Tình hình Biển Đông hôm nay: Toan tính thực sự của Trung Quốc khi dời giàn khoan

author 06:53 17/07/2014

(VietQ.vn) - Hành động Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam ẩn chứa nhiều toan tính của nước này và rõ ràng, Trung Quốc không hề từ bỏ giấc mộng "bá chủ Biển Đông".

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Vào lúc 7h sáng 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 cùng toàn bộ tàu hộ tống đã di chuyển khỏi vị trí cũ khoảng 37 hải lý, về phía đảo Hải Nam. Đến này, giàn khoan Hải Dương 981 đã ra khỏi thềm lục địa Việt Nam. Việc Trung Quốc rút giàn khoan một cách bất ngờ hiện đang được dư luận trong và ngoài nước theo dõi sát sao. Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã đưa ra những phân tích sâu sắc lý giải những toan tính của Trung Quốc khi chọn thời điểm này để dịch chuyển giàn khoan. 

Hai toan tính đằng sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Biển Đông Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của báo chí, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận định việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam có hai mục tiêu, gồm ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế và ngăn Việt Nam bắt tay với các nước khác. Ông Thayer nhấn mạnh, "Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ trở lại Biển Đông sau mùa bão. Câu hỏi chính là họ đặt ở đâu", và khẳng định "Trung Quốc đóng các giàn khoan dầu để tìm dầu khí và sẽ sử dụng nó để khai thác cho nền kinh tế nước này.”

Thêm vào đó, quyết định dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc phản ánh tính toán của Bắc Kinh trong việc hoàn thành các hoạt động của giàn khoan trước mùa bão và không buộc hoạt động của Hải Dương 981 với một cam kết vô hạn. Tuy nhiên giàn khoan này sẽ được tiếp tục sử dụng như một vũ khí của Trung Quốc để "tiếp tục cuộc tấn công về chính trị”.

 

Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi Biển Đông Việt Nam

Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981khỏi Biển Đông Việt Nam ẩn chứa những toan tính thâm sâu trong giấc mộng “bá chủ Biển Đông”. Ảnh minh họa

Cũng theo giáo sư, sau khi giàn khoan dời đi, một lúc nào đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ bắt đầu những thảo luận tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Điều này có thể đồng nghĩa với khả năng Việt Nam sẽ kiềm chế không kiện Trung Quốc nữa, và cũng sẽ kiềm chế trong hợp tác với Mỹ và Nhật Bản. Tựu chung, động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc sẽ giúp nước này biện hộ rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến hai nước và loại trừ sự tham gia của bất kỳ nước bên ngoài nào. Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng được lên kế hoạch để chặn trước những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đưa vấn đề căng thẳng ở Biển Đông ra Diễn đàn An ninh Khu vực ARF tháng tới tại Myanmar.

Về lâu về dài, ông Thayer cho rằng, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông và sẽ tiếp tục các hoạt động khai hoang như đang làm ở Trường Sa, và tăng cường áp lực với Philippines. Hiện Trung Quốc có thời gian cho đến nửa đầu năm 2016, khi Tòa án Trọng tài, nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines, dự kiến đưa ra phán quyết. Trung Quốc có mưu toan củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhiều hết mức có thể trước thời điểm đó.

Nhìn lại tình hình Biển Đông sau 75 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981

Theo thông tin mới nhất từ báo chí, trong 75 ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, đã có 27 tàu kiểm ngư bị đâm va hư hỏng, 15 kiểm ngư viên bị thương khi bị các tàu Trung Quốc tấn công. Chia sẻ về 75 ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép hiện vẫn còn lực lượng kiểm ngư theo dõi tuy nhiên chưa phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt. 

 

Việt Nam đề cao cảnh giác trước việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981

Việt Nam vẫn đề cao cảnh giác trước tình hình Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh minh họaThêm cạnh đó, thời tiết trên biển Đông đang ngày càng xấu do ảnh hưởng của bão số 2 (bão Thần Sấm hay bão Rammasun). Cụ thể, gió trên biển đã mạnh lên cấp 5 - 6 và có gió giật. Các tàu kiểm ngư bám trụ để hướng dẫn các tàu cá ngư dân rút về bờ theo từng tốp để tránh trú bão an toàn. Bên cạnh các tàu kiểm ngư bám trụ lại để theo dõi tình hình, một số tàu kiểm ngư sẽ đi vào bờ vừa tránh bão, sửa chữa và làm công tác chuẩn bị hậu cần. Dự kiến sau khi bão tan, các tàu kiểm ngư trở lại làm nhiệm vụ thực thi pháp luật về khai thác hải sản cho ngư dân tại ngư trường Hoàng Sa.

Rõ ràng là, chính trong lúc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam và tuyên bố đã hoàn tất hoạt động thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông, Việt Nam càng phải cảnh giác với những toan tính đằng sau động thái này. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định, việc Trung Quốc rút giàn khoan không đồng nghĩa với việc nước này sẽ từ bỏ những kế hoạch nhằm vi phạm chủ quyền Việt Nam và nhiều nước khác trên khu vực Biển Đông. Chắc chắn, Việt Nam không thể sớm vui mừng và lơ là tình hình Biển Đông khi bài học Philippines mất bãi cạn do tin Trung Quốc rút tàu vì bão vẫn còn đó.

Minh Thùy (tổng hợp)

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang