Tình hình Biển Đông hôm nay: Trung Quốc lý sự cùn đòi khai thác dầu ở Biển Đông

author 06:10 11/08/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hôm nay tiếp tục căng thẳng do tâm lý tham lam, muốn vơ vét tài nguyên từ các nước khác bằng lý lẽ sai trái của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những thông tin gần đây từ hãng tin AFP về tình hình Biển Đông cho hay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng tuyên bố Bắc Kinh “quyết không thay đổi quan điểm lập trường về chủ quyền lãnh hải” trên biển Đông bất chấp mọi nỗ lực đối thoại của các ngoại trưởng ASEAN.

Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương với các nước đòi chủ quyền trên biển Đông đồng thời thẳng thừng cho biết không chấp nhận kế hoạch ba bước của Philippines.

Theo đề xuất trước đó của Philippines, các bên đòi chủ quyền trên biển Đông cần ngừng ngay các hành động gây căng thẳng, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) và dùng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trung Quốc luôn bác bỏ mọi đề xuất xoa dịu tình hình Biển Đông

Trung Quốc luôn bác bỏ mọi đề xuất xoa dịu tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Vương cho rằng những đề trên của Philippines là “làm đứt quãng đàm phán giải quyết tranh chấp” và “hủy hoại lợi ích chung của Trung Quốc và ASEAN”, “gây ra những vấn đề mới” và “có ý đồ khác”. Thêm vào đó, ông Vương cũng tuyên bố Philippines đã vội vã áp dụng bước thứ ba trước là kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế.

Đáp lại thái độ “bất hợp tác” từ phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines đã lên tiếng bác bỏ lời chỉ trích của ông Vương Nghị và nhấn mạnh kế hoạch này hoàn toàn phù hợp với DOC mà Bắc Kinh đã ký năm 2002. Một bài báo trên tờ Wall Street Journal cũng dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ có mặt ở Naypyitaw cũng lên tiếng ủng hộ Philippines.

Không chỉ tiếp tục lên tiếng đe dọa và thể hiện thái độ thiếu hợp tác trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ở Myanmar về tình hình Biển Đông, giới quan chức Trung Quốc còn ngang ngược giở giọng đòi "cùng khai thác" dầu khí ở Biển Đông.

Được biết tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc gần đây đã cho đăng bài viết "Bành Nguyên Chính: Biển Đông là trọng điểm khai khác dầu khí mới của ta (Trung Quốc)" xuyên tạc về chủ quyền Biển Đông, phản ánh lòng tham cả chủ quyền và tài nguyên cũng như thủ đoạn thâm độc của Trung Quốc. (Tác giả Bành Nguyên Chính là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc)

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo luận điệu của bài viết, “Ở Biển Đông, cạnh tranh dầu khí những năm gần đây ngày càng gay gắt, làm thể nào để bảo vệ quyền thăm dò dầu khí vùng biển Trung Quốc trở thành vấn đề quan trọng không thể tránh khỏi”.

Bên cạnh đó, tác giả bài báo sử dụng giọng điệu xuyên tạc đòi vơ chủ quyền, tài nguyên của nước khác thành của mình, cho rằng: "Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nước như Việt Nam, Philippines lợi dụng sự can thiệp của lực lượng bên ngoài như Mỹ, hợp tác với công ty dầu khí nước ngoài, cướp đoạt khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông”. 

Đồng thời, tác giả nhận xằng hận xằng “đến nay, vùng biển quản lý của Trung Quốc đã có hơn 1.000 giếng dầu khí của các nước xung quanh, mỗi năm Trung Quốc bị cướp trên 50 triệu tấn dầu.”

Rõ ràng, bài báo đã thể hiện lòng tham vô độ, dường như đang tạo ra một bức tranh – trông Trung Quốc như một con “hổ đói”, nhìn thấy của cải, tài nguyên của nước khác thì muốn cướp đoạt. Hành động cướp đoạt không phù hợp, không được phép và sẽ bị kiểm soát, trấn áp trong thời đại văn minh hiện nay.

Trung Quốc thường xuyên có hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình Biển Đông

Trung Quốc thường xuyên có hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tác giả bài báo còn lớn tiếng tuyên bố  “các nước xung quanh Biển Đông không tuân thủ DOC, tích cực khai thác dầu khí.” Thực chất, luận điệu này bị bác bỏ hoàn toàn, bởi các nước trong đó có Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và điều này là đúng luật.

Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tiếp vi phạm DOC với việc xâm phạm chủ quyền của các nước xung quanh Biển Đông, điển hình là xâm chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hay hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam vừa qua.

Có thể nói, dù ra sức che giấu, bóp méo sự thật về tình hình Biển Đông nhưng luật pháp của Trung Quốc không thể điều chỉnh hoạt động ở vùng biển, vùng trời, vùng đất không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Minh Thùy (tổng hợp từ Tuổi Trẻ và Giáo dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang