Trung Quốc ‘ôm mộng’ độc chiếm Biển Đông với cảng cá 'khủng' dài hơn 1.000m

author 09:24 03/08/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc đã khai trương một cảng cá ‘khủng’ gần Trường Sa dành cho các tàu cá nước này đánh bắt ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Trung Quốc đã khai trương cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hải Nam và cũng là cảng gần Trường Sa nhất dành cho các tàu cá nước này đánh bắt trái phép ở Biển Đông. Cảng cá vừa khai trương hôm 1/8 mang tên Cảng cá trung tâm vịnh Yazhou, nằm cách thành phố Tam Á chừng 50 km, đã bắt đầu hoạt động một cách hạn chế từ năm 2015.

Trung Quốc khai trương cảng cá ‘khủng’ phục vụ tàu đánh bắt trái phép trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng

Trung Quốc khai trương cảng cá ‘khủng’ phục vụ tàu đánh bắt trái phép trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Ảnh CRI

Đến nay, cảng này đã được mở rộng đến chiều dài 1.063 m, có 11 bến neo đậu và có sức chứa 800 tàu cá một lúc. Báo mạng The New Lens dẫn nguồn từ chính quyền địa phương nói rằng họ dự kiến mở rộng sức chứa của cảng cá Yazhou lên đến 2.000 tàu.

Ngoài việc làm bến neo đậu cho các tàu cá đánh bắt trái phép quanh khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cảng Yazhou cũng là nơi tiếp nhận các tàu cá đánh bắt ở những nơi khác của Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Cảng này cách Hoàng Sa chừng 260 km.

Trong ngày khai trương, hơn 300 tàu cá đã rời cảng Yazhou tràn ra Biển Đông trùng với thời điểm Trung Quốc bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà nước này đơn phương và trắng trợn áp đặt trước đó, dẫu không có quyền pháp lý gì ở Biển Đông như Tòa trọng tài đã xác định rõ trong phán quyết hôm 12.7 vừa qua.

The New Lens dẫn lời giới chức phụ trách ngư nghiệp ở địa phương, ông Zhang Huazhong ngang ngược tuyên bố rằng cảng cá “đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay, theo chuyên gia quốc phòng Mỹ Andrew S. Erickson, thế giới đã không tập trung đủ vào lực lượng mà Trung Quốc gọi là dân quân biển – một đội quân hùng hậu không chính quy nhưng đóng vai trò quan trọng cho hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc mở rộng đáng kể lực lượng này là một trong những công cụ Trung Quốc sử dụng cho các hoạt động phi pháp ở Biển Đông “mà không gánh rủi ro đối đầu quân sự”, theo lời ông Erickson.

Tàu cá Trung Quốc thường xuyên có hành vi đánh bắt trái phép trên Biển Đông

Tàu cá Trung Quốc thường xuyên có hành vi đánh bắt trái phép trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Ông Erickson nhận định lực lượng “dân quân biển” của Hải Nam, trong đó chắc chắn cảng Yazhou sẽ là căn cứ cho đội quân này, hẳn sẽ còn hoạt động mạnh hơn nhưng vẫn chưa được các nhà quan sát quốc tế đánh giá đúng tầm nguy hiểm. Điều nguy hiểm rõ ràng nhất, theo ông Erickson là lực lượng này có thể làm suy yếu và phá rối các cuộc tuần tra tự do hàng hải, ngay cả của Hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, hôm 2/8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong đó bày tỏ “lo ngại sâu sắc" đến sự lấn át của Trung Quốc trong quan hệ với các nước khác. Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản được công bố trong bối cảnh căng thẳng sau khi Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa Thường trực PCA về vụ kiện Biển Đông.

Theo Reuters, Nhật Bản từng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi Bắc Kinh đáp lại bằng việc cảnh báo Tokyo không can thiệp vào vấn đề này. Trong Sách Trắng của Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Shinzo Abe thông qua, Nhật Bản lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc nhất quyết coi thường luật pháp quốc tế có thể dẫn đến “những hậu quả ngoài ý muốn”.

“Trung Quốc luôn muốn theo đuổi yêu cầu đơn phương của họ mà không để ý đến các thỏa thuận chung”, báo cáo viết. Được biết Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông, nơi Brunei, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cùng khẳng định chủ quyền.

Nhật Bản không có chủ quyền ở vùng biển này. Tuy nhiên, Tokyo quan ngại rằng các căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực thông qua hoạt động thương mại trị giá 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm, phần lớn trong số đó là giao dịch với các cảng của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc không chấp nhận phán quyết vụ kiện Biển Đông

Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc không chấp nhận phán quyết vụ kiện Biển Đông. Ảnh Kyodo News

Thay vì đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng cách đưa tàu chiến qua các đảo nhân tạo trên biển, Nhật Bản đang hiện đang cung cấp nhiều thiết bị và đào tạo cho các nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines và Việt Nam, những nước phản đối tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trước đó, ngoại trưởng ba nước Nhật, Mỹ, Australia đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong xét xử vụ kiện của Philippines nhằm vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

'Chốt' mức tăng lương tối thiểu 2017 chỉ khoảng 213.000 đồng(VietQ.vn) - Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng chỉ 7,3%, tức 213.000 đồng.

Lan Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang