Tình hình Biển Đông ‘đốt nóng’ hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN

author 18:08 09/05/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hiện nay là một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc họp Quan chức cấp cao (SOM) thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, ngày 8/5, cuộc họp Quan chức cấp cao (SOM) thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra tại cố đô Luang Prabang của Lào, với sự tham dự của các đại diện từ 27 nước thành viên, gồm 10 nước ASEAN và nhiều đối tác lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU).

Tình hình Biển Đông hiện nay là một trong những điểm nóng được các nước trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm

Tình hình Biển Đông hiện nay là một trong những điểm nóng được các nước trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm. Ảnh EPA

TTXVN dẫn lời Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho hay trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, đại biểu của nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.

Các nước còn kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vấn đề Biển Đông cũng đã được bàn luận trong các hội nghị SOM ASEAN diễn ra ở Luang Prabang ngày 6 – 7/5.

Dự kiến, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục được đề cập trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào vào ngày 24/5. Theo bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị mà Đài NHK vừa có được, các bộ trưởng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do lưu thông ở Biển Đông.

Ngoài ra, rất có khả năng tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) diễn ra ở thành phố Shima, miền Nam Nhật Bản, vào ngày 26 – 27/5.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh David Cameron ở London hồi tuần rồi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố rằng lãnh đạo các nhóm G7 nên dùng hội nghị thượng đỉnh của mình trong tháng này để lên tiếng về tình trạng Trung Quốc ngày càng mạnh bạo trong những vùng biển tranh chấp ở châu Á, theo Bloomberg.

Chiến hạm Trung Quốc tập trận phi pháp trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam vào ngày 5/5

Chiến hạm Trung Quốc tập trận phi pháp trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam vào ngày 5/5. Ảnh CNS

Ông Abe còn nhấn mạnh hội nghị G7 sắp tới “phải là nơi chúng ta đưa ra thông điệp rõ ràng” đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi: “Chúng ta không được chấp nhận tình trạng dọa dẫm để cố thay đổi hiện trạng mà phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp”, theo Bloomberg.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí, Cựu Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert ngày 8/5 đã hối thúc quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản cũng như với các nước Đông Nam Á cân nhắc tiến hành các hoạt động chung tại Biển Đông, nơi các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Cụ thể khi trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo của Nhật Bản, Đô đốc Greenert đã trích dẫn hiệp ước an ninh song phương giữa Mỹ và Nhật Bản năm 1960. Ông nói: “Chúng ta là những đồng minh rất thân cận. Và đồng minh có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào họ lựa chọn”. Một minh chứng dễ thấy là việc quân đội Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông thời gian qua.

Với phát biểu trên, có thể nhận thấy rõ việc Đô đốc Greenert đang đề xuất hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vượt quá khuôn khổ các cuộc tập trận. Sau những thay đổi về dự luật an ninh hồi năm ngoái, lực lượng phòng vệ Nhật Bản giờ đây có thể thực hiện quyền phòng thủ chung, hoặc hỗ trợ đồng minh bị tấn công, kể cả trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công.

Đô đốc Greenert cho biết thêm: “Với tôi, đó không phải là một ý tưởng tốt khi nói rằng chúng ta không hoạt động ở Biển Đông vì ‘Trung Quốc không thích điều đó’”. Mặt khác, ông Greenert cũng cho rằng Mỹ và Nhật Bản nên tránh “chọc tức” Trung Quốc khi cho tàu chiến của hai nước tiến vào các khu vực ở Biển Đông mà không thông báo về ý định cho Bắc Kinh. Ông nói: “Có thể hoạt động chung đầu tiên giữa hai nước sẽ về hỗ trợ nhân đạo hay khắc phục hậu quả thiên tai”.

Đô đốc Jonathan Greenert hối thúc Nhật Bản và Đông Nam Á hợp sức ngăn Trung Quốc bành trường ở Biển Đông

Đô đốc Jonathan Greenert hối thúc Nhật Bản và Đông Nam Á hợp sức ngăn Trung Quốc bành trường ở Biển Đông. Ảnh AFP

Thời gian qua, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì xây dựng đường băng và lắp đặt các hệ thống vũ khí trên các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bỏ qua những khiếu nại của Philippines hay Việt Nam, cũng như điều tàu chiến tới các vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Đô đốc Greenert nhận xét: “Trung Quốc đang hành xử theo quy định, luật lệ và sứ mệnh của riêng họ và điều đó không phù hợp với phần còn lại của thế giới”.

Cựu Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cũng hối thúc nước này tiếp tục các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, theo đó các tàu chiến nhận nhiệm vụ sẽ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ ở Biển Đông. Đô đốc Greenert cho rằng các quốc gia khác có thể tham gia hoạt động tuần tra do Mỹ đứng đầu nếu bảo đảm được tính minh bạch. Các quốc gia tham gia có thể là các nước thành viên ASEAN, hoặc những tổ chức mà Trung Quốc đang là thành viên.

>> Kinh hoàng 2 máy bay bị 'nướng chả' giữa không trung

Phan Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang