Tin tức kinh doanh 24h mới nhất ngày 5/3: Facebook miễn phí quảng cáo cho WHO

author 10:19 05/03/2020

(VietQ.vn) - Tin tức kinh doanh 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/3/2020. Cập nhật tin tức kinh doanh 24h mới nhất.

Facebook miễn phí quảng cáo cho WHO và gỡ 'thuyết âm mưu' về Covid-19

Hôm 4/3, CEO Facebook Mark Zuckerberg cho biết WHO có thể quảng cáo miễn phí trên nền tảng, đồng thời gỡ bỏ các thông tin sai sự thật về Covid-19.

Người dùng tìm kiếm coronavirus hay Covid-19 trên Facebook sẽ nhìn thấy cửa sổ pop-up dẫn đến WHO hoặc tổ chức y tế địa phương để nhận thông tin mới nhất về dịch bệnh.

Người dân tại các nước mà WHO nói có lây từ người sang người sẽ nhìn thấy thông tin này trên Bảng tin.

Trong một bài viết Facebook, Zuckerberg nói WHO cũng như nhiều tổ chức khác sẽ được quảng cáo miễn phí. Nhà sáng lập Facebook còn nói mạng xã hội sẽ xóa “thông tin sai và thuyết âm mưu đã được các tổ chức y tế hàng đầu thế giới gắn cờ”.

Facebook cấm chạy quảng cáo lợi dụng tình hình, chẳng hạn khẳng định sản phẩm có thể chữa Covid-19.

Facebook bị chỉ trích nặng nề vì tin giả lan truyền trên nền tảng, đặc biệt trong các chiến dịch tranh cử. Mạng xã hội còn bị phản đối vì nói không kiểm tra sự thật hay xóa nội dung của các chính trị gia. Dường như, họ đang áp dụng cách tiếp cận khác đối với Covid-19.

Mỹ mở rộng lệnh áp thuế đối với thép và nhôm thứ cấp nhập khẩu

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa phát đi thông cáo báo cho biết tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng lệnh áp thuế theo Mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia của Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 đối với một số sản phẩm nhôm và thép thứ cấp nhập khẩu vào Mỹ khi cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài có hành vi "lẩn tránh" lệnh áp thuế theo Mục 232.

Lệnh áp thuế mở rộng theo Mục 232 được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất từ nhôm như dây, cáp nhôm, vỏ máy...gồm các mã HS: 7614.10; 7614.90; 8708.10; 8708.29 và từ thép như đinh thép, dập ghim, vỏ máy với các mã HS: 7317.00; 8708.10; 8708.29. Mức thuế áp dụng là 10% với sản phẩm nhôm; 25% với sản phẩm thép và không có thời hạn áp dụng.

Ngoài ra, Mỹ cũng áp dụng cơ chế miễn trừ đối với nhôm của Argentina, Australia, Canada. Cùng với đó là thép của Argentina, Braxin, Canada, Mexico và Hàn Quốc.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, mục 232 của Đạo luật Thương mại 1962 cho phép Bộ Thương mại Mỹ điều tra xem liệu hoạt động nhập khẩu có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia Mỹ hay không. Năm 2018, Mỹ đã áp thuế đối với hai sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu khi cho rằng việc nhập khẩu hai mặt hàng này đang đe dọa tới vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.

Số liệu thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp mở rộng này trong năm 2019 là khoảng 785 triệu USD với thép và 480 triệu USD với nhôm.

Trong đó, kim ngạch các sản phẩm thứ cấp của nhôm và thép được Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ năm 2019 lần lượt là 1,8 triệu USD và 1,63 triệu USD, chiếm tỉ trọng tương ứng là 0,38% và 0,21% tổng kim ngạch các mặt hàng nhôm và thép thứ cấp được nhập khẩu vào Mỹ.

Theo qui định của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà nhập khẩu có thể nộp yêu cầu miễn trừ áp dụng biện pháp này theo từng trường hợp cụ thể.

Amazon xử lý mạnh tay những đối tác bán khẩu trang giá “chặt chém”

Người dân trên khắp thế giới cố gắng tự bảo vệ mình khỏi virus Corona, dịch cúm hiện đã cướp đi 3.198 sinh mạng và hơn 93.000 người bị lây nhiễm, khiến nhu cầu về vật tư y tế đã tăng vọt. Do đó, các sản phẩm như khẩu trang y tế đã đội giá lên gấp nhiều lần so với bình thường thường, với sự trục lợi không nhỏ từ các doanh nghiệp và cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, Amazon mới đây đã bắt tay vào xử lý tình trạng này một cách mạnh tay. Theo Wired , các đối tác bên thứ ba đã nhận được email từ Amazon cảnh báo họ về việc bán khẩu trang y tế "không tuân thủ" chính sách giá hợp lý của công ty, đồng thời cấm người bán tính phí "cao hơn đáng kể so với giá gần đây được cung cấp trên hoặc ngoài Amazon."

Wired cũng đưa tin rằng một số quảng cáo khẩu trang với giá trên trời cũng đã bị xóa khỏi Amazon, đồng thời cũng đề cập đến vấn đề về giá cả đang được tranh luận gay gắt trên các diễn đàn của người bán trên Amazon.

Phần lớn các tiểu bang ở Mỹ đều có luật chống tăng giá quá mức trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, để ngăn chặn các doanh nghiệp trục lợi từ những người đang cần nhu yếu phẩm như thực phẩm, khí đốt và nơi trú ẩn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những điều luật như vậy có thể gây phản tác dụng khi nó khuyến khích mọi người tích trữ nguồn cung.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các quan chức Trung Quốc đã nhận được ít nhất 274 khiếu nại về việc đầu cơ vật tư y tế, theo Reuters. Tại Ý, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của Corona virus so với các nước châu Âu khác, các nhà chức trách cũng đã mở một cuộc điều tra việc đầu cơ khẩu trang y tế.

Du lịch Ðà Nẵng thiệt hại 20.000 tỷ đồng

Ngày 4/3, UBND TP Ðà Nẵng cùng các sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn có cuộc bàn thảo tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 gây ra.

Thực trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều công ty hoạt động cầm chừng, thua lỗ, cho người lao động nghỉ việc.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid -19 nên hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đều gặp khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp dịch vụ du lịch và vận tải, giảm doanh thu 50 - 60%, có doanh nghiệp giảm đến 90%. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị phải cho lao động nghỉ việc.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: Theo tính toán ban đầu, ngành du lịch thành phố thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19. Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, rồi lan ra nhiều nước và gần đây là Hàn Quốc sức khỏe của các doanh nghiệp càng trở nên xấu đi. Hầu như ngày nào cũng có doanh nghiệp ngành du lịch của Đà Nẵng phải đóng cửa.

Ông Dũng dự đoán nếu tình hình kiểm soát và dập dịch tốt thì khoảng tháng 6 kinh tế mới có dấu hiệu phục hồi, Nếu tình hình dịch bệnh còn bùng phát trên thế giới và trong khu vực thì cả năm 2020 sẽ rất khó khăn.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang