Tình hình Biển Đông hôm nay: Nga tin Trung Quốc chỉ “tạm thời” rút giàn khoan

author 17:59 18/07/2014

(VietQ.vn) - Việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 được chuyên gia Nga đánh giá chỉ là hành động tạm thời phục vụ cho các bước tiếp theo trong kế hoạch "độc chiếm Biển Đông" của nước này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc chỉ tạm thời rút giàn khoan, tình hình Biển Đông sẽ còn căng thẳng?

Theo những thông tin gần đây trên báo chí, các chuyên gia Nga cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 không đồng nghĩa với việc nước này sẽ từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. 

Giải thích về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981, chuyên gia Dmitry Mosyakov cho hay: “Một vai trò rất lớn ở đây là quan điểm của Việt Nam. Một mặt Việt Nam thể hiện quan điểm cứng rắn, mặt khác vẫn tỏ ra kiềm chế. Nói chung, đóng vai trò quyết định ở đây còn có sự thay đổi tổng thể tình hình địa chính trị - những triển vọng mới mở ra cho sự hợp tác trong khu vực và xung đột quả thật nằm ngoài các lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc cần duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam, xây dựng hình ảnh mới của đất nước ở khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện của giàn khoan đem lại những tác động quốc tế tiêu cực cho Trung Quốc. Họ dường như đã cân nhắc được-mất để đi đến kết luận nên rút lui giàn khoan này”.

Chuyên gia Nga khẳng định Trung Quốc rút giàn khoan là hành động tạm thời

Chuyên gia Nga khẳng định việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi Biển Đông Việt Nam chỉ là nước đi tạm thời. Ảnh minh họa

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Alexander Larin, cũng đánh giá cao vai trò của Mỹ trong sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan: “Ở đây Mỹ tỏ ra cương quyết. Hoàn toàn có khả năng đã xuất hiện một số thay đổi chiến thuật và lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng khó đưa ra dự đoán chắc chắn nào. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ quan điểm của mình trên Biển Đông.”

Bên cạnh đó, các chuyên gia không loại trừ rằng, Bắc Kinh đã quyết định tạm dừng để sau đó tiếp tục lại các hoạt động nghiên cứu kho tàng dưới nước trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí, Trung Quốc có thể còn tuyên bố Khu vực  nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống như họ đã làm trên vùng trời quần đảo Điếu Ngư, Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đe dọa các công ty khai thác dầu trên Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho thấy, không ít tập đoàn thăm dò, khai thác dầu khí quốc tế trên Biển Đông đã bị Trung Quốc gây sức ép mỗi khi họ tham gia các dự án nằm trên vùng biển của Việt Nam. Tuy vậy, lượng công ty quốc tế tìm đến hợp tác với Việt Nam vẫn ngày một tăng.

Theo đánh giá của Talisman Energy Inc, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất Canada, trữ lượng dầu tại Biển Đông đạt gần 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ m3 khí tự nhiên biến nơi đây thành khu vực khoan thăm dò đẳng cấp thế giới. Do đó, hiện Talisman đang tăng tốc để thực hiện hai giếng khoan thăm dò trong năm nay. Dù vậy, có một vấn đề đó là, nếu tiếp tục dự án khoan thăm dò, Talisman có thể sẽ gặp khó khăn với Trung Quốc, nước tuyên bố một vài trong các lô thăm dò này thuộc sở hữu của họ. Cuối cùng ông Ferneyhough đã hài lòng với cam kết từ phía Việt Nam rằng, Talisman có quyền thăm dò tại các lô này.

 

Trung Quốc thường xuyên

Trung Quốc thường xuyên “đe dọa” các công ty khai thác dầu trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Dù vậy, vẫn có những công ty không hề e ngại. Năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52.000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, cho dù Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu một vài lô. Tháng 3 vừa qua, Exxon khẳng định có thể khoan thêm một giếng nữa trong năm nay, khi đánh giá về một dự án khí tự nhiên trị giá nhiều tỷ USD tại Việt Nam.

Murphy Oil Corp, vốn không có hoạt động nào tại Trung Quốc, cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò trên vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Người phát ngôn của công ty có trụ sở tại Arkansas, Mỹ này còn khẳng định đang tìm kiếm thêm cơ hội tại Việt Nam.

Chevron, một công ty của Mỹ khác từng bỏ dở một dự án năm 2006 trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi bị Trung Quốc dọa nạt nay đang theo đuổi một dự án khoan thăm dò tại Việt Nam trên một vùng biển khác. Dự án mà họ bỏ dở năm 2006 giờ đang được một công ty dầu mỏ của Ý là Eni ENI SpA ký thỏa thuận hợp tác khai thác – chia sẻ với Petro Việt Nam.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang