Tin mới nhất về cơn bão số 3 đang đổ bộ vào Biển Đông ngày 15/9

author 11:25 15/09/2014

(VietQ.vn) - Sáng sớm nay 15-9, bão số 3 (bão Kalmaegi) giật cấp 15 và có khả năng mạnh thêm đã đi vào Biển Đông. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn biện pháp ứng phó cơn bão mạnh và diễn biến phức tạp này.

vị trí và dự báo đường đi của bão số 3. Nguồn Trung tâm Dự báo KTTVTW

Vị trí và dự báo đường đi của bão số 3. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhận định cơn bão số 3 (tên quốc tế bão Kalmaegi, Chim Mòng biển) là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 7 giờ sáng nay 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ Bắc; 118,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30 km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km.

Đến 7 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 7-9 m. Biển động dữ dội.

Từ trưa 16-9, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải) tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 7-9m. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối 16-9, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Ở Bắc Bộ từ đêm 16-9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to.

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo nhanh vào lúc 6 giờ 30 sáng 15-9, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.031 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/310.036 lao động, biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Chiều nay 15-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn biện pháp ứng phó với bão Kalmaegi.

Sau cuộc họp chiều 14/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ra Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 3.

Bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi) được đánh giá là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp có thể gây mưa lớn.

Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan phải theo dõi, kiểm đếm, bằng mọi cách thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động đối phó.

Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 16, phía Đông Kinh tuyến 112. Sau đó vùng nguy hiểm là vùng biển Bắc Vĩ tuyến 17, bao gồm cả vịnh Bắc Bộ.

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình rà soát phương án sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông; tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ công trình xây dựng; bảo vệ lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.

Các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát, chuẩn bị phương án sơ tán dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức ứng trực tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông; đảm bảo an toàn các hồ đập, đặc biệt là các hồ đã đầy nước và có nguy cơ bị sự cố.

Các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ kiểm tra phương án chống ngập đô thị; chống úng; bảo vệ sản xuất nông nghiệp; tổ chức chặt tỉa cành cây. Đồng thời thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Bộ Ngoại giao có phương án liên hệ với các nước trong khu vực để tạo điều kiện và giúp đỡ cho tàu thuyền, ngư dân vào trú tránh bão.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng đưa tin về diễn biến của bão và cảnh báo về mưa lũ sau bão…

 

PV (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang