Tình hình Biển Đông hôm nay: Mỹ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc

author 12:05 10/07/2014

(VietQ.vn) - Tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng khi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động nhằm tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông và phía Mỹ đang lên kế hoạch phát triển các chiến thuật mới nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông căng thẳng, Mỹ lên kế hoạch kiềm chế Trung Quốc 

Mỹ đang lên kế hoạch phát triển các chiến thuật mới nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông sau khi nước này tăng cường các hoạt động mà Washington gọi là khiêu khích nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông, đe dọa thay đổi nguyên trạng trên biển Đông.

tin tức từ tờ Thanh niên, thử thách lớn nhất của quân đội Mỹ là phải tìm ra chiến thuật có thể kiềm chế những động thái quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không phải đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự. 

Tình hình Biển Đông hôm nay: Mỹ phát triển chiến thuật mới kiềm chế Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Kerry và ông Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại Bắc Kinh

“Nỗ lực của chúng tôi trong việc kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông rõ ràng chưa hiệu quả”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên tiết lộ với Financial Times. Tình hình căng thẳng trên biển Đông phủ bóng Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung, bắt đầu vào ngày 9.7 tại thủ đô Bắc Kinh. Phái đoàn Mỹ, dẫn đầu là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng tài chính Jack Lew phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi vừa phải tăng cường quan hệ với Bắc Kinh lại đồng thời phải thể hiện quan điểm của Mỹ về tham vọng bá quyền trên biển  và những vụ tin tặc của Trung Quốc . 

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về tình hình Biển Đông và Hoa Đông

Theo tin tức từ Tin nhanh Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày hôm qua 9/7 đã cảnh báo việc không chấp nhận việc thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh hải với một số nước láng giềng; đồng thời thúc giục Trung Quốc tuân theo các quy tắc chung."Việc cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách tạo nên hiện trạng mới, đánh đổi bằng ổn định và hòa bình khu vực là không chấp nhận được", AFP dẫn lời ông Kerry khi trao đổi với ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, đề cập tới các tranh chấp trên biển giữa Bắc Kinh với một số nước ASEAN và Nhật Bản.

Tại Biển Đông, Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ khu vực này, xâm lấn vào các vùng mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Từ tháng 5, Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng lãnh hải và khiến căng thẳng gia tăng khi đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, đâm vào các tàu của Việt Nam, phun vòi rồng và bắt bớ ngư dân.

Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát ở biển Hoa Đông. Hai bên thường xuyên đưa tàu và máy bay tuần tra đến khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Kerry tiếp tục thúc giục Trung Quốc sử dụng các cơ chế quốc tế để giải quyết các tranh chấp.

Trước đó, Trang tin InterAksyon của Philippines ngày 8/7 cho biết, Trung Quốc đã điều 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo đến Biển Đông. Bên cạnh đó, nước này triển khai thêm tàu ngầm đến đảo Hải Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam. Washington Free Beacon, một tờ báo trực tuyến của Mỹ đã lưu ý rằng, việc 3 tàu ngầm nói trên được đưa đến neo đậu tại đảo Hải Nam chỉ là bước khởi đầu. Những tàu ngầm này sẽ thường xuyên tiến hành hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương.

Các quan chức Mỹ đã lên tiếng đề xuất chiến thuật triển khai thêm các tàu hải cảnh đến biển Đông để đối phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc và sử dụng các tàu hộ tống Mỹ hộ tống ngư dân Philippines và các quốc gia khác đến những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông.

Vân Anh (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang