Tin tức khoa học công nghệ: Việt Nam sẽ phóng vệ tinh, Trung Quốc xây dựng hệ thống tạo mưa

author 11:16 09/04/2018

(VietQ.vn) - Việt Nam sẽ phóng vệ tinh Micro Dragon vào cuối năm; Trung Quốc xây dựng hệ thống tạo mưa cực khổng lồ... là những tin tức khoa học công nghệ nổi bật hôm nay.

Sự kiện: NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM VÀ KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Cuối năm 2018 Việt Nam phóng vệ tinh Micro Dragon

Micro Dragon là vệ tinh quan sát Trái đất, có trọng lượng 50 kg, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Đồng thời, phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Vệ tinh Micro Dragon cũng sẽ thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất.

 Dự án vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: Chính Phủ

 Dự án vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: Chính Phủ

Micro Dragon được chế tạo bởi 36 kỹ sư người Việt, thuộc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đội ngũ kỹ sư theo học ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Bắt tay vào chế tạo năm 2013, năm 2017, Micro Dragon hoàn thành và thử nghiệm thành công. Vệ tinh Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. 

Phát hiện bộ não già vẫn luôn sinh ra tế bào mới

Tiến sĩ Maura Boldrini, Chuyên gia về sinh học thần kinh, Trường đại học Columbia, Mĩ nói rằng: “Khi tôi học ở trường y, chúng tôi được dạy rằng bộ não người già không sản sinh ra các tế bào mới nữa. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ nhận định đó. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy những con chuột già vẫn sinh ra tế bào thần kinh mới. Và những nghiên cứu ban đầu ở con người cũng cho những kết quả tương tự.”

Nghiên cứu của Tiến sĩ Boldrini và các đồng nghiệp là nghiên cứu đầu tiên theo dõi sát sao sự sản sinh tế bào của bộ não của một người bình thường. Họ tìm hiểu bộ não của 28 thi thể người khỏe mạnh, tuổi từ 14 đến 79. Tất cả những người này có hồ sơ, thông tin đầy đủ. Dưới kính hiển vi, tiến sĩ Boldrini và đồng nghiệp đã cắt lát hồi cá ngựa (một phần của não trước, rất quan trọng đối với khả năng lưu giữ thông tin và hình thành trí nhớ dài hạn) và đếm số lượng các tế bào mới hình thành, tức là những tế bào chưa phát triển đầy đủ.

Thí nghiệm này trên chuột thì rất dễ, vì não chuột nhỏ. Chỉ cần cắt ra, quan sát các tế bào và đếm. Nhưng bộ não con người to hơn và phức tạp hơn nhiều, nên việc này hóa ra lại khó. Nhóm của tiến sĩ Boldrini phải dùng một phần mềm máy tính đặc biệt để đếm số tế bào sau khi quan sát qua kính hiển vi. Những bộ não già không phải là không thay đổi, chúng có thêm nhiều tế bào mới như những bộ não trẻ, nhưng có vẻ như sinh ra ít mạch máu mới hơn và liên kết giữa các tế bào cũng xảy ra chậm hơn.

Tin tức khoa học công nghệ: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về điều chế curcumin dạng sủi(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 6/4 gồm Việt Nam là nước thứ 2 điều chế thành công hoạt chất curcumin dạng sủi; tẩy chay trường đại học Hàn Quốc vì nghiên cứu "robot giết người"...

Dùng công nghệ tiêu chuẩn vàng để xét nghiệm máu

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học South Florida ở Tampa - Hoa Kỳ đã tạo ra phiên bản di động của phương pháp ELISA, công nghệ tiêu chuẩn vàng được sử dụng để phát hiện sự có mặt của kháng thể hoặc kháng nguyên. Thay vì đưa bệnh nhân vào phòng thí nghiệm, công nghệ dựa trên điện thoại di động mới cho phép tiến hành thử nghiệm tương tự tại phòng mạch bác sĩ, phòng khám hoặc thậm chí ở vùng sâu vùng xa.

“ELISA hay còn gọi là phương pháp ELISA hay EIA là kỹ thuật sinh hóa để phát hiện kháng thể hay kháng nguyên trong mẫu xét nghiệm. ELISA là công nghệ quan trọng để phân tích sinh hóa các protein và các hoocmon và rất cần thiết cho việc chẩn đoán nhiều bệnh như HIV và Lyme Disease", Tiến sĩ Anna Pyayt - Phó giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Nam Florida - Hoa Kỳ cho biết: “MELISA cho phép bệnh nhân trải qua quá trình thử nghiệm và đạt được kết quả ngay tại điểm chăm sóc”.

MELISA di động chỉ nặng 500 gr, giúp bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mãn tính và mọi người trên khắp thế giới. Tiến sĩ Pyayt và nhóm của cô tại USF hiện đang hiệu chuẩn MELISA cho một loạt các xét nghiệm bao gồm testosterone. Với những kết quả này, họ sẽ nộp đơn xin FDA chấp thuận để phòng khám có thể bắt đầu sử dụng thiết bị.

Trung Quốc thử nghiệm công nghệ tạo mưa cực khổng lồ

Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ quốc phòng tiên tiến để phát triển một hệ thống điều chỉnh thời tiết hiệu quả với chi phí tương đối thấp nhằm mang đến lượng mưa lớn hơn cho cao nguyên Tây Tạng. Theo các nhà nghiên cứu của dự án, hệ thống này bao gồm mạng lưới khổng lồ các buồng đốt nhiên liệu trên các ngọn núi của cao nguyên Tây Tạng. Hệ thống này có thể làm tăng lượng mưa trong khu vực lên tới 10 tỷ mét khối một năm - khoảng 7% tổng lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc.

Hàng chục nghìn buồng đốt sẽ được xây dựng tại các điểm lựa chọn dọc cao nguyên Tây Tạng, tạo mưa trên tổng diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông, tương đương 3 lần diện tích của Tây Ban Nha. Đây sẽ là dự án tạo mưa lớn nhất thế giới. Các buồng đốt trên những dãy núi dốc đứng sẽ gặp gió mùa ẩm ướt từ Nam Á. Khi gặp núi, gió bị đẩy lên cao, mang theo các hạt iodua bạc tạo mây gây ra mưa và tuyết.

Hệ thống này đang được phát triển bởi Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc - một nhà thầu dẫn đầu các dự án đầy tham vọng khác của nước này, bao gồm thăm dò mặt trăng và xây dựng trạm vũ trụ.

Các nhà khoa học vũ trụ đã thiết kế và chế tạo các buồng đốt bằng cách sử dụng công nghệ động cơ tên lửa quốc phòng tiên tiến, cho phép họ đốt nhiên liệu rắn an toàn và hiệu quả trong môi trường thiếu oxi ở độ cao trên 5.000 m.

Mặc dù đây không phải là ý tưởng mới - các nước khác như Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm tương tự trên không gian hẹp hơn - Trung Quốc là nước đầu tiên thử ứng dụng công nghệ này với quy mô lớn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang