Tin vào công dụng của sừng tê giác chữa được 'bách bệnh' có ngày gặp họa

author 13:35 16/04/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay khá nhiều người tin tưởng vào công dụng tuyệt vời của sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh nên đua nhau mua dù đắt đỏ. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, nên cân nhắc kỹ vì chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định.

"Gặp họa" vì tin vào công dụng của sừng tê giác

Theo thông tin từ Bệnh viện K Trung ương, ai đã bị bệnh ung thư đều có tâm lý hoảng hốt, lo lắng, có bệnh thì vái tứ phương nên tất cả những gì từ cúng bái, thuốc đông, thuốc tây đều nghe theo. Từ uống nước lã, nhịn ăn, uống lá đu đủ, mật gấu, nhựa đu đủ, cóc đến đủ các loại nấm linh chi, nấm lim xanh... và trong khoảng vài năm trở lại đây rộ lên sừng tê giác.

Thậm chí hiện nay, trên các website không đảm bảo độ xác thực, ngày càng có thêm những tác dụng chữa bệnh mới không ngờ từ sừng tê giác như chữa đái tháo đường, đột quỵ, bệnh sởi, co giật v.v... Tuy nhiên, vẫn có không ít người cả tin, dẫn đến nhiều trường hợp hao tốn tiền của dẫn đến chuyện tiền mất mà tật vẫn mang…

Không nên quá tin tưởng vào sừng tê giác chữa bách bệnh. Ảnh minh họa 

Trước đó một nữ bệnh nhân tại Hà Nội, đã phải nhập viện vì tự ý sử dụng sừng tê giác theo lời truyền miệng. Chị bị nổi mụn ở miệng đã lâu không khỏi, nghe sừng tê giác có thể chữa mọi ung nhọt, liền chi một số tiền lớn mua bột sừng tê giác tự chữa tại nhà. Sau khi sử dụng, chị bị sốt, mụn mọc lan ra toàn thân, có thêm các mẩm ban đỏ, buộc phải đến bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Trường hợp tương tự trước đó, theo Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), bệnh viện cũng từng cứu kịp thời bệnh nhi N.K.A.D (22 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị ngộ độc do gia đình cho uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa sốt co giật.

Theo BV Nhi đồng 2, sau khi uống bột mài sừng tê giác bệnh nhi D. nhập cấp cứu BV Nhi đồng 2, sau đó chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tím do tim, phổi, nhưng nghi ngờ bé bị ngộ độc.

Bệnh nhi nhanh chóng được làm xét nghiệm máu, kết quả cho thấy nồng độ Methemoglobin rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0-3%).

Khai thác nhanh từ gia đình thì được biết sáng cùng ngày, gia đình có cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác, do một người bạn cho để chữa sốt co giật cho bé. Sau đó, vì thấy bé bị sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội vàng đưa con đi cấp cứu. Các bác sĩ nhận định bé đã bị tình trạng Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác.

Tiêm thuốc giảm cân coi chừng mất mạng(VietQ.vn) - Hiện nay khá nhiều người lựa chọn phương pháp giảm béo bằng cách tiêm thuốc giảm cân nhưng theo các chuyên gia đầu ngành, cần cân nhắc kỹ vì rất dễ gây rủi ro cho sức khỏe.

Chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học nào cho thấy sừng tê giác trị được 'bách bệnh'

Liên quan tới sừng tê giác, các bác sĩ cho biết, sừng tê giác chỉ như móng tay người, nó là chất sừng thông thường chứ không phải là thần dược như mọi người vẫn nghĩ. Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu cho rằng sừng tê giác do chất sừng karatin tạo ra, một chất sừng có ở tóc và móng tay của người. Vì thế, sừng tê giác không phải là thuốc tiên.

Đặc biệt, cũng theo các nhà nghiên cứu khẳng định, có 6 trên tổng số 7 nghiên cứu về tác dụng của sừng tê giác giảm sốt được thử nghiệm trên động vật đã được y khoa hiện đại ghi nhận. Một thử nghiệm không cho kết quả. Trong 6 thử nghiệm trên, chất thay thế sừng tê giác đều cho kết quả tốt tương tự, thậm chí 2 trong số 3 thử nghiệm cho thấy kết quả thuốc chống viêm không steroid cho kết quả tốt hơn so với sừng tê giác. Nghiên cứu thực hiện trên thỏ còn cho thấy, đường uống không đạt hiệu quả hạ sốt.

Cũng theo một nghiên cứu, để kiểm chứng các tác dụng chữa bệnh khác từ sừng tê giác như: làm giảm đau, kháng khuẩn, an thần, chống xuất huyết, chống viêm cũng đã được tiến hành. Kết quả cho thấy 4 trên 5 bệnh trên đều có thể dùng dược liệu thay thế. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong 4 trên 5 bệnh trên, dùng sừng tê giác không mang đến hiệu quả tốt hơn thuốc tây y.

Lý giải về tin đồn sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư, các bác sĩ tại Bệnh viện K Trung ương cho biết, không có bất cứ một tài liệu y học nào ghi chép về tác dụng này. Trong dược liệu cổ xưa của người Trung Quốc có ghi: sừng tê giác trị ung thư, nhưng từ “ung thư” trong sách cổ thời ấy có nghĩa là: mụn nhọt, hoàn toàn không liên hệ tới căn bệnh ung thư (cancer) mà y học phương Tây cũng đang phải bó tay hiện nay. Việc nhầm lẫn khi đọc văn thư cổ có thể là nguồn gốc của những tin đồn thất thiệt, gây ra ảo tưởng và việc hao tiền tốn của cho những bệnh nhân thiếu hiểu biết.

Riêng về tác dụng giúp cơ thể dẻo dai, cường dương, kéo dài tuổi thọ, đến nay chưa có bất kì nghiên cứu khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể làm thay đổi điều này. Tổ chức TRAFFIC cùng phối hợp với các chuyên gia y dược học cổ truyền Việt Nam và thế giới đã dành nhiều năm tra cứu mọi tư liệu sách y dược uy tín liên quan và nhận thấy, tác dụng kích dục cũng hoàn toàn không được ghi chép trong mọi sách dược liệu xưa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như Việt Nam. 

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang