Chuyên gia Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh xung đột ở Biển Đông

author 18:37 26/03/2016

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của GS.TS Dmitri Mosyakov, phó Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về tình hình Biển Đông hiện nay.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, GS.TS Dmitri Mosyakov, phó Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã có buổi trao đổi với Đài Tiếng nói Việt Nam bên lề hội thảo “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay” do ba đơn vị có uy tín về Luật ở Nga tổ chức vào ngày 21/3. GS.TS Dmitri Mosyakov nhận định: "Quân sự hóa Biển Đông làm gia tăng mối đe dọa chiến tranh xung đột, đó là một triển vọng xấu cho tất cả các nước trong khu vực".

Học giả Dmitri Mosyakov đặc biệt quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay

Học giả Dmitri Mosyakov đặc biệt quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh russiancouncil.ru

Cụ thể, trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, GS.TS Dmitri Mosyakov cho rằng, tình hình Biển Đông đang tiến triển tiêu cực. Có nghĩa là thay bằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử mới, xây dựng những quy tắc mới của con đường hợp tác hoặc thỏa hiệp trên tinh thần những thỏa thuận đạt được thì Trung Quốc trên thực tế đã chọn chính sách xây dựng những tàu sân bay không chìm, chính sách thiết lập những căn cứ quân sự mà dựa vào đó họ có thể kiểm soát được đường ranh giới mà họ tự vạch ra trên Biển Đông.

Trong đó có việc đưa ra cái gọi là đường chữ U (đường lưỡi bò) chiếm tới hơn 2 triệu km2 trên biển, chiếm tới 80% Biển Đông. "Điều đáng quan tâm hơn nhất, đó là mọi trường hợp khi xung đột lên đến đỉnh điểm như xung đột tại Biển Đông thì thỏa thuận giữa các bên sẽ trở nên rất quan trọng, ví dụ như thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được năm 2011 là các bên không được có hành động làm thay đổi nguyên trạng.

Đây là một quyết định rất quan trọng, ít nhất đó là một cố gắng đầu tiên theo hướng hòa bình, đóng băng xung đột, để các nhà ngoại giao, luật gia có cơ hội tìm ra giải pháp. Còn nếu một bên đơn phương tiến hành tạo nên những lãnh thổ mới trên biển, trong đó xuất hiện đe dọa chính, đó là từ những vùng đá hoặc là những đảo không đáng kể, khi thủy triều lên thì biến mất… bỗng nhiên biến thành những đảo lớn.

Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu cộng đồng thế giới, các nước láng giềng phải công nhận vị thế của những đảo đá này, hoặc những vùng lãnh thổ trước kia còn không từng có biểu hiện là một đảo, không từng là đảo thuộc Trung Quốc. Rồi từ cơ sở đó, Trung Quốc đòi công nhận vùng đặc quyền 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý...

Ở đây xuất hiện một nguyên nhân xung đột mới, thậm chí đó không phải là xung đột về chủ quyền đảo mà một xung đột cụ thể gắn với vùng lãnh hải nhất định", GS.TS Dmitri Mosyakov chỉ rõ. Theo GS.TS Dmitri Mosyakov, chính hành động của Trung Quốc đang tạo nên những mâu thuẫn mới trên Biển Đông. Mâu thuẫn nằm ở chỗ là Mỹ và các nước khác vẫn đi vào vùng lãnh hải này vì họ không công nhận đó là của Trung Quốc, mà chẳng qua là Trung Quốc cố tình biến thành đảo.

Trước những diễn biễn của tình hình Biển Đông hiện nay, học giả Dmitri Mosyakov cảnh báo xung đột đã mang tính chất mới

Trước những diễn biễn của tình hình Biển Đông hiện nay, học giả Dmitri Mosyakov cảnh báo xung đột đã mang tính chất mới. Ảnh VOV

Bởi thế xung đột đã mang tính chất mới, mối đe dọa mới hiện thực hơn, khiến tình hình Biển Đông hiện nay diễn biến xấu hơn nhiều so với trước và đang ngày càng phức tạp.

"Tôi xin nhắc lại, hành động của Trung Quốc là những mắt xích nằm cùng trong một chuỗi các hành động khác và Trung Quốc đã hành động một cách đơn phương. Nên việc Trung Quốc tuyên bố về vùng 12 hải lý, 200 hải lý và các tàu thuyền, máy bay không được qua vùng trời, vùng biển này là rất phi lý và không đúng với chuẩn mực luật pháp quốc tế", GS.TS Dmitri Mosyakov khẳng định.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Pháp Luật TPHCM, báo Jakarta Post đưa tin Indonesia đã kêu gọi các bên liên quan duy trì hòa bình và an ninh tại Biển Đông với nỗ lực ngăn chặn vấn đề tranh chấp bùng phát thành xung đột.

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Hải Nam (Trung Quốc) hôm 23/3, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nêu rõ: “Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên chúng tôi ý thức những rủi ro thực sự của các vấn đề, trong đó tranh chấp lãnh thổ có thể biến thành một cuộc xung đột mở”. Ông nhấn mạnh nếu để tranh chấp lãnh thổ tiếp diễn, xung đột do tranh chấp tạo ra sẽ gây tác động kinh tế nặng nề và các bên trong khu vực đều sẽ gánh chịu thiệt hại.

Ông nói Indonesia tin tưởng mạnh mẽ rằng tôn trọng lẫn nhau và kiềm chế sẽ giữ vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Ông kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao và chính trị, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế như đã quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trong khi đó, Indonesia cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang tạo ra ‘một trận bóng mới’ ở Biển Đông

Trong khi đó, Indonesia cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang tạo ra ‘một trận bóng mới’ ở Biển Đông. Ảnh EPA

Phát biểu của Phó Tổng thống Jusuf Kalla được đưa ra giữa lúc Indonesia và Trung Quốc đang tranh cãi liên quan đến các tàu chấp pháp của hai nước đối đầu ở quần đảo Natuna.

Báo The Star ngày 24/3 tiết lộ vài giờ sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp để giải cứu tàu cá Trung Quốc bị tàu tuần tra của Indonesia kéo đi vì đánh bắt trái phép vào sáng 20/3, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã gọi điện thoại cho người đồng cấp Indonesia cầu xin Jakarta không công bố vụ này với giới truyền thông với lý do “dù sao chúng ta vẫn là bạn bè”.

Tuy nhiên, phía Indonesia từ chối thẳng thừng, đồng thời tổ chức họp báo quốc tế phản đối hành động thô bạo của tàu hải cảnh Trung Quốc. Báo South China Morning Post đưa tin Indonesia đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc về việc phóng thích tám ngư dân tàu cá Trung Quốc. Ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải phụ trách chủ quyền trên biển của Indonesia, nhấn mạnh Trung Quốc đang tạo ra “một trận bóng mới” ở Biển Đông mà các nước Đông Nam Á cần theo dõi sát sao.

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang