, khí, vàng, bạc, đồng, nhôm…, thậm chí các khoáng sản phi kim, các công trình ngầm…, không có gì là không tìm được. Bằng máy này, đã tìm ra 3.000 bộ hài cốt...

Thực tế, tôi đã từng cầm và thử sử dụng cái đồ này của TS Bằng. Ông ấy nói chỉ cần giơ trước nước thì máy sẽ quay và thu nhận thông tin. Nhưng thực chất, khi tôi đưa vật này trước vòi nước chảy mạnh thì không có bất kỳ thông tin nào được thu về. Thậm chí nó còn không quay. 

Cái vật mà ông Bằng dùng để tìm kiếm thi thể cháu Huyền không được gọi là máy điện từ. Nếu gọi là máy thì nó phải có pin, có ắc quy, có bộ phận bán dẫn để điều khiển việc phát và thu tín hiệu. Hơn nữa, việc tìm kiếm xác hay loại vật chất nào thì cũng cần phải có phát và thu tín hiệu. Cái gọi là máy của ông Bằng không hề phát ra một bức sóng, xạ nào cả thì làm sao mà thu.

Việc ông Bằng sử dụng cái gọi là máy bức xạ điện từ để dò thi thể cháu Huyền chỉ là diễn trò lừa bịp và không có hiệu quả xác thực. Làm khoa học phải chân thực, chính xác và biết mình đang làm gì. Không phải cứ thấy các nhà ngoại cảm bó tay, rồi nhảy vào mò tìm một cách lừa bịp...", TSKH Quýnh nói.

TS Bằng và một số người thân trong gia đình chị Huyền tại một lần tiến hành tìm kiếm ở khu vực bãi Tự Nhiên.

TS Quýnh cho biết thêm, thực tế, chiếc máy này dù được cho là của TS Bằng nhưng lại do nhà chế tạo máy Nguyễn Tử Ánh - Anh hùng Lao động và kỹ sư Nguyễn Văn Hào thuộc Xí nghiệp Địa vật lý, Liên đoàn Địa vật lý chế tạo ra.

"Tôi đã được trực tiếp xem kỹ sư Nguyễn Văn Hào thao diễn máy BXT mà ông đã chế tạo cho TS Bằng. Khi tôi hỏi máy BXT đo cường độ từ trường hay sóng điện từ..., nó cho ta dữ liệu gì, dải từ nT (g) có thể đo được là bao nhiêu, độ dung sai Gradient…, kỹ sư Hào trả lời, không có gì cả. Máy không có sensor thu nhận dữ liệu bức xạ điện từ.

Tôi hỏi nguyên lý hoạt động của máy là gì, ví dụ như máy MagMapper đo từ trường của Mỹ là chùm hơi Cesium tách ra và tự dao động thì anh Hào trả lời: "Không có nguyên lý nào cả, nó có hoạt động đâu mà nguyên lý. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay, điều này tôi học được ở ông Bằng".

Tôi đặt thêm câu hỏi, như vậy nói tín hiệu về máy là nói dối thì anh Hào trả lời đúng thế.

 

 


Tôi cũng đã rủ đem máy đến gần các nhà xác bệnh viện hay vào nhà tang lễ xem nó quay thế nào thì nhận được câu trả lời là không phải đi, đã thử rồi, quay hay không là do tay người cầm máy. Đồng thời, anh Hào cũng nhấn mạnh, việc nói máy BXT đo được bức xạ thứ cấp và xác định được xác chết trong vòng 200m là lừa đảo.

Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng, điều khiển máy quay chỉ có ông Bằng, sao ông không đưa cho phóng viên hay ai đó cầm thử? Người khác cầm chắc chắn nó không quay, trừ trường hợp học được mẹo lắc cổ tay như ông Nguyễn Văn Hào. Việc lừa đảo nằm ở mẹo lắc cổ tay.

Máy đo từ (magnetometer) hiện nay trên thế giới có nhiều kiểu, nhiều chủng loại và thực tế cũng chưa có máy nào tìm được xác chết. Bức xạ điện từ của xác chết là quá yếu và nó lẫn vào muôn vàn các bức xạ của các vật thể khác, nên sẽ rất khó để có thể tìm được thi hài bằng cách này", TS Quýnh nhấn mạnh.

 

 

TS Quýnh cũng bày tỏ: "Như tôi đã phân tích ở trên, nhưng nếu máy đúng các tác dụng như ông Bằng quảng cáo thì tại sao không đăng ký bằng sáng chế phát minh, nhận danh hiệu "Nhân tài đất Việt", sản xuất để xuất khẩu. Khi đó lợi nhuận thu về sẽ rất lớn và sự nổi tiếng lúc này, tôi dám khẳng định còn hơn cả việc GS Ngô Bảo Châu  giành được Huy chương Fields. Bởi lẽ, đây là sự ứng dụng quá tuyệt vời của khoa học vào thực tiễn.

Còn thực tế, dưới sông Hồng có nhiều loại xương từ xương cá, gia cầm, động vật hay xương người. Việc dò được tín hiệu và những vị trí nghi vấn có hài cốt của cháu Huyền thật sự là khó và thiếu chính xác.

Tôi nghĩ, ông Bằng dựa vào việc suy đoán địa hình, dòng chảy của nước ở hai bên lở, bên bồi, dòng tích tụ của các trầm tích mà xác định vị trí. Và nếu may mắn, trong quá trình đào múc sẽ tìm được thi thể của cháu Huyền. Tôi cũng hy vọng và mong chờ vào điều đó.

Nhưng đó là hy vọng còn thực tế, gia đình nạn nhân đã rất đau đớn rồi vì vậy, tôi mong hãy chấm dứt cái trò này đi, đừng lừa họ nữa..".

 


 

 


 

 


 

 

 

 

 

Theo trithuctre

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang