Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 21/5/2015

author 08:42 21/05/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay đề cập đến Đề nghị đánh sập hầm vàng trên núi, Mỹ "tố" Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông gây mất ổn định, Người tị nạn đã có nơi cập bến ở Malaysia và Indonesia...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/5/2015 trong nước

Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13: Nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực

Theo tin tức mới cập nhật trên Thanh Niên Onilne, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực là một trong những nhận định được đưa ra tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2015, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp QH sáng 20/5. Theo báo cáo, năm 2014, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được hoàn thành tốt. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo). So với số đã báo cáo QH, có 10 chỉ tiêu đạt tốt hơn và bốn chỉ tiêu không thay đổi.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội 

Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỉ USD.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9.000 người. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Đề nghị đánh sập hầm vàng trên núi

Theo Tiền Phong, ngang nhiên dựng lều, khoét núi, đông đảo “vàng tặc” đã biến vùng rừng trên núi Chư Jú (tỉnh Gia Lai) thành công trường, rầm rập khai thác suốt ngày đêm. Công an địa phương đề nghị bên quân đội cho nổ mìn đánh sập hầm vàng này. 

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, trên  núi Chư Jú (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai), lâu nay “vàng tặc” vẫn lộng hành đào bới, cày nát cả khu rừng. Một người dân ở đây mách: Vào bãi vàng nhiều rủi ro lắm nên cẩn thận, đường hiểm trở, còn phu vàng không phải dạng vừa. 

Hầm vàng sâu hun hút trong lòng đất

Hầm vàng sâu hun hút trong lòng đất

Một phu vàng than thở: “Sống ở Kbang không có đất canh tác, vợ con hay đau ốm nên phải đi làm thêm kiếm tiền. Mong may mắn đào được vàng chia nhau, có tiền về sửa lại căn nhà nhưng đào mãi vẫn chưa thấy đâu. Mỗi lần chui xuống hầm sợ sập lắm nhưng vào đây rồi thì đành liều mạng. Chỉ mong được sớm về lại với vợ con”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Ayun Pa, xác nhận, bãi này lâu nay vẫn bị khai thác lậu vàng sa khoáng, chủ yếu ở tiểu khu 1288, xã Ia Rbol. Mới đây, đoàn liên ngành đi truy quét, phát hiện 9 hầm cũ và 9 hầm vàng mới đào, 5 lán trại bằng gỗ và thu nhiều phương tiện như: cối xay, máy thổi khí, máy nổ, ống nước… nhưng không thấy người. Những tang vật thu được đều bị tiêu hủy tại chỗ. Hiện trữ lượng, giá trị bãi vàng ở đây như thế nào vẫn chưa biết được do chưa có đánh giá cụ thể.

Thượng tá Vũ Gia Long - Phó Công an thị xã Ayun Pa, nói rằng, dân khai thác vàng không phải là người địa phương nên rất khó xác định danh tính. Dù địa giới hành chính nằm ở Gia Lai nhưng tuyến đường chính vào bãi vàng lại đi từ hướng huyện Ea Hleo, Đắk Lắk. “Mỗi chuyến truy quét phải mất 2-3 ngày, khi chúng tôi vào đến nơi thì chả còn thấy ma nào cả. Địa hình phức tạp, xa xôi nên việc ngăn cản, dẹp bỏ “vàng tặc” hoàn toàn là rất khó. Chúng tôi có đề nghị phía quân đội cho nổ mìn, đánh sập hầm để ngăn chặn đào vàng, nhưng chưa được chấp thuận, phải chờ xin ý kiến của quân khu”, ông Long nói.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 21/5/2015 quốc tế

Mỹ "tố" Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông gây mất ổn định

Dân Trí đưa tin, việc Trung Quốc cải tạo đất quanh các bãi đá ở Biển Đông đang làm suy giảm tự do, sự ổn định và có nguy cơ gây căng thẳng, thậm chí có thể dẫn tới xung đột, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết tại một sự kiện ở Jakarta nhân chuyến thăm Malaysia ngày 20/5. Trung Quốc đơn phương tuyên bố 90% diện tích Biển Đông. Các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ hoạt động cải tạo tại quần đảo Trường Sa và đang xây dựng một đường băng có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc có thể đang lên kế hoạch một đường băng khác.

"Khi Trung Quốc tìm cách biến các lâu đài cát thành vùng đất chủ quyền và vẽ lại ranh giới hàng hải, nước này đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư", ông Blinken nói. "Hành động của Trung Quốc đe dọa gây ra một tiền lệ khi các quốc gia lớn hơn hăm dọa các quốc gia nhỏ hơn, và kích động căng thẳng, sự ổn định, thậm chí có thể dẫn tới xung đột", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Bãi cạn Ken Nan thuộc Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây dựng các công trình phi pháp

Bãi cạn Ken Nan thuộc Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây dựng các công trình phi pháp

Mỹ và Trung Quốc đã bất đồng về tranh chấp Biển Đông hồi cuối tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hối thúc Bắc Kinh hành động nhằm giảm căng thẳng. Bắc Kinh thì nói quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình. "Chúng ta cần cố gắng kiểm soát các tuyên bố chủ quyền chồng lấn bằng biện pháp ngoại giao... Chúng tôi không đứng về bên nào nhưng phản đối mạnh mẽ các hành động nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực hoặc sự hăm dọa", ông Blinken nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc tất cả các bên liên quan giải quyết các bất đồng theo luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.

Trước đó, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, ông Blinken cũng chỉ trích các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bị xem là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất châu Á, gây ra nguy cơ có thể dẫn tới xung đột khi các quốc gia đòi chủ quyền.

Malaysia và Indonesia: Người tị nạn đã có nơi cập bến

Theo báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Myanmar quyết định cứu trợ nhân đạo cho người bị nạn trôi dạt trên biển. Malaysia và Indonesia đã thông báo ngừng đẩy đuổi các tàu chở người tị nạn trôi dạt đồng thời sẽ cung cấp cho họ nơi tạm trú.

Sáng 20-5 tại Kuala Lumpur (Malaysia), các bộ trưởng Ngoại giao ba nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã hội đàm về làn sóng người tị nạn Myanmar và Bangladesh. Sau đó tại cuộc họp báo chung có mặt Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Anifah Aman đã khẳng định: “Chuyện kéo tàu và trục xuất sẽ không xảy ra nữa”.

Thông cáo chung của hai ngoại trưởng Malaysia và Indonesia đã nhất trí tạm tiếp nhận có điều kiện những người tị nạn Myanmar và Bangladesh. Hai nước nhất trí tiếp tục tham gia vào hoạt động quốc tế nhằm cứu trợ nhân đạo cho 7.000 người tị nạn lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á.

Ngày 20-5, người tị nạn Myanmar và Bangladesh trên tàu chờ ngư dân tỉnh Aceh (Indonesia) đưa vào bờ

Ngày 20-5, người tị nạn Myanmar và Bangladesh trên tàu chờ ngư dân tỉnh Aceh (Indonesia) đưa vào bờ

Hai nước sẽ cung cấp nơi tạm trú cho người tị nạn và cùng với cộng đồng quốc tế tổ chức bố trí nơi cư trú cho họ hoặc đưa họ hồi hương trong một năm. Thông cáo chung nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế phải ủng hộ Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhất là về tài chính cần để bố trí nơi tạm trú và cứu trợ nhân đạo cho những người tị nạn đang bị đe dọa”.

AFP đưa tin Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn đã không dự cuộc họp báo chung. Theo giải thích của Ngoại trưởng Anifah Aman, ngoại trưởng Thái Lan cho biết sẽ kiểm tra lại đề xuất của Malaysia và Indonesia xem có phù hợp với luật pháp Thái Lan hay không.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi kêu gọi: “Tôi khuyến khích mọi tổ chức phi chính phủ, mọi sắc tộc và mọi tôn giáo động viên cứu trợ những người tị nạn sắc tộc Rohingya”. Ông nhấn mạnh: “Cho dù cộng đồng người tị nạn tìm cách nhập cư trái phép là vi phạm luật pháp về nhập cư, chúng ta không thể bỏ qua tình cảnh của họ”.

Cùng ngày 20-5, Bộ Ngoại giao Myanmar ra thông cáo cho biết Myanmar hiểu rõ nỗi lo lắng của cộng đồng quốc tế, do đó Myanmar quyết định sẵn sàng cứu trợ nhân đạo cho tất cả người bị nạn trôi dạt trên biển. Myanmar đã tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề người tị nạn dự kiến tổ chức ở Bangkok ngày 29-5 tới.

Trang Mạc (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang