Tình hình Biển Đông hôm nay 24/7: Trung Quốc rút giàn khoan là tin cực tốt với Ấn Độ

author 06:52 24/07/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông sẽ là một trong những nội dung nóng nhất trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU. Các chuyên gia nhận định, tình hình Biển Đông luôn được dư luận thế giới và chính phủ các nước theo dõi sát sao.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, tại trụ sở Hội đồng châu Âu ở Bruxelles, Bỉ vừa diễn ra Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 20. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự phiên họp toàn thể cũng như có những cuộc gặp song phương quan trọng. 

Được biết, thúc đẩy hợp tác giữa hai mô hình hợp tác khu vực với những kế hoạch hành động mạnh mẽ và dài hạn trong các lĩnh vực đa dạng là mong muốn và nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- EU lần thứ 20. Đặc biệt các vấn đề tranh chấp trên biển Đông (EU có tới 60% giao dịch thương mại đi qua biển Đông), thảm họa của máy bay Malaysia MH17 là những nội dung nóng sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN và EU thảo luận. 

 

Tình hình Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị cấp cao này

Tình hình Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần này. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, ASEAN cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển của EU trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi ASEAN đang đặt mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung. Việt Nam và các nước ASEAN cũng tỏ ý muốn EU sớm cử đại diện thường trực tại ASEAN để giúp làm cầu nối thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ giữa hai tổ chức.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, bà Catherine Aston.

Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi Biển Đông Việt Nam là tin cực tốt với Ấn Độ

Theo những thông tin gần đây trên báo chí, việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là những tin tốt đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ấn Độ bởi nước này có lợi ích kinh tế to lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên làm thế nào để Ấn Độ duy trì được lợi ích và sự phát triển trong khu vực một khi Bắc Kinh lại tái khẳng định yêu sách sai trái của họ một lần nữa mới là vấn đề cần phải tính. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, Trung Quốc đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội và kiên quyết từ chính phủ cũng như lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong 2 tháng qua kể từ khi tình hình Biển Đông căng thẳng hơn bao giờ hết sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981.

 

Tình hình Biển Đông nhận được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới

Tình hình Biển Đông nhận được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa

Rõ ràng là, Bắc Kinh không muốn Việt Nam áp dụng thái độ này để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn ngăn chặn Mỹ và các cường quốc khác tham dự vào tình hình Biển Đông. Như vậy, có thể nói việc Trung Quốc rút giàn khoan là một thắng lợi ngoại giao của Việt Nam, và Bắc Kinh đã phải đối mặt với áp lực từ dư luận khu vực và quốc tế về cái gọi là trỗi dậy hòa bình của họ.

Do đó Trung Quốc muốn thể hiện rằng căng thẳng Biển Đông là "tranh chấp song phương" và không làm hỏng hòa bình, an ninh khu vực. Họ muốn giữ thể diện trên trường quốc tế, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ 6 tại Brazil tuần trước và đêm trước cuộc họp ARF tại Myanmar vào tháng tới.

Các học giả cũng nhận xét, ASEAN nên thống nhất giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Một cơ chế đảm bảo an ninh tập thể trong khu vực là cần thiết. Các nước cũng cần phải cẩn thận trước những gì Trung Quốc đang nói và làm bởi giàn khoan và hạm đội tàu Trung Quốc hoàn toàn có thể quay trở lại Biển Đông.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang