Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 13/9/2015

author 08:11 13/09/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay đề cập đến 'Tốn hơn 35 triệu USD để lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành'; 'Hàng loạt ĐH, CĐ có nguy cơ đóng cửa: Không thể kinh doanh giáo dục'; 'Trung Quốc đang từ bỏ danh hiệu 'chủ nợ lớn nhất của Mỹ';...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 13/9/2015 trong nước

Tốn hơn 35 triệu USD để lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành

Theo tin tức mới cập nhật trên Thanh Niên Online, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) vừa trình Bộ GTVT đề cương lập báo cáo F/S giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo 2 phương án. Trong đó, nếu theo phương án 1 thì phải chi tới 35,1 triệu USD.

Phương án 1 gồm 2 phần: Phần 1 là thu thập dữ liệu, khảo sát hiện trường bổ sung, xem xét lại nhu cầu giao thông hàng không, lập dự báo giao thông hàng không đến năm 2020. Phân chia công suất giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất để kiến nghị phương án đầu tư phù hợp nhất, nghiên cứu quy trình rút ngắn thời gian thực hiện dự án, quy mô, phân kỳ đầu tư, tài chính và đánh giá khả năng hoàn vốn. Phần 2 sẽ phân chia nhóm hạng mục công việc và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo ACV, khái toán chi phí thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 cần khoảng 35,1 triệu USD, được huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển của đơn vị với thời gian khoảng 18 tháng.

Tin tức mới cập nhật cho biết cần 35 triệu USD để lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành

Tin tức mới cập nhật cho biết cần 35 triệu USD để lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành

Phương án 2 nghiên cứu trên cơ sở như phương án 1, nhưng chỉ dừng ở bước thiết kế khái niệm. Phương án này sử dụng trong trường hợp vay vốn ODA vì chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ quốc tế, nhưng chưa đầy đủ theo quy định của luật pháp Việt Nam. Ước tính chi phí khoảng 6,9 triệu USD, dự kiến do JICA tài trợ với thời gian thực hiện 15 tháng.

ACV cho rằng, do quy mô dự án rất lớn và phức tạp, nếu theo quy trình thông thường có thể mất tới 10 năm để hoàn thành, vì vậy doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu, song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, sau khi báo cáo khả thi được phê duyệt, cho phép ACV tiến hành tổ chức triển khai thiết kế kỹ thuật và thi công ngay các hạng mục độc lập.

Hàng loạt ĐH, CĐ có nguy cơ đóng cửa: Không thể kinh doanh giáo dục

VOV đưa tin, các trường đại học, cao đẳng cần nhìn nhận sự thật là nên chấp nhận đóng cửa, giải thể nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo. Kết thúc 2 đợt xét tuyển đại học năm 2015, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng đã bày tỏ tâm trạng lo lắng vì không có đủ nguồn tuyển sinh so với yêu cầu đề ra. Điều này sẽ dẫn đến các trường gặp khó khăn trong hoạt động giảng dạy và có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản.

Không phải năm nay là năm đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng than phiền vì không tuyển đủ người học sau mỗi mùa tuyển sinh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng các trường vẫn cố gắng duy trì hoạt động một cách cầm chừng, chắp vá, thiếu thốn đến đâu thì bổ sung dần đến đó hoặc chờ đợi những chính sách thông thoáng hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là trường hợp của những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động không mấy hiệu quả.

Rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt 2

Rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt 2 

Với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập huy động tốt cổ đông đóng góp cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và tìm kiếm giảng viên giỏi giảng dạy cũng như đã tạo được uy tín với xã hội và người học thì hàng năm không thiếu nguồn tuyển. 

Tuy nhiên, bên cạnh những trường trên thì còn nhiều trường không đủ nguồn vốn ban đầu để xây dựng trường học nên phải thuê địa điểm, hạn chế đầu tư sân bãi, phòng thí nghiệm cũng như không có nhiều kinh phí để mời giảng viên giỏi giảng dạy thì chất lượng đào tạo lại yếu kém nên khó thu hút thí sinh nhập học.

Ngoài những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động cầm chừng, manh mún thì còn rất nhiều trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường trực thuộc một số Bộ, ngành, địa phương dù được Nhà nước đầu tư sẵn về cơ sở vật chất nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Họ không tạo được động lực phát triển ngành nghề, nghiên cứu khoa học cũng như đảm bảo đủ giảng viên có trình độ cao giảng dạy nên không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đây cũng là lý do chính khiến những trường này mất dần uy tín của người dân và khiến thí sinh, phụ huynh “quay lưng” lại với họ.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 13/9/2015 quốc tế

Trung Quốc đang từ bỏ danh hiệu 'chủ nợ lớn nhất của Mỹ'

Theo Thanh Niên Online, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và có vẻ như họ đang bắt đầu từ bỏ danh hiệu đó. Từ lâu, nhiều chuyên gia đã lo ngại về việc Bắc Kinh có thể làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách “tháo chạy” khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ.

Trung Quốc sở hữu 1.300 tỉ USD trái phiếu Mỹ tính đến tháng 6 năm nay. Điều này khiến quốc gia châu Á trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Song hiện giờ Trung Quốc đang bán trái phiếu Mỹ vì họ rất cần tiền mặt. Gần đây, Bắc Kinh tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán đang biến động mạnh và vực dậy giá trị đồng nhân dân tệ sau việc phá giá. Ngoài ra, Đại lục cũng đang cố gắng kích thích nền kinh tế tăng trưởng đang yếu đi, khiến họ không thể là nhân tố duy nhất “nuốt chửng” nợ Mỹ như trong quá khứ.

Trung Quốc đang bắt đầu

Trung Quốc đang bắt đầu "tháo chạy" khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ

"Dòng vốn chảy ra khỏi Đại lục đã tăng vọt, nhân dân tệ đang chịu áp lực bán ra mạnh. Trong tình cảnh này, cách duy nhất Trung Quốc có thể làm là bán trái phiếu kho bạc Mỹ để mua vào đồng nội tệ của họ”, Walter Zimmerman - chuyên gia tại United-ICAP nói.

Khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cho thấy hao hụt 94 tỉ USD, còn lại khoảng 3.600 tỉ USD trong tháng 8, giới phân tích cho rằng bây giờ có thể là lúc để Bắc Kinh giảm số lượng trái phiếu Mỹ họ đang nắm giữ. Ngoài ra, khả năng Đại lục ngừng mua nợ của Mỹ trong tương lai gần cũng tăng lên, đặt ra lo ngại về chi phí đi vay tăng cao ở nền kinh tế số một thế giới.

Diễn biến vào tháng 8 có thể chứng minh cho nhận định của giới phân tích. Thông thường, khi các thị trường chứng khoán hỗn loạn, nhà đầu tư thường đổ xô đến các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ, làm giảm lợi tức trái phiếu. Song tháng vừa rồi, khi thị trường chứng khoán Đại lục biến động mạnh, lợi tức trái phiếu Mỹ tăng lên một chút.

Nội các của Thủ tướng Ai Cập đệ đơn xin từ chức

Theo VTV, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo nội các do Thủ tướng Ibrahim Mahlab đứng đầu đã từ chức hôm 11/9. Thông báo từ chức được đưa ra 1 tháng trước khi Ai Cập tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội vốn bị hoãn lâu nay. Thông báo nêu rõ Thủ tướng Mahlab đã trình Tổng thống al-Sisi đơn từ chức của Chính phủ và Tổng thống đã chấp thuận. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ lý do nội các từ chức.

Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành tạm quyền cho đến khi một Chính phủ mới được thành lập. Tổng thống Sisi đã yêu cầu Bộ trưởng Dầu mỏ trong Chính phủ vừa từ chức - ông Sherief Ismail - đứng ra thành lập Chính phủ mới trong vòng 1 tuần tới. Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Salah Helal bị bắt giữ hôm 7/9 vì cáo buộc tham nhũng.

Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab

Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab

Chính phủ của Thủ tướng Mahlab nhậm chức tháng 3/2014 và được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống, trong đó ông Sisi đã giành chiến thắng áp đảo và lên cầm quyền vào tháng 5/2014, gần 1 năm sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ.

Hiện tượng này có thể được giải thích bằng việc Phố Wall đang đặt cược vào chuyện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tuần tới. Dù vậy, thị trường cũng nghi ngại tình trạng này xuất hiện là do Trung Quốc bắt đầu “tháo chạy” khỏi trái phiếu Mỹ.

Trang Mạc (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang