Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 30/12/2015

author 06:54 30/12/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay đề cập đến 'Công bố phương án thi THPT quốc gia 2016 trước Tết'; 'Người dân kiến nghị sớm xây dựng Cảng hàng không Long Thành'; 'Thổ Nhĩ Kỳ bác tin hỗ trợ thành lập tiểu đoàn Tatar Crimea'; ...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 30/12/2015 trong nước

Công bố phương án thi THPT quốc gia 2016 trước Tết

Theo tin tức mới cập nhật hôm nay trên Dân Trí, phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 diễn ra chiều 28/12, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT có thể khẳng định hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng nên giữ kỳ thi THPT quốc gia 2016 như năm trước, chỉ điều chỉnh chi tiết liên quan xét tuyển, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, gia đình.

Trước đó, Hội nghị trực tuyến về rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tổ chức kỳ thi năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/12 diễn ra tại 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM. Đại diện một số Sở GD&ĐT đều thống nhất cơ bản giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đến thời điểm này chỉ có những ý kiến đề nghị điều chỉnh nhỏ về kỳ thi chung quốc gia

Đến thời điểm này chỉ có những ý kiến đề nghị điều chỉnh nhỏ về kỳ thi chung quốc gia 

Một số ý kiến đề xuất tổ chức kỳ thi sớm hơn vì liên quan lịch thi vào lớp 10 của một số địa phương. Đại diện các Sở GD&ĐT cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường phân quyền cho các Sở và xem xét về một số vấn đề của cụm thi.

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn  Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.

Người dân kiến nghị sớm xây dựng Cảng hàng không Long Thành

Vietnamplus đưa tin, ngày 29/12, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đi thị sát khu vực thực hiện Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đồng thời đối thoại với người dân trong vùng ảnh hưởng phải nhường đất cho dự án.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết theo kết quả điều tra khảo sát tại sáu xã ảnh hưởng bởi dự án gồm Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước thuộc huyện Long Thành, có 4.730 hộ với gần 15.000 nhân khẩu thuộc các xã trên bị ảnh hưởng dự án. Trong đó phần lớn người dân bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động (trên 9.500 người), số còn lại là dưới và ngoài độ tuổi lao động.

Quang cảnh buổi đối thoại với người dân

Quang cảnh buổi đối thoại với người dân

Các hộ dân bị ảnh hưởng chủ yếu có thu nhập chính từ lao động nông nghiệp và công nghiệp. Tổng diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong vùng dự án là gần 3.000ha trong tổng số 5.000ha đất được thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Còn lại là đất thuộc các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.

Tại buổi khảo sát, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với hàng trăm người dân trong vùng ảnh hưởng phải nhường đất cho dự án. Hầu hết người dân đều ủng hộ quyết định thực hiện Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là dự án lớn mang tầm quốc gia, sau khi hoàn thành cảng hàng không này sẽ có đóng góp lớn cho kinh tế-xã hội của nước nhà. Bên cạnh đó, hơn 300 người dân các xã trên cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai xây dựng để chấm dứt thời gian 20 năm chờ đợi, lo âu.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 30/12/2015 quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ bác tin hỗ trợ thành lập tiểu đoàn Tatar Crimea

Theo Vietnamplus, TASS đưa tin, ngày 29/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic tuyên bố Ankara không hỗ trợ cho việc thành lập tiểu đoàn Tatar Crimea.

Trong tuyên bố, Người phát ngôn Bilgic nói: “Các luận điệu trên một số phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng nước này (Thổ Nhĩ Kỳ) đã hoặc sẽ hỗ trợ các đơn vị được gọi là Tiểu đoàn Tatar Crimea sắp được thành lập ở Kherson (Ukraine), đều không phản ánh đúng sự thật.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic

Trước đó, hôm 18/12, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cựu thủ lĩnh người Tatar ở Crimea, Mustafa Dzhemilev đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hai bên được cho là đã thảo luận về việc thành lập một nhóm vũ trang do Mejlis, đại điện cấp cao nhất của tộc người Tatar tại Crimea, điều hành ở vùng lãnh thổ thuộc Ukraine, giáp biên giới với Crimea.

Đa số cộng đồng với khoảng 300.000 người Tatar ở Crimea từng phản đối việc Nga sáp nhập Crimea, cho rằng họ phải đối mặt với một chiến dịch đàn áp với việc một số nhà hoạt động Tatar bị bắt giữ và các thủ lĩnh người Tatar bị cấm quay trở lại bán đảo này.

69 nhà báo bị giết khi tác nghiệp trong năm 2015

Theo VOV, trên toàn thế giới năm 2015 có 69 nhà báo đã bị giết khi đang tác nghiệp.Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, trong số này có 28 nhà báo đã bị các nhóm Hồi giáo cực đoan (gồm IS và al-Qaeda) sát hại.

Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo – trụ sở ở New York, cho biết, Syria một lần nữa là nơi chết chóc nhất đối với giới nhà báo mặc dù con số nhà báo chết ở đây trong năm 2015 thấp hơn so với các năm trước. Ủy ban cho biết, ngày càng khó điều tra về các trường hợp nhà báo bị chết ở vùng chiến sự của các nước như là Libya, Yemen và Iraq

Joel Simon – giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo nói về các phóng viên và các nhà báo truyền hình ở Syria và những khu vực khác có đông chiến binh Hồi giáo cực đoan: “Các nhà báo là dễ bị tổn thương nhất. Dựa trên các dữ liệu thì đây là một nguy cơ vô cùng lớn đối với cánh nhà báo”.

Nữ phóng viên ảnh của Reuters ở vùng chiến sự Aleppo, Syria

Nữ phóng viên ảnh của Reuters ở vùng chiến sự Aleppo, Syria

Trong các nhà báo bị Hồi giáo cực đoan giết, có 8 nhà báo của tạp chí Charlie Hebdo bị sát hại ở Paris hồi tháng 1/2015. Chi nhánh al-Qaeda ở bán đảo Arabia nhận trách nhiệm về vụ này. Hồi tháng 10, 2 nhà báo Syria là Fares Hamadi và Ibrahim Abd al-Qader bị các chiến binh IS sát hại.

Ngoài những nhà báo chết ở vùng chiến sự, còn có những nhà báo bị sát hại ở các nước khác vì đã đưa tin về các vấn đề nhạy cảm. Ít nhất 28 nhà báo bị sát hại sau khi nhận được lời đe dọa giết chết họ.

Ở Brazil, Gleydson Carvalho – một nhà báo phát thanh thường chỉ trích cảnh sát và giới chính trị gia địa phương đã phạm nhiều điều sai trái, đã bị bắn chết khi đang thực hiện chương trình phát thanh buổi chiều hồi tháng 8. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã phát hiện được 6 vụ giết nhà báo ở Brazil trong năm nay – con số cao kỷ lục ở đó.

Trang Mạc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang