Tình hình Biển Đông hôm nay: Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc bàn về Biển Đông

author 15:08 08/07/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hôm nay càng thêm phức tạp trước động thái ban hành đạo luật an ninh trên biển mới của Trung Quốc. Trước tình hình này, căng thẳng Biển Đông sẽ được thảo luận trong chuyến làm việc tại Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ

Theo tin tức từ VOV, ngày hôm qua ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên đường tới Trung Quốc thảo luận về những vấn đề song phương cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Quan chức hai nước sẽ trao đổi quan điểm về những thành tựu cũng như những thách thức trong quan hệ song phương cũng như mối quan tâm chung đến các vấn đề khác liên quan đến tình hình Ukraine, Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các tranh chấp trên biển”.

 

Tình hình Biển Đông sẽ được thảo luận trong chuyến viếng thăm và làm việc tại Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ

Tình hình Biển Đông sẽ được Mỹ và Trung Quốc thảo luận trong chuyến công tác của ngoại trưởng Mỹ - Ảnh Reuters

Trước đó, Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại trước những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông. Nhiều nước có tranh chấp với Trung Quốc là những đồng minh thân cận của Mỹ. Mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp, nhưng Washington vẫn cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn và kêu gọi Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải tại những tuyến đường biển quan trọng. Đáp lại, Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Mỹ không can thiệp vào các cuộc tranh chấp và gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Tình hình Biển Đông và “luật an ninh trên biển” của Trung Quốc khiến Philippines quan ngại

Trang tin Inquirer.net dẫn lời ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết Philippines đang theo dõi sát sao và nghiên cứu ảnh hưởng từ bộ luật tăng cường an ninh quân sự trên biển mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1/8. Theo đạo luật mới này, Trung Quốc bổ sung lệnh nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại các “vùng biển cấm”. Đối với quy định về gián điệp ngoại quốc, đạo luật mới bổ sung thêm một số điều khoản siết chặt kiểm soát các cơ sở dân sự tọa lạc gần các khu vực phòng thủ ven biển, bao gồm quy định nghiêm cấm các chuyến bay thấp ngang qua các vùng cấm. Tuy nhiên hiện chưa rõ cụ thể luật mới sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào của Trung Quốc.

 

 

Những động thái mới của Trung Quốc làm dấy lên e ngại có thể thay đổi nguyên trạng Biển Đông

Các chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc áp dụng luật này trong phạm vi “đường lưỡi bò” (hiện đã trở thành đường 10 đoạn) - vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nuốt trọn gần hết Biển Đông, thì rất có nguy cơ dẫn đến xung đột. Khi đó Trung Quốc có thể điều động quân đội để thi hành luật, chuyên gia này cảnh báo. Thêm vào đó, giới phân tích dự báo chính sự mập mờ với việc đạo luật mới không nói rõ sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào càng càng đẩy các ngư dân của Việt Nam hay bất kỳ một nước thứ ba nào khác vào tình thế nguy hiểm khi đánh bắt trên Biển Đông.

Trong tình hình đó, các chuyên gia khuyến cáo tàu bè Việt Nam cần tránh hoạt động riêng lẻ để giảm thiểu những thiệt hại có thể phải gánh chịu từ các hành vi gây hấn từ phía Trung Quốc.

Báo Hong Kong vạch trần sự phi lý của bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông

Trong số ra ngày 6-7, báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã đăng bài viết của độc giả Alex Woo ở khu Kim Sá Chuỗi khẳng định Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua cơ chế trọng tài quốc tế. Trong bài, độc giả Alex Woo viết: “Thật khó hiểu khi Trung Quốc cứ tuyên bố rằng các vùng trên Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc nhưng lại không đưa ra được cơ sở của đòi hỏi chủ quyền này. Bắc Kinh chỉ nói rằng các đảo trên Biển Đông thuộc về Trung Quốc theo chứng cứ lịch sử”. Theo phân tích của tác giả này, tất cả các chứng cứ lịch sử này của Trung Quốc đều phi lý và không có thật.

 

Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên Biển Đông Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạt đặt trái phép trên Biển Đông Việt Nam - Ảnh minh họa

Tác giả nhấn mạnh, “Trung Quốc giờ là một cường quốc và cần phải hành xử theo cách hợp lý để nhận được sự tôn trọng của các nước, thay vì bị các nước sợ hãi và căm ghét. Nếu muốn là một cường quốc được tôn trọng, Trung Quốc cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua cơ chế trọng tài quốc tế”. Ông Woo cũng khẳng định, nếu Trung Quốc dùng vũ lực thì nước này sẽ trở thành một quốc gia bị cả thế giới căm ghét. Và người dân Trung Quốc ở trong và ngoài nước cũng sẽ trở thành đối tượng bị thù ghét.

Minh Thùy (T/h)

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang