Tin mới nhất về Bão số 3: Hà Nội có nguy cơ ngập trong bão, các tỉnh thành gấp rút phòng chống lũ lụt

author 16:02 16/09/2014

(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trưa 16/9 bão số 3 đã vượt qua phía bắc đảo Hải Nam, đi vào vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ. Khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ tại khu vực nội thành Hà Nội trong cơn bão số 3 là rất lớn.

Đường đi mới nhất của cơn bão số 3

Theo bản tin vừa phát hồi 14.30', hiện nay hoàn lưu bão đã ảnh hưởng đến vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định gây gió giật mạnh cấp 7- 9; ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Tối nay (16/9) vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ

Tối nay (16/9) vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ảnh VGP

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc; 109,8 độ kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8 - 9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.

Tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. 

Dự báo đến 16 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng-Quảng Ninh khoảng 200km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 15-16. Ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8-9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 5-6m. Biển động dữ dội.

Từ chiều 16/9, ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Với hướng di chuyển giữ nguyên Tây Tây Bắc, đến 19 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Những thiệt hại đầu tiên do bão số 3 gây ra

Sáng ngày 16/9, Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam (TTDH) cho biết, hệ thống đã nhận được thông tin trực tiếp từ tàu cá BĐ 31076 TS với nội dung: Từ đêm ngày 15/9, do ảnh hưởng của bão số 3, khi đang hoạt động đánh bắt tại vị trí có tọa độ 09-16N - 107-43E, cách mũi Vũng Tàu khoảng 63 hải lý về phía Đông Nam, tàu cá BV 75098 TS thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 7 ngư dân đã bị sóng lớn đánh chìm.

tin mới nhất về bão số 3

Khả năng Hà Nội ngập trong bão số 3 là rất cao. Ảnh TTXVN

Ngay sau đó, tàu BĐ 31076 TS của tỉnh Bình Định đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn đã cứu được 2 ngư dân của tàu bị nạn. Còn 5 ngư dân khác vẫn bị mất tích trên biển.Cơn bão số 3 sắp đổ bộ vào vùng biển các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng được đánh giá là một cơn bão phức tạp và có cường độ mạnh.
Tâm bão số 3 đang hướng vào bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh và tiến sâu vào đất liền các địa phương này vào tối nay (16/9). Toàn miền Bắc mưa diện rộng kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tổng lượng mưa ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ phổ biến trong khoảng từ 100 – 250mm, riêng khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng núi phía Bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang có tổng lượng mưa từ 250 - 300mm, có nơi trên 400mm; ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 70 – 150mm, có nơi trên 200mm.

Các tỉnh, thành chủ động ứng phó, phòng tránh lũ lụt với bão số 3

bão số 3

Nhiều phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng đã sẵn sàng ứng cứu khi cần nếu bão số 3 đổ bộ. Ảnh dantri

Tại Hải Phòng, trong các ngày 15, 16/9, thành phố tổ chức 6 đoàn công tác của Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão tại các địa bàn trọng điểm.Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng chỉ đạo đồn các Đồn, Trạm biên phòng phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, địa phương thông báo cho các phương tiện di chuyển về nơi trú tránh. Tổ chức lực lượng, phương tiện trực phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn; bắn pháo hiệu báo bão tại Long Châu và Bạch Long Vỹ; điều động tàu CN09 ra ứng trực tại Cát Bà từ sáng 16/9.

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp quản lý khai thác cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, chủ tàu, đại lý và thuyền trưởng các tàu chủ động ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, kho hàng. Công ty Điện lực Hải Phòng đã chỉ đạo, tổ chức biện pháp phòng chống bão cho hệ thống điện.Tại các địa phương như quận Đồ Sơn, huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng, Cát Hải,... đều đang khẩn trương yêu cầu nhân dân chủ động phòng tránh bão. Huyện Bạch Long Vỹ đang yêu cầu các phương tiện di chuyển về đất liền và vào nơi trú tránh.

Để chuẩn bị ứng phó với bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã dừng các cuộc họp để tập trung chống bão số 3 với phương châm "4 tại chỗ".

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ như: cấm biển và cấm các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, tàu thuyền đánh bắt ven bờ từ 12 giờ ngày 16/9 (đối với 294 tàu đánh bắt xa bờ phải vào nơi neo đậu tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 16/9); thông báo liên tục và kêu gọi các chủ phương tiện tàu, thuyền nghề cá và tàu vận tải, tàu du lịch còn đang trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn trước 16 giờ ngày 16/9.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện khẩn trương chằng chống tàu thuyền, các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè, chòi canh thủy sản chắc chắn xong trước 16 giờ ngày 16/9; tuyệt đối không để người ở trên các tàu thuyền, lồng bè, nhà bè và chòi canh thủy sản.

Tỉnh Quảng Ninh  yêu cầu phải di chuyển ngay các hộ gia đình đang sinh sống ở nhà yếu (gồm nhà tạm, nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá, nhà lợp mái tôn….) đến các hộ gia đình có nhà ở kiên cố gần nhất nơi ở; tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn đối với toàn bộ học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đang ở tại các khu nhà trọ không đảm bảo an toàn.

Đồng thời kiên quyết di dời người dân đang ở trên các chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản, lồng bè, nhà bè, nhà hàng trên biển; người dân ở những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng… đến nơi an toàn. 

Các địa phương có tuyến đê biển phải chuẩn bị vật tư, thiết bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng triển khai gia cố các tuyến đê xung yếu…

Tại Lai Châu, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức cảnh báo, kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân vớt củi, xúc cá, lội qua suối… khi có mưa lũ. Trước đó, trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu đã có nhiều trường hợp bị tử vong do bất cẩn vượt qua suối khi có lũ.

Đồng thời rà soát, sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; chân các taluy đồi có nguy cơ sạt lở cao. Kiểm tra các công trình kè, đập, cầu cống, công trình đang thi công để có giải pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản. Giám sát chặt chẽ việc tích nước của hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Nguyễn Huyền (tổng hợp từ dantri, VGP, baotintuc, phununews)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang