Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 7/12

author 08:04 07/12/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập tới các sự kiện nổi bật như Giải thưởng kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam lần 9, Phát triển KHCN trong nông nghiệp, Hoàn thành nghiên cứu tài liệu của Einstein, Tranh cãi về trí tuệ nhân tạo hủy diệt nhân loại,…

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 7/12 trong nước

Bộ trưởng Phát: Tôi rất muốn nhà khoa học lương 200 triệu

Theo những tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay, chia sẻ tại hội nghị bàn về giống, cây con trong nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh: “Tôi rất muốn nhà khoa học được hưởng lương 100, 200, thậm chí 500 triệu/tháng, nếu họ đem lợi ích cho xã hội”.

Theo Bộ trưởng Phát, thời gian qua, dù các đơn vị nghiên cứu nhà nước tạo rất nhiều loại giống cây, con, nhưng nhiều giống không có tính đột phá, vượt trội, kém bền vững. Đáng lưu ý, hơn 100 giống lúa, tới hơn 60% là giống từ các doanh nghiệp (DN); cây lâm sản, làm thuốc ít giống mới, thủy sản vẫn xoay ba con chính là cá tra, tôm, nhuyễn thể.

Bộ trưởng Phát thẳng thắn phát biểu về thực trạng không có đột phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Bộ trưởng Phát thẳng thắn phát biểu về thực trạng không có đột phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh Báo Đất Việt

Nói về kết quả nghiên cứu thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, trong 2-3 năm gần đây, viện này chuyển 7-8 giống, có giống chuyển giao cho 4-5 doanh nghiệp. Tuy nhiên, không bằng lòng, Bộ trưởng Phát nói: “Anh Khanh hãy trả lời tôi, vì sao nhà khoa học khi làm cho viện thì không có giống tốt, nhưng làm cho DN lại ra giống tốt?”.

Ông Khanh nói: “Bây giờ, có DN tiếp cận chính thống với viện, nhưng có DN tiếp cận trực tiếp với nhà khoa học. Có nhà khoa học của viện làm ra giống lúa, nhưng viện cũng không kiểm soát được. Ở viện, ông Viện trưởng lương cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng, nhưng khi nhà khoa học đến DN, họ trả tới 25-30 triệu đồng/tháng”.

Đồng tình quan điểm với ông Khanh, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Chăn nuôi Quốc gia chia sẻ cho rằng, mỗi năm đầu tư cho chương trình giống của viện 60 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD). Trong khi đó, tập đoàn Grimaud đầu tư tới 40 triệu Euro để đưa ra giống vịt, cạnh tranh với giống của Viện Chăn nuôi Quốc gia. Ông Sơn cho rằng, với cách làm khoa học, theo kiểu kinh phí đăng ký 10 tỷ đồng, nhưng được cấp 1 tỷ đồng, cũng không hy vọng sản phẩm nó sẽ tốt hơn.

Không hài lòng với lời giải thích, Bộ trưởng Phát nói: “Nhà nước cấp 700 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, trong đó một nửa trả lương…Chúng ta là trí thức, không biết nuôi nổi chính mình, không nghĩ cơ chế cho mình tốt hơn thì làm sao nghĩ được cơ chế cho đất nước tốt hơn”.

Giải thưởng dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam lần 9

Lễ trao giải thưởng dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam lần thứ 9 (Honda Y-E-S Award 2014) vừa diễn ra tại Hà Nội hôm qua ngày 6/12. Giải thưởng năm này được trao tặng cho 10 sinh viên xuất sắc đến từ các trường ĐH kĩ thuật và công nghệ trên toàn quốc.

Giải thưởng được tổ chức thường niên nhằm tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ sinh thái, các nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực công nghệ và khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Các gương mặt trẻ xuất sắc trong lễ trao giải năm nay

Các gương mặt trẻ xuất sắc trong lễ trao giải năm nay. Ảnh VTV

Đề tài viết luận năm nay là “Hãy so sánh những thuận lợi và khó khăn khi phát triển công nghệ sinh thái trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo phương tiện giao thông vận tải. Nếu trở thành nhà nghiên cứu hay quản lý kế hoạch, hành động của bạn để quảng bá cho sự phát triển loại công nghệ này là gì?”.

Sau 9 năm đồng hành cùng sinh viên Việt Nam, giải thưởng đã ghi nhận 90 gương mặt xuât sắc được vinh danh tại lễ trao giải hàng năm và 10 sinh viên nhận phần thưởng Y-E-S Plus để theo học thạc sỹ hoặc thực tập tại Nhật Bản.

Đây là một trong những giải thưởng có ý nghĩa như một dấu mốc cho những nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời còn đóng vai trò như một bệ phóng cho những tài năng trẻ trong quá trình khởi nghiệp sau này của các sinh viên trẻ.

Phát triển KHCN trong nông nghiệp: DN là đầu tàu!

Phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với người nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham gia hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sáng 6/12. Chủ trì hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh VGP

Trao đổi cùng hơn 500 đại biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp từ DN, các viện, trung tâm nghiên cứu và cả người nông dân đối với việc xây dựng, triển khai cơ chế chính sách phát triển KHCN trong nông nghiệp, nông thôn cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ.

“Không chỉ những công nghệ hiện đại, đầu tư lớn mà rất nhiều sáng kiến nhỏ trong ứng dụng KHCN cũng cần được quan tâm, nêu lên trong hội thảo. Để từ đó, chúng ta đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành để có những tháo gỡ sát thực tế”, Phó Thủ tướng nói.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 7/12 thế giới

Khoảng 5.000 tài liệu của Einstein được đưa lên mạng

Theo báo New York Times, đây là bộ tài liệu cá nhân thứ 13 được số hóa của Einstein, nằm trong dự án 30 bộ tài liệu số hóa khoảng 80.000 thư tịch để lại từ sau năm 1955 khi nhà bác học này qua đời. Dự án này do Nhà xuất bản Đại học Princeton và Đại học Hebrew thành phố Jerusalem triển khai từ năm 1986.

Trong các tài liệu số hóa, người ta thấy những bức thư, giấy tờ, bưu thiếp, sổ ghi chép và nhật ký mà Einstein để lại ở Princeton và nhiều nơi khác. Chúng cho thấy những câu chuyện liên quan tới cuộc đời ông tính tới năm 1923, khi ông 44 tuổi.

Hàng nghìn tài liệu quý về Einstein được công khai với độc giả

Hàng nghìn tài liệu quý về Einstein được công khai với độc giả. Ảnh AFP

Riêng các bản số hóa của nhiều giấy tờ và thư từ của Einstein, độc giả có thể tìm đọc tại địa chỉ http://www.alberteinstein.info/ của Đại học Hebrew. Với giới khoa học, họ sẽ thấy ông đã đưa ra các bài giảng về thuyết tương đối tại Princeton từ năm 1921.

Còn với những ai mong muốn tìm hiểu khía cạnh đời sống tình cảm của ông, họ sẽ thú vị với những dòng trong bức thư ông gửi cho Mileva Maric (người vợ sau này của ông) năm 22 tuổi, sau khi bà sinh cô con gái Lieseri của họ. Theo tờ Today, người góp công lớn trong việc đưa lên mạng các di sản tài liệu số hóa của nhà bác học Einstein chính là tổng biên tập website Diana Korrmos-Buchwald, giáo sư vật lý thuộc Viện công nghệ California.

Dự kiến bộ sưu tập tài liệu thứ 14 - gồm 1.000 tài liệu số hóa khác của Einstein - sẽ được công bố vào tháng giêng tới, cũng trên trangeinsteinpapers.press.princeton.edu.

Tranh cãi về trí tuệ nhân tạo hủy diệt nhân loại

Thiên tài vật lý người Anh Stephen Hawking cảnh báo trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt loài người. Lời cảnh báo của ông Hawking đang gây tranh cãi trong giới khoa học. Một số chuyên gia cho rằng mặc dù mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo như ông Hawking cảnh báo còn quá xa vời, nhưng con người cũng nên nghiêm túc đối mặt với nó. Một số chuyên gia khác cho rằng lời cảnh báo của ông Hawking là thổi phồng quá mức.

Nhà nhân chủng học Daniela Cerqui thuộc Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) cho biết: “Tôi rất hài lòng ít ra có một nhà khoa học lên tiếng cảnh báo. Tôi đã lên tiếng cảnh báo điều này trong nhiều năm qua”.

Bà Cerqui cho biết việc phát triển trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những cỗ máy có khả năng vượt xa con người thật sự. “Điều này nghe có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng. Nhưng chúng ta đang hướng đến con đường mà ông Hawking cảnh báo, từng chút từng chút một”, theo bà Cerqui.

Bản thân Stephen Hawking cũng đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Bản thân Stephen Hawking cũng đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ảnh Reuters

Ông Nick Bostrom, giám đốc chương trình nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ tương lai tại Đại học Oxford (Anh), lại cho rằng mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo không phải là tức thì. Ông Bostrom chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo rõ ràng vẫn nằm trong sự kiểm soát của con người, chẳng hạn như máy bay không người lái quân sự, những chiếc xe hơi không người lái, những công nhân “robot” và thiết bị do thám internet tự động.

Các chuyên gia khác cho rằng trí tuệ nhân tạo “thật sự” - hiểu đơn giản là một cổ máy có thể thoát ly khỏi sự điều khiển con người, tự hoạt động và suy nghĩ sáng tạo như con người - vẫn còn phải mất nhiều thập niên nữa mới trở thành hiện thực.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang