Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 13/12

author 06:14 13/12/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập tới các sự kiện nổi bật như băn khoăn của Bộ trưởng KH&CN; Thực hư chuyện Amiang trắng gây ung thư; Ca ghép tế bào gốc trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam,…

Băn khoăn của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ

Theo những tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay, đại diện cho những người làm quản lý và những nhà khoa học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã trải lòng về băn khoăn biết mười mươi những cái rất tốt nhưng vẫn không thể vượt qua được rào cản về tâm lý lẫn cơ chế chính sách.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ được Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) vừa qua, Bộ trưởng Quân khẳng định Việt Nam có nhiều thành tựu KH&CN “không phải thấp kém”, vấn đề là Việt Nam vẫn chưa tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm khoa học, đặc biệt là về tài chính.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng KHCN tại kỳ họp gần đây

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng KHCN tại kỳ họp gần đây. Ảnh minh họa

Nói về vấn đề nhiều người cho rằng, Việt Nam có 24 ngàn tiến sĩ nhưng không có nhiều bằng sáng chế được công bố, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nhận định như vậy là “không công bằng”. Theo ông Quân, con số 24 ngàn tiến sĩ là tổng số tiến sĩ chúng ta đào tạo được kể từ khi lập nước đến nay chứ không phải số tiến sĩ đang làm việc. Theo ông, chỉ khoảng một nửa số này đang thực sự làm việc.

Chưa kể, trong số một nửa còn làm việc này thì không phải ai cũng làm khoa học thực sự. “Hiện tại chỉ có 24% số tiến sĩ thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ. 76% còn lại thuộc về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp, triết học… Đó là những lĩnh vực không thể có sáng chế được”, ông Quân nói.

Trong khi đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam còn rất ít và chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước. Việt Nam chỉ chi 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN nhưng trong 2% này thì chỉ có hơn 10% giành cho hoạt động nghiên cứu, triển khai thực sự. Gần 90% còn lại chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên.

Học trò trường huyện giành Huy chương vàng sáng tạo châu Á

Thấy cha vất vả, cậu học trò Nguyễn Văn Hoan, lớp 11 trường THPT Lạng Giang số 2 (Bắc Giang) sáng tạo mô hình băng tải đa năng, giành Huy chương vàng triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ châu Á năm 2014, tổ chức tại Malaysia.

Nguyễn Văn Hoan giành HCV sáng tạo châu Á là tin khoa học công nghệ nổi bật hôm nay

Nguyễn Văn Hoan giành HCV sáng tạo châu Á là tin khoa học công nghệ nổi bật hôm nay. Ảnh Vnexpress

Ý tưởng của cậu học trò 16 tuổi nảy sinh khi nhiều lần theo cha là lái xe tải chở vật liệu. Hoan quan sát thấy công nhân tốn khá nhiều công sức khi tự tay xúc từng xẻng cát, đá đưa lên xe. Cậu nghĩ đến một chiếc băng chuyền được điều khiển tự động, có thể đưa các vật liệu lên xe và ngược lại, vừa tiết kiệm sức người, vừa nâng cao năng suất lao động.

Trải qua nhiều lần thử nghiệm, mô hình băng tải đa năng hoàn thiện có hai phần chính, gồm băng tải và gầu xúc. Phần băng tải có dây băng và con lăn hoạt động bằng mô tơ, giá đỡ làm bằng khung cửa nhôm cũ. Phần gầu xúc được kết thành một chuỗi liên hoàn, di chuyển theo các góc độ, phương hướng trên, dưới, trái, phải rất linh hoạt.

Ngoài băng chuyền đa năng, Hoan còn sáng tạo ra mô hình cần cẩu đa năng, máy cắt ngọn dưa giúp cho việc làm nông của mẹ em hiệu quả hơn. Hiện nay, cậu học trò tiếp tục sáng tạo mô hình rôbốt cứu hộ đa năng, có nhiều tính năng như cứu hỏa, lội nước, sử dụng các cánh tay máy để cứu người bị nạn.

Chưa có bằng chứng khẳng định Amiang trắng gây bệnh ung thư

Theo báo cáo tại Hội nghị nghiên cứu khoa học về tác động của Amiang trắng đến sức khỏe con người do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội, hiện chưa có bằng chứng khoa học chính xác nào khẳng định Amiang trắng, một nguyên liệu chính trong sản xuất vật liệu xây dựng là tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi.

Theo tin khoa học công nghệ mới nhất hôm nay, chưa có bằng chứng khẳng định Amiang trắng gây ung thư

Theo tin khoa học công nghệ mới nhất hôm nay, chưa có bằng chứng khẳng định Amiang trắng gây ung thư. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra của Hoa Kỳ, Amiang trắng đứng thứ 119 trong danh mục các chất độc hại hàng đầu. Tuy nhiên tại Hội nghị nghiên cứu khoa học về tác động của Amiang trắng đến sức khỏe con người, nhiều báo cáo cho thấy, hiện không có bằng chứng khoa học nào khẳng định ngưỡng tác động gây ung thư của Amiang trắng đối với con người.

Bàn về điều này, TS.David Bernstein - Nhà tư vấn độc học, Geneva, Thụy Sỹ cho rằng: “Với công nghệ hiện đại ngày nay, việc kiểm soát bụi Amiang trắng phát tán trong không khí là hoàn toàn tốt. Theo các nghiên cứu độc học và dịch tễ học của chúng tôi đã chỉ ra rằng, chúng ta có thể sử dụng Amiang trắng một cách an toàn, và Amiang trắng không liên quan đến bệnh ung thư trung biểu mô ở người".

Ca ghép tế bào gốc trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, ngày 11/12 chị Đinh Thị Liễu (52 tuổi, thị trấn Yên Thành), người đầu tiên ở Việt Nam ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú đã xuất viện.

Tháng 9/2013, bệnh nhân Liễu nhập viện và được xác định là ung thư vú bên phải thể ống xâm nhập độ II. Sau một thời gian điều trị, cuối tháng 8/2014, hội đồng khoa học Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và PGS TS cố vấn Nguyễn Trung Chính, nguyên Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện 108 đã quyết định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Chị Đinh Thị Liễu (bên phải) và PGS.TS Nguyễn Trung Chính (cầm hoa bên trái) trong buổi lễ ra viện

Chị Đinh Thị Liễu (bên phải) và PGS.TS Nguyễn Trung Chính (cầm hoa bên trái) trong buổi lễ ra viện. Ảnh Vnexpress

Tháng 9/2014 bệnh nhân Liễu được gạn tách tế bào gốc đủ tiêu chuẩn. Sau đó, chuyên gia xử lý tế bào gốc và đưa vào bảo quản ở -196 độ. Ngày 19/11 vừa qua, các bác sĩ thực hiện ca ghép kéo dài một giờ do PGS.TS Nguyễn Trung Chính là trưởng êkíp. Quá trình ghép diễn biến tốt đẹp, không xảy ra tai biến. Gần một tháng điều trị, tới ngày 11/12, qua khám và sàng lọc cho thấy việc điều trị đã thành công, bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý ác tính về máu và ung thư. Phương pháp này dùng hóa chất diệt toàn bộ tế bào ung thư từ gốc, làm sạch tủy để ghép tế bào lành tính vào.

Chị Liễu là bệnh nhân bị ung thư vú đầu tiên ở Việt Nam được điều trị thành công bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là một trong 8 bệnh viện trên cả nước thực hiện được kỹ thuật này.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang