Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất trong ngày 18/3/2020

author 09:44 18/03/2020

(VietQ.vn) - Tính đến sáng 18/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 198.166 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.965 ca tử vong và trên 81.728 ca đã hồi phục.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tính sáng nay (18/3), Việt Nam ghi nhận 66 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện, những trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, tối 17/3, Bộ Y tế đã công bố thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-19 đều từ nước ngoài về, trong đó có 3 ca ở TP.HCM, 1 ca ở Hà Nội và 1 ca ở Quảng Ninh.

Ca bệnh số 62 (BN62): Bệnh nhân nam, 18 tuổi, địa chỉ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh từ Anh về Việt Nam.

Ca bệnh số 63 (BN63): Bệnh nhân nữ, 20 tuổi, địa chỉ ở C2 Chung cư Mandarin Garden, đường Hoàng Minh Giám, phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15/3 trên chuyến bay TG564.

Ca bệnh số 64 (BN64): Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, địa chỉ tại phường 2, quận 8, TP.HCM.

Ca bệnh số 65 (BN65): Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, địa chỉ tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam tại số 1A Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1.

Ca bệnh số 66 (BN66): Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, trú tại Chung cư Park View, số 107 Nguyễn Đức Cảnh, Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Việt Nam có thêm trung tâm được cấp phép xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Sáng 18/3, ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, Bộ Y tế vừa có Công văn số 924 cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2, gây bệnh COVID-19.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và báo cáo theo quy định hiện hành. Khi phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cần chuyển mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm khẳng định.

 Cán bộ y tế xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm CoVid – 19 tại một labo (ảnh chụp chiều 24/2/2020). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Như vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ sẽ đảm nhiệm vai trò thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho những đối tượng nghi mắc COVID - 19 trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này mang ý nghĩa rất lớn khi rút ngắn được thời gian chờ kết quả, so với giải pháp gửi mẫu lên Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh như từ trước đến nay.

Cập nhật tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới

Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 6h30 sáng 18/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 198.166 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.965 ca tử vong và trên 81.728 ca đã hồi phục. Châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” nhất trên thế giới của đại dịch Covid-19.

Hiện đã có 165 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19. Trong 24h qua, dịch bệnh đã khiến 803 người thiệt mạng.

Tại Châu Âu, Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới, đến cuối ngày 17/3 Ý đã ghi nhận thêm 3.526 ca nhiễm COVID-19 so với ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này lên 31.505 ca. Số ca hồi phục là 2.941 người, tăng 192 ca so với ngày trước đó.

Vùng tâm dịch Lombardy ghi nhận thêm 1.571 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của vùng lên 16.220 ca với 1.640 ca tử vong.

Đức xuất hiện thêm hơn 2.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên 9.367, song số ca tử vong vẫn ở mức thấp, 26 ca. Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan liên bang phụ trách kiểm soát dịch bệnh tại Đức cho biết cảnh báo rủi ro Covid-19 ở nước này đã chuyển từ mức "vừa phải" lên "cao" do số ca nhiễm tăng liên tục trong những ngày qua, đồng thời ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế sắp quá tải.

Tây Ban Nha, ghi nhận thêm hơn 1.000 trường hợp dương tính, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 tại nước này lên 11.826.

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày từ 14/3, chính phủ Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc, cấm lưu thông trên đường. Madrid cũng siết chặt kiểm soát biên giới, chỉ cho phép công dân và thường trú nhân, công nhân làm việc xuyên biên giới, các nhà ngoại giao và những người có lý do bất khả kháng được nhập cảnh.

Pháp, tính đến chiều ngày 17/3, nước Pháp ghi nhận tổng cộng 7.730 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong cũng tăng lên 175 người.

Trong ngày đầu áp đặt các lệnh cấm và kiểm soát di chuyển của người dân, nước Pháp tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh. Lực lượng cảnh sát nước này tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp đấu tranh với dịch Covid-19 của chính phủ.

Ngày 17/3, nước Pháp bắt đầu kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển của người dân trên toàn quốc, chỉ những người ra có lý do cấp bách, thiết yếu và có bản cam kết mới được phép ra đường. Chỉ trong vài giờ đầu áp dụng quy định mới, lực lượng cảnh sát Pháp đã thực hiện tới hơn 7.900 cuộc kiểm tra các phương tiện và người lưu thông trên đường phố tại thủ đô Paris và các khu vực lân cận.

Do là ngày đầu áp dụng quy định mới, nên lực lượng cảnh sát chỉ nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, kể từ ngày 18/3, tất cả những người ra đường không có mục đích phù hợp và không có bản cam kết sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tăng dần từ 38 Euro lên 135 Euro.

Các biện pháp hạn chế người dân ra ngoài nhằm mục tiêu lớn nhất là giảm tiếp xúc giữa người dân, với hy vọng giảm tình trạng lây nhiễm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đất nước "đang có chiến tranh" với Covid-19. Ông ra lệnh cho người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài nếu thực sự cần thiết, người vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Thụy Sĩ ngày 17/3 cũng đã khuyến cáo người dân ở yên trong nhà trong bối cảnh nước này có hơn 2.600 người dương tính với Covid-19 và 19 ca tử vong. Các quan chức y tế Thụy Sĩ thừa nhận số ca nhiễm tăng nhanh đến mức họ thấy khó khăn trong việc cung cấp số liệu.

Úc nâng cảnh báo đi lại lên mức cao nhất, vẫn mở cửa trường học

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 18-3 yêu cầu các công dân nước này không được đi nước ngoài khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp an ninh sinh học con người (human biosecurity emergency) và cấm tất cả việc hội họp không cần thiết trên 100 người.

“Lời khuyên đi lại với mọi công dân Úc là ‘Đừng đi nước ngoài. Đừng đi du lịch nước ngoài” - ông Morrison nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc vẫn cho rằng trường học nên tiếp tục mở cửa khi quốc gia này đang nỗ lực kiềm chế sự lây lan virus cho đến nay đã ảnh hưởng đến 425 người. Ông Morrison cũng tuyên bố các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo.

EU đóng cửa biên giới 30 ngày

Các nước EU sẽ đóng cửa biên giới trong 30 ngày để hạn chế sự lây lan của Covid-19, CNBC đưa tin. Quyết định nói trên nhận được sự đồng thuận của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Người dân vẫn được di chuyển trong nội bộ giữa các quốc gia EU, nhưng bị hạn chế, giám sát nghiêm ngặt, ngoại trừ các nhân viên y tế hay vận chuyển hàng hoá, thuốc thang.

Theo ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn Covid-19. Các quốc gia cũng sẽ sắp xếp để các công dân châu Âu trên khắp thế giới được trở về nhà.

Xác định được cơ chế hệ miễn dịch 'chống trả' lại virus corona

Theo BBC, nghiên cứu của các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Peter Doherty về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch của Australia đăng tải trên tạp chí Nature Medicine hôm 17/3 cho biết đã xác định được cách thức hệ miễn dịch của con người "chống trả" lại chủng mới của virus corona.

Nghiên cứu cũng cho biết cơ thể con người hồi phục từ Covid-19 tương tự với cách chúng ta hồi phục từ bệnh cúm.

Các nhà khoa học cho biết xác định được tế bào miễn dịch nào xuất hiện trong quá trình cơ thể chống lại virus corona sẽ giúp ích cho quá trình phát triển và sản xuất vaccine.

Bước tiếp theo cần tiến tới hiện nay là tìm hiểu nguyên nhân hệ miễn dịch phản ứng yếu hơn ở một số trường hợp.

"Khám phá này quan trọng bởi đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự hiểu cách hệ miễn dịch đối phó với chủng mới virus corona. Điều cần thiết hiện giờ là hiểu được yếu tố nào khác biệt hoặc còn thiếu ở các bệnh nhân tử vong hoặc có các bệnh nền trầm trọng, từ đó ta có thể bảo vệ họ", giáo sư Katherine Kedzierska, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Minh Phương (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang