Mỹ cảnh báo Biển Đông sẽ thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030

author 19:44 22/01/2016

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo chiến lược xoay trục sang châu Á của nước này đang gặp bất lợi và Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành ao nhà vào năm 2030.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo Thanh Niên, tờ The Washington Post dẫn lời các chuyên gia Mỹ cảnh nếu tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng, khó lường như hiện, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay đủ để kết hợp với các cơ sở xây dựng phi pháp trên Biển Đông để biến vùng biển chiến lược này thành ao nhà của mình.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cảnh báo tình hình Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng khó lường

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cảnh báo tình hình Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng khó lường. Ảnh minh họa

Cụ thể trong báo cáo mới nhất, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, trích lại Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc có đoạn: “Quân đội Trung Quốc (PLA) trong tương lai gần sẽ hoạt động vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất cũng như tiến vào Ấn Độ Dương”.

Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia. Lâu nay, Trung Quốc vẫn xem đây là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu. Vì thế, ý định chiếm lĩnh Biển Đông và Hoa Đông cũng nhằm một phần để mở đường “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất. Từ đó, CSIS nhận định: “Hướng mở rộng này của PLA sẽ là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ vì sẽ dần dần vươn tầm ảnh hưởng của PLA cũng như tăng cường các hoạt động an ninh phi truyền thống”.

CSIS dự đoán nhằm thực hiện mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ đầu tư mạnh vào việc phát triển và triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay. Điều này cộng với các hành động ngang ngược cấp tập vừa qua có nguy cơ biến Biển Đông “gần như trở thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030”.

Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt tàu sân bay ở khu vực Biển Đông vào thời gian tới

Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt tàu sân bay ở khu vực Biển Đông vào thời gian tới. Ảnh Reuters

Điều nguy hiểm là theo CSIS, việc triển khai hàng loạt tàu sân bay trong khu vực vào năm 2030 sẽ cho phép Trung Quốc áp đảo các nước khác trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. “Đối với các bên khác tại Biển Đông, đây là một hành động mang tính thay đổi cuộc chơi vì hầu như sẽ luôn có một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc hiện diện tại vùng biển tranh chấp”, báo cáo của CSIS viết.

Chưa hết, 2 năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây đắp đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dựng lên những công trình bị cho là nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa Biển Đông. Ít nhất 3 đường băng dài khoảng 3 km đã xuất hiện trên 3 bãi đá bị cải tạo thành đảo nhân tạo và giới chuyên gia nhận định đây là những “tàu sân bay không thể chìm”.

Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng liên tục có nhiều hành động bất chấp luật pháp, làm ảnh hưởng an ninh, an toàn và tự do lưu thông trong khu vực như triển khai phi pháp máy bay dân sự ra đá Chữ Thập, cảnh báo đe dọa máy bay dân sự của Philippines trên khu vực Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh Getty Images

Trong viễn cảnh tình hình Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng, báo cáo kêu gọi Mỹ thống nhất một chiến lược nhất quán và rõ ràng đối với châu Á, tăng cường hợp tác cũng như hỗ trợ nâng cao phòng thủ cho các đồng minh và đối tác đồng thời đưa thêm tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến cận bờ và cả máy bay đến khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, ngày 22/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã trình bày về chính sách đối ngoại trước quốc hội, đề cập đến việc đối phó với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng leo thang. Nhật Bản sẽ gia tăng nỗ lực để bảo đảm luật pháp được tuân thủ trên những vùng biển mở", hãng tin Nikkei trích phát biểu của Ngoại trưởng Kishida, ý nhắc đến việc Trung Quốc cải tạo, bồi lấp các bãi đá với quy mô lớn nhằm biến chúng thành đảo nhân tạo, rồi xây dựng các cơ sở trên đó.

Trước những chỉ trích của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc luôn khẳng định việc bồi lấp phục vụ các hoạt động dân sự. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định rõ quan điểm của Tokyo rằng: "Chúng ta không thể chấp nhận những hành động này". "Tình hình an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp. Trong năm qua, vấn đề an ninh hàng hải trở nên vô cùng quan trọng", ông Kishida nói.

Tuyết Trinh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang