Tình hình biển Đông 29/6: Lời tuyên bố bất ngờ của Tập Cận Bình

author 07:25 29/06/2014

Tình hình biển Đông 29/6 ghi nhận phát biểu bất ngờ của ông Tập Cận Bình, rằng Trung Quốc bị bắt nạt?

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo tin tức của báo Tuổi Trẻ, trên Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng những yếu kém của Trung Quốc trong quá khứ liên quan đến vấn đề phòng thủ biên giới đã khiến nước này bị các nước khác bắt nạt.

"Những kẻ hiếu chiến nước ngoài đã hàng trăm lần phá vỡ tuyến phòng thủ trên biển và trên đất liền của Trung Quốc, đẩy Trung Quốc xuống vực thẳm tai ương"- Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập nói.

Tình hình biển Đông 29/6: Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc bị bắt nạt

Tình hình biển Đông 29/6: Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc bị bắt nạt

Ông Tập Cận Bình còn kêu gọi các lực lượng quân đội đồn trú ở biên giới tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường biên và hành động để bảo vệ chủ quyền trên biển của nước này trong khuôn khổ kế hoạch an ninh quốc gia Trung Quốc.

Ngay sau đó, hãng tin AFP bình luận đây là những phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa mới nhất do lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đưa ra, trong đó hối thúc quân đội nước này có thái độ cứng rắn hơn.

Trong cuộc họp báo chiều 28/6 tại Hà Nội, Cục Kiểm ngư cho biết lực lượng này đã phát hiện một máy bay dạng cánh bằng, mang số hiệu NAVY 435  bay nhiều vòng theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, trên khu vực tàu Việt Nam đang hoạt động, ở độ cao 800-1.000m, từ khoảng 5 giờ 20 phút đến 9 giờ mới rời khỏi khu vực theo hướng Đông Nam.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn các tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981), gồm 110-114 tàu các loại, trong đó có 42-43 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 15-17 tàu kéo, 34 tàu cá và 6 tàu quân sự.

Cung cấp thông tin diễn biến tại hiện trường thực địa, đại diện cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, trong ngày, các tàu Kiểm ngư của ta cơ động tiếp cận giàn khoan, cách giàn khoan từ 10-11 hải lý, để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật; kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đặc biệt, trên các hướng tàu Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan có từ 7-10 tàu Trung Quốc dàn hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ, áp sát để ngăn cản các tàu của ta tiến vào gần giàn khoan. Tuy nhiên, các tàu Kiểm ngư của ta đã cơ động vòng tránh linh hoạt, kiên trì bám trụ và bảo đảm an toàn để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.

Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cũng cho biết, các tàu cá của ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở phía Tây-Tây Nam, cách giàn khoan 42-44 hải lý. Tại khu vực tàu cá của ta đánh bắt có khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 của Trung Quốc đã tổ chức ngăn cản không có các tàu cá của ta tiếp cận vào giàn khoan để khai thác thủy sản.

Dù gặp nhiều cản trở từ phía Trung Quốc song dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của Việt Nam vẫn bám sát ngư trường để khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn.

 

 

 

Theo TTXVN, Tuổi Trẻ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang