Tin tức mới nhất về Ukraine

author 15:15 07/03/2014

Tổ chức Cảnh sát hình sự thế giới (Interpol) ngày 7.3 cho biết đang cân nhắc đề nghị của chính quyền lâm thời Ukraine về việc ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Thông tin trên Thanh Niên cho hay, Interpol xác nhận đã nhận được đề nghị trên vào ngày 5.3, trong đó đề nghị phát lệnh truy nã quốc tế đối với cựu tổng thống Ukraine về tội lạm quyền và “sát hại hàng loạt” người biểu tình, theo AFP.

Interpol đã thông báo việc này đến các quốc gia thành viên. Chính quyền lâm thời Ukraine ngày 26.2 từng đề nghị ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với ông Yanukovych. Nhưng sau đó, ông này đã xuất hiện và có một buổi họp báo tại Nga.

Cựu tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất sau khi không ký kết một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), kích ngòi làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài ba tháng qua, khiến gần 100 người chết.

Vào ngày 6.3, chính quyền khu tự trị Crimea thông qua sắc lệnh ủng hộ tái sáp nhập vào Nga và lính Nga được cho là đang kiểm soát Crimea.

Phản ứng lại động thái ở Crimea, Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Liên minh châu Âu cũng đe dọa trừng phạt Nga

Trên Người lao động, hội đồng thành phố Sevastopol - nằm bên bờ biển Đen trên bán đảo Crimea- Ukraine, nơi trú đóng của hạm đội biển Đen của Nga – đã bỏ phiếu thông qua việc sáp nhập vào Nga và phá bỏ mọi mối liên hệ với Ukraine. Quyền thị trưởng Sevastopol Dmitry Belik cho biết nếu dân cư Crimea ủng hộ ý tưởng sáp nhập vào Nga thì Sevastopol sẽ tiếp tục duy trì tình trạng đặc biệt của mình.

Theo ông, điều đó phù hợp với quyền lợi của Nga bởi vì ở đây có căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Nhà chức trách Crimea tuyên bố quyết định trên của nghị viện đã có hiệu lực ngay và Phó Thủ tướng Rustam Temurgaleyev yêu cầu các lực lượng Ukraine có mặt trên lãnh thổ này hoặc đầu hàng hoặc rời khỏi đó, nếu không sẽ bị coi như những kẻ xâm lược.

Ông này nhấn mạnh: Các đơn vị vũ trang hợp pháp duy nhất trên lãnh thổ Crimea là các lực lượng vũ trang của Nga”. Nếu Moscow đồng ý chấp nhận cho Crimea sát nhập vào Liên bang Nga, thì ngày 16-3 tới đây người dân Crimea sẽ có quyết định cuối cùng khi bỏ phiếu trưng cầu dân ý với câu hỏi: Công dân Crimea có muốn sáp nhập vào Nga hay vẫn là một bộ phận của Ukraine?

Tuy nhiên, báo chí Nga trích dẫn bình luận của các nhà phân tích chính trị nước này cho rằng Nga sẽ không vội vã “kết nạp” Crimea vào thành phần liên bang.
Theo họ, Crimea không phải kết thúc cuộc đấu ở Ukraine mà chỉ là sự khởi đầu một giai đoạn mới. Về bản chất, quyết định của nghị viện Crimea về việc gia nhập vào nước Nga và ấn định thời gian tiến hành cuộc trưng cầu ý dân là một diễn biến khác của sự việc.
Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir từng tuyên bố chính quyền Nga không xem xét khả năng sáp nhập Cộng hòa Tự trị Crimea vào thành phần Liên bang Nga.
Theo Thanh Niên, tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6.3 nhất trí cho rằng việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine đã đe dọa hòa bình thế giới.
“Hai lãnh đạo nhất trí rằng hành động của Nga là một mối đe dọa đến hòa bình, an ninh thế giới và nhấn mạnh tầm quan trọng việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Reuters dẫn thông cáo Nhà Trắng về cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Abe ngày 6.3.
“Họ cam kết phối hợp với các nước G7 để khẳng định rằng Nga phải tuân thủ luật pháp quốc tế và những cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, cũng theo thông cáo của Nhà Trắng.

Đan Trường (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang